Đẩy mạnh xử lý, hoàn nhập dự phòng
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, năm 2017, Ngân hàng đã xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Tính đến nay, Sacombank còn 50.000 tỷ đồng nợ xấu chưa được xử lý, tài sản đảm bảo chủ yếu bằng bất động sản.
Mục tiêu Sacombank đưa ra cho năm nay là lợi nhuận ở mức 1.800 tỷ đồng trước thuế. Kết thúc quý I/2018, Ngân hàng đã có lợi nhuận trước thuế hơn 500 tỷ đồng, hoàn thành 27,7% kế hoạch cả năm. Hoạt động xử lý nợ xấu cũng đã có lộ trình chi tiết cho từng quý và sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu từ hơn 4,2% hiện nay xuống dưới 3% vào cuối quý IV/2018, với ít nhất 15.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong năm nay.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank nhiều lần nhắc lại rằng, khi vào Ngân hàng, ông đặt mục tiêu tái cơ cấu trong 5 năm, dù đề án cho tới 10 năm để xử lý dứt điểm các tồn đọng. Ông tính toán là, nhanh có thể chỉ mất 3 năm, chậm mới đến 5 năm và khi tái cơ cấu xong, cổ đông sẽ có cổ tức đều đặn, năm sau cao hơn năm trước.
Tại ACB, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, năm 2018, ACB nỗ lực xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng rủi ro vào lợi nhuận. Vì thế, với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức 5.699 tỷ đồng, khả năng ACB có thể đạt 6.000 tỷ đồng. Các khoản nợ xấu 2010-2011 đã được trích lập 100%. Năm 2018, ACB ước tính trả cổ tức 30%. Nợ xấu phát sinh mới không gia tăng trong quý !/2018, nên ACB đặt kế hoạch thu hồi hơn 1.500 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2018.
Có còn là mối lo lớn
TS. Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Giám đốc Khối Nghiên cứu Tập đoàn Dragon Capital cho rằng, nợ xấu của ngành ngân hàng không còn là mối lo lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, nợ xấu của ngành ngân hàng tùy thuộc rất lớn vào từng khối ngân hàng.
Vietcombank vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2018. Cụ thể, tại thời điểm 31/3/2018, Ngân hàng có 7.894 tỷ đồng nợ xấu, tăng 27% so với đầu năm, trong đó chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng mạnh từ 684 tỷ đồng lên 2.009 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng kế tiếp (Techcombank, MB, ACB…) tuy vẫn đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu để hồi phục, đẩy mạnh tăng trưởng, song cần có thêm thời gian. Với nhóm còn lại là các ngân hàng nhỏ, yếu, do cho vay tập trung một vài đối tác liên quan, đến nay các khách hàng này chưa hồi phục, thì ngân hàng cũng khó khăn trong xử lý nợ xấu.
Song theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế - tài chính, sự phục hồi của các ngân hàng sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2018-2019, chất lượng tài sản sẽ tốt lên và hoàn nhập được dự phòng lớn, lợi nhuận cũng được kỳ vọng ở mức tích cực hơn so với những năm trước, trừ một số ngân hàng nhỏ, yếu kém khó có thể phục hồi.
OCB cho biết, ngân sách trích lập năm 2018 là 500 tỷ đồng (gồm 20% nợ xấu VAMC trích theo quy định và nội bảng), nhưng nhiều khả năng sẽ thu hồi được toàn bộ nợ xấu 728 tỷ đồng trái phiếu VAMC và không phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên, ban điều hành chưa đưa điều này vào dự toán lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng năm 2018.
Tại SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, đã xử lý và thu hồi được khoảng 4.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017, đồng thời thiết lập nhiều hoạt động để đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu trong năm nay. Mục tiêu của SCB trong năm 2018 sẽ xử lý, thu hồi từ 4.000-5.000 tỷ đồng nợ xấu.
“Chúng tôi cũng đang từng bước nỗ lực đẩy mạnh xử lý các khoản nợ xấu mà Ngân hàng đã bán cho VAMC ở các năm trước, giảm dự phòng rủi ro”, ông Văn nói. Mặc dù có nợ xấu mới phát sinh, nhưng theo lãnh đạo Ngân hàng, về cơ bản trong năm 2018, SCB nỗ lực xử lý phần lớn nợ xấu, hoàn nhập dự phòng rủi ro bắt đầu từ năm 2019.