Mức cạnh tranh chênh lệch lãi suất doãng rộng tới gần 2%/năm từng xuất hiện ở giai đoạn căng thẳng thanh khoản trước đây, những năm 2010 - 2012 - Ảnh: Quang Phúc. |
Tuần qua, thị trường tiếp tục đón thêm một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Chênh lệch lãi suất giữa các thành viên đã doãng rộng như giai đoạn căng thẳng 2010 - 2012.
Trong quý 3/2018, lãi suất huy động VND bắt đầu tăng lên ở một số điểm cục bộ. Mức cao nhất trên biểu niêm yết khi đó ghi nhận ở 8,3%/năm, tại một ngân hàng thương mại có trụ sở chính tại phía Nam; cộng thêm 0,1%/năm nếu gửi trực tuyến là 8,4%/năm.
Mức cao nhất nói trên đã thay đổi vào cuối quý 4 này, khi một số ngân hàng thương mại nâng mạnh lãi suất để cạnh tranh.
Cụ thể, chỉ trong nửa đầu tháng 12, thị trường liên tiếp xuất hiện các mức cao mới, 8,5%/năm, 8,6%/năm và mới nhất ghi nhận mức 8,7%/năm. Đáng chú ý, đây là những mức cao thay đổi giữa các thành viên, và đã có những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân quy mô lớn nhập cuộc.
Trong diễn biến trên, vừa qua thành viên lớn là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã nhập cuộc, tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn. Tuy nhiên, mức tăng tại Vietcombank nhẹ và các kỳ hạn cao nhất hiện chỉ ở 6,8%/năm.
Tại những thành viên lớn khác như VietinBank, BIDV, Agribank, mức cao nhất hiện cũng chỉ xoay trong khoảng 6,8 - 7%/năm cho các kỳ hạn dài.
Nhìn chung, ở nhóm ngân hàng thương mại lớn, nhóm đang nắm trên 50% thị phần huy động toàn hệ thống, lãi suất vẫn tương đối bình ổn, thậm chí vẫn đang thấp hơn vùng 6,9 - 7,2%/năm áp dụng ở các kỳ hạn dài hơn một năm trước.
Theo đó, với việc tăng mạnh ở một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như trên, cạnh tranh chênh lệch lãi suất huy động trong hệ thống đã doãng rộng từ 1,5%/năm đến gần 2%/năm, phá vỡ vùng chênh lệch chỉ khoảng 1 - 1,5%/năm ổn định hơn một năm qua.
Mức cạnh tranh chênh lệch lãi suất doãng rộng tới gần 2%/năm nói trên từng xuất hiện ở giai đoạn căng thẳng thanh khoản trước đây, những năm 2010 - 2012.
Ở giai đoạn đó, bên cạnh lạm phát leo thang, nợ xấu ngân hàng là một trong những nguyên nhân chính tác động đến lãi suất. Mức độ nợ xấu lên tới hai con số, đặc biệt tại nhóm ngân hàng yếu kém, đặt ra áp lực một lượng vốn lớn ngân hàng đã cho vay nhưng không quay về, bị kẹt trong nợ xấu, dẫn tới thiếu nguồn thu về để chỉ trả, dồn đẩy vòng xoáy huy động mà lãi suất trở thành công cụ cạnh tranh chủ yếu.
Nay, bối cảnh của lãi suất đã khác. Lạm phát năm nay tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Tăng trưởng tín dụng dự báo có thể ở mức thấp nhất trong bốn năm trở lại đây. Các chỉ số an toàn hệ thống và năng lực tài chính nói chung đã cải thiện so với giai đoạn trước. Nhưng cạnh tranh chênh lệch lãi suất huy động một lần nữa xuất hiện với khoảng cách lớn.
Có những nguyên do khác nhau. Thời điểm cuối năm, yếu tố mùa vụ cao điểm chi trả và lãi suất hàng năm thường tăng lên đoạn này. Nửa cuối năm nay, rủi ro tỷ giá bộc lộ, tác động đến sự dịch chuyển nhu cầu vay ngoại tệ sang vay VND, kích thích yếu tố nguồn. Cuối 2018 một số ngân hàng chịu áp lực huy động để cân đối yêu cầu rút giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; cùng đó một số khoản bị ngoại trừ trong cơ cấu tính vốn tự có mang tính kỳ hạn cần bù đắp theo quy định mới…
Ngoài ra, nợ xấu có xu hướng gia tăng trở lại, ghi nhận trên báo cáo tài chính quý 3/2018 của nhiều ngân hàng thương mại. Có thể ngẫu nhiên, nhưng những thành viên đẩy lãi suất huy động VND lên cao hiện nay đều là những trường hợp đang có xu hướng nợ xấu tăng lên hoặc đang gặp vấn đề về nợ xấu.
Như trên, nợ xấu là phần vốn đã cho vay nhưng hiện không thu hồi về được, không trở về đúng lịch cân đối. Phần vốn này càng gia tăng càng thúc đẩy áp lực huy động để có nguồn cân đối chi trả, nhất là trong thực tế tỷ lệ cho vay so với huy động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thường xuyên duy trì ở mức cao, quanh 90% những năm vừa qua và hiện nay.