Những thương hiệu từ... lá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày Tết đến xuân về khó thiếu một số “hương, vị” đặc biệt là trà, rượu và những nén hương thắp trên bàn thờ gia tiên… Chén trà nóng để vòng tay gặp gỡ thêm bền chặt, ly rượu nồng giúp tâm tình thêm nồng đượm và khói nhang làm vơi đi những âu lo…
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Lào Cai cao đến 5 m, có tuổi đời hàng trăm năm, cho ra thị trường sản phẩm chất lượng cao
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Lào Cai cao đến 5 m, có tuổi đời hàng trăm năm, cho ra thị trường sản phẩm chất lượng cao

Nóng đượm chén trà

Chè trồng ở nhiều vùng đất Bắc, gần Hà Nội và nổi tiếng nhất có thể tìm lên Thái Nguyên để thấy màu lá chè xanh bát ngát phủ kín những vạt đồi Tân Cương, Phúc Xuân, Hòa Bình, Minh Lập…

Chè Thái Nguyên được nhiều người mê bởi màu nước xanh trong sang trọng, hậu vị ngọt thanh và cũng bởi những lá chè Long Vân, Hương Bắc Sơn, Hoa Nhật Kim, Bát Tiên… trên đất Thái từ thuở thai sinh đã thấm đẫm mầu mỡ phù sa của dòng sông Cầu thơ mộng, của những đồi đất đỏ bazan.

Bao năm qua, cây chè là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên. Tùy hình thức thu hái về tỷ lệ lá, độ non, già của búp cùng nghệ thuật sao chế, những “nghệ nhân” làm trà Thái đã cho ra đời những loại trà phẩm cấp từ một đến bốn… với chất lượng tuyệt hảo. Riêng chè được trồng, chế biến theo phương pháp hữu cơ tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 có quy mô khoảng 60 ha, giúp Thái Nguyên có thêm một thương hiệu đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm).

Giá nhiều loại chè ở Thái Nguyên khá cao, thường vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/kg. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè Tân Hương Đỗ Thị Hiệp cho biết, trà đinh ngon có giá tới 7 - 8 triệu/kg… Đến nay, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.

Xa hơn Thái Nguyên, ở Tả Củ Tỷ, Lào Cai, chàng trai người Dao Lý Văn Minh cũng sớm thấy được khả năng mở hướng thoát nghèo từ cây chè cổ thụ sinh trưởng tại quê hương mình. HTX Nông nghiệp Tả Củ Tỷ do Minh lãnh đạo vài năm qua đã đưa ra thị trường nhiều thương hiệu chất lượng cao như: trà Shan tuyết cổ thụ, bạch trà Shan tuyết cổ thụ… Đặc biệt, với hương vị tự nhiên, trà Shan tuyết cổ thụ của HTX bán ra thị trường loại ngon nhất có giá hơn 1 triệu đồng/kg. Minh tâm sự, HTX đang tiếp tục mở rộng và chuẩn hóa vùng nguyên liệu, phấn đấu hoàn thiện quy trình sản xuất để đăng ký xếp hạng sản phẩm OCOP.

Sang Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc, trên dãy núi đá quanh năm mây phủ, Vương Chí Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình rất mê uống trà. Ngồi trước bếp lửa trong dinh họ Vương, ông say mê kể về thương hiệu trà Shan Lũng Phìn của huyện Đồng Văn và cho biết, thường chọn sản phẩm này làm quà biếu khách quý.

Không chỉ Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Giang, muốn thấy thành quả xây dựng thương hiệu chè cũng có thể đến Bắc Kạn, Cao Bằng… Ở Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng) sẽ thấy bát ngát chè, chè tầng tầng lớp lớp như mây trời lãng du lưng đồi, vượt trên cả đỉnh núi mờ sương.

Rượu ngô Bắc Hà ngon nhờ men lá

Rượu ngô Bắc Hà ngon nhờ men lá

Nồng say rượu men lá

Nhiều danh tửu được kết tinh từ những công thức men lá huyền thoại. Men lá thực sự là cốt tủy khai sinh ra tên tuổi những loại rượu huyền danh. Rượu men lá hiện hữu ở nhiều nơi và thấm đẫm hương vị đặc sắc bản địa. Những gia đình nấu rượu men lá lâu năm ở các tỉnh miền núi đều tiết lộ, rượu ngon nhờ được chưng cất từ 10 đến hơn 30 loại lá khác nhau. Mỗi nghệ nhân làm men bằng cách riêng của mình với số lá rừng theo bí quyết riêng được hái về rửa sạch, thái nhỏ trộn đều, lăn thành các bánh tròn với bột cám rồi ủ chín và phơi khô khoảng1 tháng…

Kể về rượu men lá phải nhắc đến rượu ngô Bắc Hà và rượu Shan Lùng Bát Xát ở Lào Cai. Dịp cuối năm, tại nhiều chợ phiên ở hai huyện luôn thấy các dãy dài san sát bày gùi tre cõng rượu. Rượu “ủ ấm” được thoải mái rót đầy nắp can, hào phóng đổ tràn miệng bát sứ mời khách mua nếm thử.

Rượu ngô Bắc Hà ngon nhờ men lá có tên như tựa đề câu chuyện huyền bí “Hồng Mi”. TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, người có nhiều năm giữ cương vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, Hồng Mi là tên một loại hạt họ kê, thứ hạt là nguồn lương thực chính của người Mông cổ. Ở phiên chợ Bắc Hà, Giang A Chư giới thiệu: “Hồng Mi được pha thêm vài loại lá rừng sẽ tạo nên thứ men giúp mùi thơm rượu đặc trưng hơn”. Riêng “kỳ tửu” Shan Lùng ở xã Y Tý của huyện Bát Xát được chưng cất từ loại men lá theo công thức riêng của người Dao đỏ với 15 loại lá rừng…

Lào Cai còn nhiều huyện có rượu men lá nổi tiếng. Bà Triệu Thị Náy cùng 26 hộ dân xã Thẩm Dương, huyện Văn Bàn đã thành lập Tổ liên kết sản xuất rượu men lá truyền thống; xã Dần Thàng có rượu nếp làm từ men lá với công dụng hỗ trợ chữa bệnh đau nhức xương được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và đang hướng tới đạt sao OCOP cấp tỉnh…

Tại Bắc Kạn, lô rượu men lá đầu tiên của HTX Thanh Tâm, Chợ Đồn đã được xuất khẩu sang Nhật Bản qua đại lý Komeco., Ltd vào tháng 10 vừa qua.

Dân bản Phia Thắp chẻ tre, vót sạch, phơi khô để làm hương

Dân bản Phia Thắp chẻ tre, vót sạch, phơi khô để làm hương

Thoảng bay những ưu phiền

Nhang (hương) làm từ lá cây, thảo dược không sử dụng hóa chất độc hại có tác dụng tốt đối với sức khỏe ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là giới trẻ. Tết đến, những thân nhang này luôn cháy đỏ trước vài cửa hiệu, hay ở những hội chợ giới thiệu sản phẩm vùng miền đặc sắc. Hương được sản xuất chủ yếu từ lá cây bao giờ cũng tạo ra mùi thơm đặc trưng, thoảng nhẹ nhưng rất đượm sâu, khói hương có thể tạo cảm giác thư thái cho người dùng.

Nghề làm nhang tồn tại và phát triển lâu đời ở nhiều làng nghề: Quán Hương (Quảng Nam), Xuân Thủy (Huế), Chóa (Bắc Ninh), Quán Giò (Thanh Hóa), Thôn Cao (Hưng Yên)… Xuất thân từ làng nghề, nhiều thương hiệu nhang như Thiên Phúc, Phúc An, Khuynh Diệp, Hướng Tâm… thường có thành phần chủ yếu từ một số loại lá cây mang tinh dầu thơm như sả, hương nhu, hương thảo, bạc hà, ngải cứu… và có thể phối trộn thêm một số ít bột trầm, quế, mùn cưa. Thậm chí, có nhiều loại nhang chỉ sử dụng duy nhất một thành phần lá cây như nhang Khuynh Diệp sử dụng lá cây bạch đàn cộng chất kết dính là nhựa cây bời lời. Nhang sản xuất từ các thành phần lá cây hiện đã có mặt ở nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Vào dịp giáp Tết đến huyện Quảng Yên, Cao Bằng và tìm về bản Phia Thắp dưới chân núi Phà Hùng sẽ thấy một làng nghề làm hương hơn 100 tuổi của người Nùng. Ở Phia Thắp, hương được phơi khắp nơi từ bờ rào đá, mái hiên, bậu cửa nhà, dọc đường làng. Dân Phia Thắp có nghệ thuật chọn loại tre mai dẻo mang về chẻ nhỏ và kết dính vào đó bột của lá cây bầu, may khảo, gỗ thông để cho ra đời loại hương cháy rất đượm, có mùi thơm hoang sơ, quyến rũ.

Nhang là gạch nối tâm linh, giúp chuyển giao những thương nhớ, ước vọng của người còn sống với tổ tiên, thần linh. Nhu cầu sử dụng nhang ngày càng nhiều trong đời sống thường ngày và nhất là vào các dịp lễ, tết giúp cho những thương hiệu nhang tạo ra từ lá cây, thảo dược khẳng định vị trí quan trọng.

Trà, rượu men lá và nhang là một số sản phẩm giản dị, thân thuộc hình thành từ lá. Còn nhiều sản phẩm khác mang đến “đời sống mới” cho các loại lá cây, dược liệu đã và đang định hình thương hiệu. Đây chính là điểm nhấn nâng tầm và quảng bá tiềm năng ẩn chứa của nhiều loài cây Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.

Chuyên đề