Tạo hóa đã biệt đãi ban tặng Vĩnh Phúc một bầu không khí trong trẻo đến tinh khôi với nhiều sắc màu, cung bậc, được bao bọc bởi hệ thống thung lũng núi, đồi và sông suối. Ảnh: Thu Thủy |
Kiệt tác sinh thái của tạo hóa
Hiếm có một tỉnh, thành nào trong cả nước lại có địa hình sông núi đan xen, tương hỗ để tạo vùng thiên nhiên rộng lớn, trùng điệp, hùng vĩ và nên thơ, vô tiền khoáng hậu như Vĩnh Phúc. Tạo hóa đã biệt đãi ban tặng Vĩnh Phúc một bầu không khí trong trẻo đến tinh khôi với nhiều sắc màu, cung bậc, được bao bọc bởi hệ thống thung lũng núi, đồi và sông suối.
Đặc biệt, nhắc đến mảnh đất Vĩnh Phúc, người ta như mê đắm nghĩ về một Tam Đảo huyền tích, hùng vĩ với các ngọn núi quanh năm ẩn hiện trong sương mờ, mây phủ. Đứng trên đỉnh hệ thống 3 ngọn núi của Tam Đảo có thể phóng tầm mắt để bao quát nhìn về Hà Nội, sẽ cảm nhận được rất rõ sự ung dung tự tại của con người đứng giữa thiên nhiên, trút bỏ mọi xô bồ, nhịp sống gấp gáp của cuộc sống thường nhật để cảm nhận đủ các cung bậc thời tiết của 4 mùa miền Bắc chỉ trong 1 ngày.
Trải nghiệm những cung đường uốn lượn bám theo sườn núi để lên đỉnh núi Tam Đảo hay ngồi vào những ca bin cáp treo để chao mình giữa các thung lũng núi đồi, ngắm những dòng suối trong veo, vắt vẻo len giữa lưng chừng ngọn núi từ trên cao đều đem lại cho ta cảm giác khác biệt, hồi hộp đến say lòng vì thắng cảnh thiên nhiên nơi đây. Dải Tam Đảo trải dài hơn 30 km từ thị xã Phúc Yên tới huyện Lập Thạch có các đỉnh núi Phù Nghì, Thiên Thị, Thạch Bàn là một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn bảo tồn nhiều loài chim thú và thảm thực vật quý hiếm. Nhiều thắng cảnh được bao bọc bởi vùng khí hậu mát mẻ quanh năm như: thác Bạc, thác Vàng, cầu Đái Tuyết, suối Giải Oan... Nhìn từ trên cao, hàng loạt đồi núi dựa lưng vào các dãy núi Tam Đảo, sau đó nằm gối vào nhau, rồi duỗi thấp dần, tạo ra một không gian đồng bằng trù phú và tương đối bằng phẳng.
Đến tham quan Tam Đảo, bạn có thể thăm vườn quốc gia Tam Đảo, suối Bạc, hoặc lên Tháp truyền hình Tam Đảo, đền Mẫu Chúa thượng ngàn, đền Đức Thánh Trần… vốn đã trở thành những địa chỉ tâm linh của nhân dân khắp cả nước. Không chỉ có thế, với tổng diện tích tự nhiên gần 1.400 km2, Vĩnh Phúc là nơi hội tụ được nhiều con sông chảy qua, nhiều đầm hồ lớn nổi tiếng đẹp như: đầm Vạc, hồ Đại Lải, suối Sải, đầm Dưng...
Với địa hình và vị trí địa lý thuận lợi, Vĩnh Phúc là số ít địa phương trong cả nước có tiềm năng và thế mạnh về du lịch xanh. Ảnh: Thế Anh
Rộng cửa chờ những dự án xứng tầm
Được thiên nhiên biệt đãi, với địa hình và vị trí địa lý thuận lợi (chỉ mất 1 giờ để di chuyển bằng ô tô từ Thủ đô Hà Nội), Vĩnh Phúc là số ít địa phương trong cả nước có tiềm năng và thế mạnh thu hút khách du lịch, phát triển du lịch “xanh”. Tuy nhiên, số lượng dự án phát triển du lịch đã có “hình hài” ở Vĩnh Phúc vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các dự án du lịch đã đi vào hoạt động ở đây đều do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, chưa có bóng dáng của các nhà đầu tư nước ngoài với những đại dự án tầm cỡ. Những siêu dự án về du lịch để mảnh đất Vĩnh Phúc cất cánh hiện vẫn đang nằm trong ý tưởng, trong kế hoạch tìm hiểu và đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện tại, Dự án Khu du lịch sinh thái Đại Lải (Flamingo Đại Lải) giai đoạn 2 đang được nhà đầu tư Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải thực hiện tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên với tổng mức đầu tư hơn 3.560 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án này chỉ có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nhưng thực sự Flamingo Đại Lải đã trở thành điểm nhấn cho du lịch Vĩnh Phúc, một địa chỉ mà khách du lịch không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất này để tận hưởng những giây phút phiêu bồng, lãng mạn và thăng hoa cùng thiên nhiên. Theo kế hoạch, toàn bộ giai đoạn 2 của Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021 với việc đưa vào vận hành các công trình du lịch quy mô như: dịch vụ Đường thơ, khu dịch vụ cổng Nam, 5 tòa nhà Forest cùng hạ tầng cảnh quan và nhiều biệt thự nhà vườn…
Bên cạnh đó, hiện Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng cũng đang trong quá trình thực hiện một số dự án du lịch ở Vĩnh Phúc như: Khách sạn Lâu Đài; Khu tổ hợp dịch vụ cao cấp; Dự án ẩm thực tại trung tâm thị trấn Tam Đảo.
Còn Dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II và cáp treo Bến Tắm Tây Thiên đi khu du lịch Tam Đảo II với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 3.000 tỷ đồng của nhà đầu tư Công ty TNHH Mặt Trời Tam Đảo cũng đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư, dự kiến quý I/2019 sẽ đưa toàn bộ Dự án vào khai thác.
Hiện tại, đã có một số nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài ký biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư vào Vĩnh Phúc với các dự án như: Dự án Trường đua ngựa của Tập đoàn Go Max (Hàn Quốc) dự kiến thực hiện ở xã Nam Viêm và Cao Minh, thị xã Phúc Yên với tổng diện tích 200 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD; Dự án Sân golf Gia Khau và Dự án Sân golf Bàn Long do Công ty CP Hapetern đầu tư ở xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên với tổng diện tích đất 257 ha, tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng…
Công ty CP Sông Hồng Thủ Đô đang đề xuất Dự án Cải tạo môi trường nước và bảo vệ cảnh quan sinh thái hồ Đầm Vạc theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng.
Hy vọng, với việc hiện thực hóa các dự án lớn về du lịch và thu hút thêm các siêu dự án mới sẽ sớm khai phá được các tiềm năng du lịch của Vĩnh Phúc, biến mảnh đất nơi đây thực sự là thiên đường sinh thái, là địa chỉ về du lịch xanh của cả nước, không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà còn lôi cuốn và làm say lòng du khách nước ngoài.