Những năm Sửu đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những năm con trâu - năm Sửu là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng và đầy ý nghĩa, ghi dấu ấn đậm nét trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Năm Tân Sửu 41, Hai Bà Trưng xưng vương, xây dựng và củng cố nhà nước độc lập
Năm Tân Sửu 41, Hai Bà Trưng xưng vương, xây dựng và củng cố nhà nước độc lập

Những năm Sửu đấu tranh, dựng nền độc lập

Tân Sửu 41: Hai Bà Trưng, sau khi khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán, đã xưng vương, xây dựng và củng cố nhà nước độc lập, thiết lập chế độ quân chủ nữ quyền đầu tiên ở Việt Nam.

Ất Sửu 545: Một năm sau khi Nhà nước Vạn Xuân ra đời, nhà Lương tổ chức cuộc xâm lược nước ta nhằm chinh phục lại Châu Giao, "thuộc quốc" cũ. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế đứng lên kháng chiến, bảo vệ nền độc lập mới giành được.

Quý Sửu 713: Mai Thúc Loan lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Đường, sau đó lên ngôi vua, tước hiệu là Mai Hắc Đế.

Ất Sửu 905: Họ Khúc giành quyền độc lập tự chủ, mở đầu thời đại phong kiến Việt Nam. Nhân lúc nhà Đường suy vong, Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng ở Hồng Châu (Hải Dương), tự xưng là Tiết độ sứ giành quyền quản lý đất nước. Họ Khúc thành lập chính quyền từ trung ương đến địa phương, chia nước thành các lộ, phủ, châu, giáp, xã, lập sổ hộ khẩu. Từ đây, nước ta thoát khỏi ách thống trị của phong kiến Trung Hoa, xây dựng nền độc lập tự chủ.

Ất Sửu 1865: Anh hùng chống thực dân Pháp Võ Duy Dương lập căn cứ kháng chiến tại Đồng Tháp Mười và thắng trận Mỹ Trà vang danh vào tháng 7/1865 (có sự tham gia của người bạn đồng chí hướng Trương Định lúc còn sinh tiền).

Ất Sửu 1925, với các sự kiện: Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc) tập hợp những người yêu nước, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc bãi công của công nhân xưởng đóng tàu Ba Son (Sài Gòn), do Tôn Đức Thắng lãnh đạo là bước chuyển mình quan trọng của giai cấp công nhân Việt Nam từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh có tổ chức, có ý thức.

Tân Sửu 1961: Chiến thắng thị xã Phước Thành (Bình Dương ngày nay), lần đầu tiên quân ta đánh chiếm được một tỉnh lỵ của chính quyền Sài Gòn, phá thế bao vây, chia cắt đối với vùng căn cứ chiến lược, mở thông hành lang từ Chiến khu Đ phát triển đi các hướng, tạo ra một cục diện thay đổi trên chiến trường, báo hiệu sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 1960 - 1965.

Quý Sửu 1973: Ngày 27/1, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình tại Việt Nam được ký kết, tạo nền tảng pháp lý cho hoà bình và thống nhất lãnh thổ Việt Nam.

Những năm Sửu xác lập vị thế vững chắc của đất nước

Đinh Sửu l097: Vua Lý Nhân Tông cho biên soạn, sửa chữa, cải cách các phép tắc và định chế chính trị - pháp quyền cũ, làm thành một quyển mới gọi là Hội điển, tạo nên những tiến bộ lớn trong phương thức tổ chức nhà nước và điều hành mọi quan hệ chính trị.

Kỷ Sửu 1469: Vua Lê Thánh Tông cho vẽ bản đồ quốc gia với từng khu vực cụ thể. Đây là bước tiến lớn trong việc xác định, quy hoạch và quản lý lãnh thổ. Nhà vua đã quy định bản đồ cả nước, đặt ra 12 khu: Thuận Hóa - Nghệ An - Thanh Hóa - Sơn Nam - Hải Dương - Sơn Tây - Kinh Bắc - An Bang - Tuyên Quang - Hưng Hóa - Lạng Sơn - Ninh Sóc.

Tân Sửu 1481: Vua Lê Thánh Tông cho mở đồn điền khắp nơi trong nước để sản xuất thêm lương thực và tạo thêm việc làm cho quân sĩ trong thời bình.

Kỷ Sửu 1829: Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ xúc tiến công cuộc khẩn hoang các vùng đất sình lầy ven biển, lập được hai ấp Kim Sơn và Tiền Hải thuộc tỉnh Ninh Bình và Thái Bình.

Tân Sửu 1841: Vua Thiệu Trị cho vẽ bản đồ từng tỉnh khắp lãnh thổ Việt Nam để dùng trong lĩnh vực quân sự và hành chính. Đồng thời, tổng kiểm kê hành chính trong cả nước với quy mô lớn về dân đinh, ruộng đất, số lượng thuế các loại thu được (thóc, tiền, vàng, bạc) và số lượng binh lính trong quân đội nhà Nguyễn. Đây là đợt kiểm kê để lại số liệu rất giá trị. Nếu chậm trễ vài chục năm sau, quân Pháp vào, cục diện thay đổi, chắc không thể làm được như thế. Ngoài ra, nhà vua nghiêm cấm quan lại khi đi công tác không được nhũng lạm và gây kinh động dân chúng địa phương.

Tân Sửu 1961: Miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) với những mục tiêu quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội. Chính quyền Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức xuống đến tận cơ sở khắp miền Nam, đánh dấu sức bật mới của phong trào cách mạng miền Nam.

Ất Sửu 1985: Tháng 6, Quốc hội họp và quyết định bãi bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh tế kinh doanh.

Đinh Sửu 1997: Ngày 14/5, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam trình quốc thư. Ngày 9/6, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn, quyết định hai vấn đề quan trọng: phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh và chiến lược cán bộ của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngày 19/6, Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 52.

Kỷ Sửu 2009: Nền kinh tế Việt Nam đã có những phục hồi lớn sau tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007 - 2009) với mức tăng trưởng GDP 5,2%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trên lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ 2 năm (2008 - 2009) lần đầu tiên là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với hai lần đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng (tháng 7/2008, 10/2009).

Chuyên đề