Những gói thầu trở thành “cục nợ”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vướng mắc về giải phóng mặt bằng không chỉ làm chậm tiến độ thi công nhiều công trình, lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn khiến cho nhà thầu rơi vào khó khăn, chủ động xin “dừng cuộc chơi”, thậm chí buộc phải giải thể. Tình trạng này đang xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) xây 4 năm chưa xong. Ảnh: Minh Hạnh
Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) xây 4 năm chưa xong. Ảnh: Minh Hạnh

Từ nhà thầu giải thể

Tháng 6/2022, Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tam Kỳ (Nhà Tam Kỳ) - thành viên Liên danh nhà thầu thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) ra văn bản thông báo ngừng hoạt động, tuyên bố giải thể do không có mặt bằng để thi công; giá nhiên liệu, vật liệu và nhân công tăng cao nên nhà thầu mất khả năng hoạt động. Gói thầu trên trị giá 45,3 tỷ đồng, do Liên danh Công ty TNHH Thuận Gia - Nhà Tam Kỳ - Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Đại Thiên thực hiện, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng là UBND huyện Quế Sơn. Theo hợp đồng, Gói thầu được thực hiện trong 360 ngày (từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021).

Trước khi ký hợp đồng, UBND huyện Quế Sơn cam kết bàn giao mặt bằng trong tháng 3/2020 nhưng tiến độ liên tục bê trễ. Không có mặt bằng thi công, tháng 11/2022, Nhà Tam Kỳ chủ động gửi công văn đề nghị Chủ đầu tư thanh lý hợp đồng và đến tháng 6/2023 tiếp tục gửi đề nghị chấm dứt hợp đồng. Điều trớ trêu là khi mặt bằng được bàn giao (chậm 3 năm so với cam kết), Nhà thầu từ chối nhận vì không còn khả năng thi công.

Ông Trịnh Xuân Đông, đại diện Nhà thầu Nhà Tam Kỳ cho biết, trước khi đề nghị chấm dứt và thanh lý hợp đồng, Nhà thầu đã hoàn trả kinh phí tạm ứng. Hiện các bên liên danh đã đồng ý chuyển nhượng khối lượng còn lại cho Nhà thầu Thuận Gia nhưng thủ tục giữa Chủ đầu tư và Thuận Gia chưa hoàn tất nên Gói thầu chưa thi công trở lại.

Tính từ thời điểm Nhà Tam Kỳ đề nghị chấm dứt hợp đồng đến nay đã 1 năm rưỡi, qua nhiều cuộc họp, làm việc giữa các bên nhưng Gói thầu vẫn chưa thể tiếp tục triển khai. “Hai phương án đã được đưa ra, gồm: tổ chức đấu thầu rộng rãi phần khối lượng do Nhà Tam Kỳ thực hiện còn dang dở, hoặc cho phép Nhà thầu Thuận Gia thực hiện phần khối lượng còn lại của Nhà Tam Kỳ nhưng vẫn chưa có phương án nào được chọn”, Chủ đầu tư cho hay.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã đốc thúc nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng, xác định trách nhiệm của các bên trong việc Nhà Tam Kỳ không thực hiện phần công việc theo hợp đồng đã ký kết, xử lý theo thẩm quyền trong trường hợp nhà thầu vi phạm hợp đồng. Diễn biến mới nhất là Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo UBND Tỉnh khẩn trương xét chọn lại đơn vị thi công và ưu tiên phương án giao lại cho Nhà thầu Thuận Gia thực hiện phần khối lượng của Nhà Tam Kỳ.

Đến nhà thầu xin trả lại khối lượng vướng mặt bằng

Tình trạng vướng mặt bằng khiến nhà thầu chờ đợi mỏi mòn cũng xảy ra tại Gói thầu số 28 (HU-CW07) Nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ và đường nối 2 khu đô thị A và B khu An Vân Dương (cầu qua sông Như Ý) thuộc Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) Thừa Thiên Huế do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế làm Chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) đại diện Chủ đầu tư, điều hành dự án.

Gói thầu trị giá 109 tỷ đồng này được khởi công tháng 7/2021, theo kế hoạch hoàn thành ngày 30/5/2024. Công ty CP 479 Hòa Bình là nhà thầu thi công. Đến nay, giá trị thực hiện đạt khoảng 47,8 tỷ đồng, tương ứng 46,2%, tồn đọng nhiều nhất là khu vực phía đường Phạm Văn Đồng với hơn 35 tỷ đồng giá trị hợp đồng đang “đóng băng”, Nhà thầu yêu cầu phải có 100% mặt bằng mới triển khai thi công lại.

Trước đó, từ đầu năm 2024, đại diện Chủ đầu tư đã có công văn gửi Nhà thầu 479 Hòa Bình đề nghị gửi báo cáo điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng Gói thầu để có cơ sở xem xét, đánh giá việc gia hạn, song song xác định khối lượng còn lại chưa thi công để có hướng xử lý khi hợp đồng hết thời hạn. Theo đó, khối lượng còn lại chưa thi công của Gói thầu là 43,357 tỷ đồng, trong đó, khối lượng do lỗi chủ quan của Nhà thầu do chậm thi công là 6,266 tỷ đồng. “Hợp đồng thi công sẽ hết hạn vào 30/5/2024; đến 30/6/2024, Hiệp định vay vốn cũng hết hiệu lực nhưng Gói thầu chưa thể hoàn thành. Chủ đầu tư đã báo cáo UBND Tỉnh gia hạn tiến độ”, đại diện Chủ đầu tư cho hay.

Dù vậy, Nhà thầu 479 Hòa Bình đã đề xuất trả lại khối lượng các hạng mục đang vướng mặt bằng, đề nghị Chủ đầu tư hỗ trợ Nhà thầu một phần chi phí do thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài, giá cả vật tư thiết bị tăng cao so với thời điểm dự thầu. Tuy nhiên, đại diện Chủ đầu tư cho biết, “đối với đề xuất hỗ trợ kinh phí, Ban đã trả lời Nhà thầu là không có cơ sở để hỗ trợ”.

Chuyên đề