Những dấu ấn trên nửa lộ trình đã qua của Thủ tướng

(BĐT) - Gần hai năm lãnh đạo Chính phủ đã để lại nhiều ấn tượng về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong tư duy cải cách và phát triển kinh tế qua phát ngôn và hành động của ông.
Những nỗ lực nhất quán, kiên trì của Thủ tướng Chính phủ đã giúp cả hệ thống chuyển động, góp phần vào thành tích tăng trưởng năm 2017. Ảnh: Thanh Hải
Những nỗ lực nhất quán, kiên trì của Thủ tướng Chính phủ đã giúp cả hệ thống chuyển động, góp phần vào thành tích tăng trưởng năm 2017. Ảnh: Thanh Hải

Chính sách phải được hoàn thiện và thực thi

Vào cuối phiên đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hồi đầu tháng 1/2018 đã diễn ra một chi tiết rất thú vị liên quan đến tư duy của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Người dẫn chương trình, Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh từ Trường Đại học Fulbright đặt câu hỏi: “Thưa Thủ tướng, ông có giải pháp nào để tăng khả năng chống chọi của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc có thể từ bên ngoài?”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt lại phần trả lời trực tiếp dài, đã viện dẫn cuốn sách kinh tế kinh điển “Tại sao các quốc gia thất bại” của hai tác giả James A. Robinson và Daron Acemoglu rồi nói: “Chúng ta phải tiếp tục thực hiện các khuyến cáo họ nêu là (cải cách) thể chế, thể chế và thể chế phải phù hợp hơn với kinh tế thị trường”. Thủ tướng khẳng định các chính sách phải huy động được mọi người dân cùng tham gia công cuộc xây dựng đất nước nhanh và bền vững.

Cả câu hỏi và câu trả lời đều rất thâm thúy nếu đặt trong một ngữ cảnh rộng hơn. Ông Tự Anh, một học giả uy tín từng nhận xét trước đó, Việt Nam đang theo đuổi thể chế song trùng, vừa dung hợp (inclusive) vừa tước đoạt (extractive). Không ít chính sách extractive phục vụ một nhóm nhỏ thay vì lợi ích của số đông, làm hạn chế sự phát triển lành mạnh của quốc gia. Trong khi đó, Thủ tướng đã chỉ ra việc xây dựng thể chế mới chính là giúp tháo gỡ những nút thắt để khơi thông phát triển.

Ông Mai Hữu Tín, một doanh nhân từng là đại biểu Quốc hội sau đó đã cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong những người Việt Nam đầu tiên đọc cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại” ngay khi có bản dịch tại Việt Nam. Thủ tướng có trao đổi với ông Tín về cuốn sách này. Ông Tín nhận xét, đây là một ngạc nhiên thú vị với ông và cho biết ông có cảm tình với một lãnh đạo có tinh thần cầu thị như vậy.

Vượt lên trên khuôn khổ một cuộc hội thoại trên là tư tưởng điều hành kinh tế của Thủ tướng. Đó là chính sách phải được hoàn thiện và thực thi để doanh nghiệp trong nước mạnh lên, giúp đất nước tự cường. Nó nhất quán trong phát ngôn và hành động của ông suốt từ khi nhậm chức hai năm trước. 

Quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh

Tối ngày 2/10/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện thoại cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về một dự án luật mà bà sẽ chủ trì xem xét tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng hôm sau. Thủ tướng tha thiết muốn làm sao rút ngắn quy trình thẩm tra để Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh được đưa ra Quốc hội sẽ diễn ra sau đó hơn hai tuần. Dự án luật đó rốt cuộc cũng được Quốc hội thông qua cho dù dưới tên gọi khác. Thủ tướng có lý do: ông không muốn thị trường ô tô trong nước hàng tỷ đô la bị thôn tính bởi ô tô sản xuất ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Minh Đức từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét, luật này thể hiện tinh thần bảo vệ ngành công nghiệp ô tô khá mạnh mẽ. Do các cam kết quốc tế nên Việt Nam không thể duy trì các biện pháp thuế quan lên đến 82% để bảo hộ ô tô. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ đạo mạnh mẽ việc phải áp dụng các biện pháp phi thuế quan, như chương trình hỗ trợ nội địa hoá hay các hàng rào kỹ thuật. Những doanh nghiệp sản xuất sẽ hưởng lợi chứ không phải các doanh nghiệp thương mại.

Thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ phát đi cuối tháng 8/2016 đã cho kết quả đầy khích lệ sau đó với việc bán vốn ở Vinamilk và Sabeco. Theo Bộ Tài chính, tổng giá trị của 45 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2017 gấp tới 6 lần của năm 2016.
Cải cách, sửa đổi hệ thống luật pháp để cải thiện môi trường kinh doanh mới là điều đáng kể nhất. Số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh lên tới 6.000, các thủ tục hành chính rườm rà, và sự can thiệp của các cơ quan hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp đã trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Thủ tướng đã tuyên chiến với vấn nạn này bằng cách xử lý vụ việc quán cà phê Xin chào ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ, và yêu cầu rà soát 50 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh vào tháng 6 năm 2016.

Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ ngày 22/8/2017 là phiên họp đặc biệt. Thủ tướng đã đề nghị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói về những bức xúc của doanh nghiệp và yêu cầu các Bộ trưởng chú ý lắng nghe. Với một tinh thần thẳng thắn, ông Cung, một trong những người xây dựng Luật Doanh nghiệp, khảng khái trả lời là số lượng các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là một trong những vấn đề “bức bối nhất”. Ông Cung đã đề nghị Thủ tướng cho cắt bỏ gần 3.000 điều kiện kinh doanh.

Đó là một động thái quyết liệt, mạnh mẽ chưa từng có bởi ngay sau đó, có chuyên gia uy tín đặt vấn đề, làm sao bộ máy này chấp nhận nổi điều đó. Song, thật đáng ngạc nhiên, Thủ tướng đã đồng ý và yêu cầu cao hơn là cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành ngay trong Nghị quyết 01 đầu năm nay. Kết quả là hàng loạt các bộ đã cam kết hưởng ứng yêu cầu của Thủ tướng. Tác động của nỗ lực này sẽ còn kéo dài trong những năm tiếp theo trong tương quan giữa Nhà nước và thị trường.

Kiên định và gây áp lực liên tục

Có luật là một chuyện, nhưng để luật đi vào cuộc sống thì phải cần hành động. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là người cầm “thượng phương bảo kiếm” của Thủ tướng đi kiểm tra nhiều bộ, ngành và các tập đoàn lớn. Một lần ông Dũng đến Bộ Y tế thay mặt Thủ tướng kiểm tra về các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh nơi mà doanh nghiệp kêu ca nhiều. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, người tham gia Tổ công tác, kể lại, ông Dũng đã rất sát sao. Nghe đại diện của Bộ này trình bày báo cáo dài về thành tích, ông Dũng nói thẳng: Bộ Y tế tốt hết rồi thì không cần báo cáo nữa. Ông Thiên chia sẻ: “Tổ công tác của Thủ tướng đến đâu cũng không nể nang, đặt áp lực lên bộ máy, thúc đẩy tinh thần cải cách”.

Trong khi thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân phát triển, Thủ tướng cũng quyết liệt trong cải cách doanh nghiệp nhà nước. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói về tinh thần của Thủ tướng: “Thủ tướng nói Chính phủ sẽ không đi bán bia, không đi bán sữa. Hay nói cách khác, những việc đó, Chính phủ không cần nắm giữ, doanh nghiệp tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm và dành tiền đó cho đầu tư lĩnh vực then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế”.

Thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng phát đi cuối tháng 8/2016 đã cho kết quả đầy khích lệ sau đó với việc bán vốn ở Vinamilk và Sabeco. Theo Bộ Tài chính, tổng giá trị của 45 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2017 gấp tới 6 lần của năm 2016.

Những nỗ lực nhất quán, kiên trì của Thủ tướng đã giúp cả hệ thống chuyển động, góp phần vào thành tích tăng trưởng của năm 2017, điều mà không ít người còn hoài nghi hồi đầu năm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói đầy cảm xúc: “Chúng ta hồi hộp cho đến tận những ngày cuối cùng của tháng 12, để rồi tất cả chúng ta vỡ òa trong cảm xúc vui mừng, phấn khởi khi kết quả đạt được đã vượt qua mọi kỳ vọng và dự báo, chiến thắng mọi hoài nghi, quan ngại trong suốt quá trình chúng ta kiên định thực hiện các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng đã đề ra”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận xét: “Rõ ràng là kinh tế tốt lên, môi trường kinh doanh cũng đang vươn lên trong ASEAN. Chúng ta đứng Top đầu của thế giới về tăng trưởng. Tôi phải đánh giá cao sự quyết liệt và nhiều việc làm rất cụ thể của Thủ tướng nên đã đạt được thành quả như vậy”.

Ông Trần Đình Thiên đồng tình: “Trong Tổ tư vấn, chúng tôi gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thủ tướng kiên định và gây áp lực liên tục. Phải nói thẳng, những thành tích kinh tế đạt được phần lớn là nhờ áp lực liên tục của người đứng đầu Chính phủ lên bộ máy của mình”.

Không nằm ngoài nhận định đó, ông Nguyễn Đình Cung nói: “Kết quả kinh tế năm 2017 đều nằm ở quyết tâm của Thủ tướng. Lúc đầu, mọi người đều nói không đạt được, nhưng rồi ông vẫn kiên định, không suy chuyển. Ông thường xuyên đi đến tận nơi, tìm kiếm các dư địa tăng trưởng, giao cho các phó thủ tướng chỉ đạo sát sao, tạo áp lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu Thủ tướng chùn bước thì có lẽ đã không có tăng trưởng cao vậy”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư