Nhà thầu bám trụ trên công trình đường băng sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hữu Khoa |
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thuộc Bộ Giao thông vận tải, Dự án Cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất có thời điểm khởi động trùng với giai đoạn dịch bùng phát nặng nề nhất. Công trình phải tạm dừng thi công vào đầu tháng 8/2021 do xuất hiện 24 ca F0 tại một số lán trại của công nhân thuộc Nhà thầu Cienco4. Từ chùm 24 ca F0 này, toàn công trình phát sinh 60 F1. Do đó, hoạt động thi công bị gián đoạn dù Dự án đang trong giai đoạn nước rút. Lúc này, việc thi công đường băng sân bay Tân Sân Nhất đang bám sát tiến độ, các đường lăn W2A, W4A và các đoạn đường lăn nối W5, W7 đã cơ bản thi công xong.
“Thi công trong tâm dịch” và “về đích ngay khi Thành phố kích hoạt mức độ hoạt động phù hợp với thời kỳ mới” là kỳ tích của hàng trăm cán bộ, nhân viên, người lao động trên công trình đường băng sân bay Tân Sơn Nhất. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị tư vấn giám sát cùng nỗ lực bám trụ đến cùng của các nhà thầu đã đưa công trình vượt qua những thời khắc sống còn do dịch bệnh. Chiều ngày 10/9/2021, hai đường lăn S7, S8 thuộc giai đoạn 2 Dự án Cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác sau 5 tháng thi công đã tạo niềm tin lan tỏa đến rất nhiều chủ đầu tư, nhà thầu tại khu vực phía Nam. Đây cũng là công trình liên tục được Bộ Giao thông vận tải đề nghị TP.HCM “cấp luồng xanh” để đảm bảo lưu thông vật tư, thiết bị, nhân sự trong suốt quá trình thi công dù cả khu vực phía Nam ngưng trệ hoạt động giao thương.
Tại TP.HCM, có hàng ngàn công trình xây dựng hoàn toàn án binh bất động kể từ tháng 5/2021 đến cuối tháng 9/2021. Do đó, những ngày cuối tháng 9/2021 đối với các nhà thầu xây dựng TP.HCM có lẽ là dấu mốc không bao giờ quên. “Là ngày mà các công trình được kích hoạt lại hoạt động sản xuất bình thường, là ngày cho thợ máy vận hành lại cần trục đã treo hơn 4 tháng vì dịch. Chúng tôi tự tay lau sạch những đám bụi bám trên thiết bị, muốn tự đổ thêm dầu vào động cơ để bắt đầu những ngày làm việc mới”, đại diện một nhà thầu tại TP. Thủ Đức chia sẻ.
Ngày đầu tiên của tháng 10/2021, công trình cầu Bưng (nối liền quận Bình Tân và Tân Phú) được tiếp tục triển khai thi công. Và 2 tháng sau, ngày 5/12/2021, công trình trọng điểm có tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng này được khánh thành.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết, việc tái khởi động các công trình xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.HCM nói chung và TP. Thủ Đức nói riêng. Tại TP. Thủ Đức, hàng trăm dự án khu đô thị quy mô lớn được kích hoạt trong niềm hân hoan của các kỹ sư, công nhân. “Chúng tôi lựa chọn các công trình như Dự án Xây dựng nhà ở (phường Phú Hữu), Khu đô thị Sài Gòn Bình An (phường An Phú), Khu phức hợp Sóng Việt (phường Thủ Thiêm) và Trường Mầm non Phước Long B (phường Phước Long B) để các nhà thầu chính thức tái khởi động sau nhiều ngày đóng cửa công trình”, ông Tùng cho biết.
“Để chuẩn bị cho việc thi công lại, nhà thầu mất nhiều đêm lo lắng. Đầu tiên là yếu tố con người, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch (nhiễm bệnh, đang tự cách ly, về quê...). Tiếp đến, phải tiến hành vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ thiết bị, khu vực thi công để đảm bảo an toàn theo tiêu chí của Sở Xây dựng”, đại diện Công ty CP Xây dựng An Phong - nhà thầu thi công Dự án Xây dựng nhà ở (phường Phú Hữu) cho biết.
Ngày đầu tiên của tháng 10/2021, thời điểm TP.HCM chính thức công bố nới lỏng giãn cách xã hội, công trình cầu Bưng (nối liền quận Bình Tân và Tân Phú) được tiếp tục triển khai thi công. Và 2 tháng sau, ngày 5/12/2021, công trình trọng điểm có tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng này được khánh thành, góp phần rất lớn xóa điểm đen kẹt xe ở cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn. Đây là công trình giao thông đầu tiên hoàn thành trong giai đoạn khôi phục sản xuất sau giãn cách xã hội.
“Công trình bị gián đoạn thời gian dài do vướng mắc mặt bằng, khi được bàn giao mặt bằng sạch thì dịch ập đến. Dù thực tế chỉ có mấy tháng đầu năm 2021 dồn toàn tâm toàn lực để thi công, Liên danh Tổng công ty Đầu tư xây dựng Quyết Tiến - Tổng công ty Thăng Long vẫn đặt quyết tâm phải đưa công trình về đích trong năm 2021, không thể để những khó khăn vì dịch bệnh kéo dài thời gian bàn giao công trình mà người dân Thành phố mong chờ suốt nhiều năm qua”, đại diện nhà thầu chia sẻ.
Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TP.HCM Lương Minh Phúc cho biết, Thành phố cùng các nhà thầu quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hết sức để đưa 10 công trình về đích trước dịp Tết Nguyên đán 2022. Các dự án đã về đích ngay sau dịch gồm: Dự án Nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen, quận Bình Tân; Dự án Xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội (Gói thầu cầu vượt số 3); Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Gói thầu XL1, Gói thầu XL2); Xây dựng Công viên Thanh Đa đoạn 1.4… “Tất cả các công trình đều được chủ đầu tư và nhà thầu áp dụng mức độ phòng chống dịch cao nhất: tiêm vaccine cho người lao động, tuân thủ 5K, thi công đảm bảo an toàn tuyệt đối”.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngay khi được nới lỏng mức độ giãn cách, hàng loạt công trình được địa phương đẩy nhanh tiến độ và về đích đúng hạn. Có thể kể đến công trình Công viên Bà Rịa (giai đoạn 2). Dự án có tổng mức đầu tư 714,3 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 346 tỷ đồng. “Để hoàn thành công tác bồi thường tái định cư, xây dựng dự án có quy mô hơn 44 ha này, TP. Bà Rịa đã dồn hết công suất đẩy nhanh tiến độ. Công trình được thi công bất kể ngày đêm, nhịp độ khẩn trương hơn bao giờ hết. Chi phí của nhà thầu để duy trì thi công trong dịch phát sinh rất lớn nhưng phải cố gắng hoàn thành đúng cam kết”, đại diện Công ty TNHH Xây dựng Đông Nam, đơn vị thực hiện Gói thầu Xây lắp và thiết bị thuộc Dự án khẳng định.
Trong khi đó, tại Đồng Nai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Văn Hà chia sẻ, trong nhiều tháng các công trình xây dựng áp dụng công thức 3T, số lao động chỉ còn 30%. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ, phải tăng ca, tăng kíp. Nhưng chỉ có chừng đó nhân lực, rất khó để nhà thầu có thể tăng năng suất. Bài toán bổ sung lao động thực sự rất đau đầu.
Nhiều nhà thầu tại Đồng Nai chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu câu chuyện tất bật đi tìm công nhân sau những tháng ngày giãn cách. “Tình trạng thiếu lao động phổ thông nghiêm trọng đến mức giám đốc cũng ra đường đi tìm người lao động. Có bất kể kênh nào huy động bổ sung được nhân lực có tay nghề, chúng tôi đều kết nối. May mắn là với nỗ lực đó, nhà thầu đã bổ sung được nguồn lao động để đảm bảo tiến độ”, một nhà thầu cho biết.