Trần Thị Đào và các đồng phạm tại cơ quan công an. (Ảnh do công an cung cấp) |
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt vụ lừa đảo nông sản (tiêu, điều, cà phê) liên tục diễn ra. Mỗi vụ nạn nhân mất khoảng vài trăm triệu đến gần 1 tỷ đồng. Mặc dù các chủ đại lý kinh doanh đều có kinh nghiệm trong việc buôn bán, thế nhưng với một kịch bản hoàn hảo của nhóm lừa đảo vạch ra, các chủ đại lý đã dính bẫy.
Kịch bản hoàn hảo
Cuối năm 2017, ông Đinh Tiến D. (ngụ Bình Phước) nhận được cuộc điện thoại từ một người tên Thảo đặt mua 22 tấn cà phê. Sau khi thỏa thuận giá, ông D. chở số cà phê đến một kho tại xã Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) để giao hàng. Tại đây, Thảo thanh toán tiền cho ông D. và nợ lại hơn 140 triệu đồng, hứa thanh toán hết khi mua lần hai.
Hơn 10 ngày sau, Thảo tiếp tục gọi điện thoại cho ông D. mua thêm 20 tấn cà phê. Theo hướng dẫn của Thảo, ông D. chở 20 tấn cà phê xuống một kho tại xã Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) giao hàng.
Tại kho, sau khi xuống hàng, Thảo mời ông D. đi ăn cơm trưa trong khi chờ người về nhà lấy tiền mang đến trả. Sau đó Thảo chỉ trả cho ông D. 240 triệu đồng và hứa đến chiều cùng ngày sẽ trả nốt số còn lại. Ông D. quay lại kho thì phát hiện toàn bộ số cà phê trị giá hơn 700 triệu đồng đã bốc hơi. Cả hai đợt giao hàng, ông D. bị lừa gần 600 triệu đồng.
Cũng với chiêu thức cũ, ngày đầu năm 2018, bà Đào Thị H. (ngụ Bình Phước) nhận được điện thoại của một người tên Thảo đặt mua chín tấn hạt tiêu. Sau khi thỏa thuận, bà H. chở tiêu xuống một kho hàng của Thảo tại xã Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) để giao hàng. Tại đây, Thảo thanh toán đầy đủ tiền cho bà H.
Một tháng sau, bà H. tiếp tục nhận được điện thoại của Thảo đặt mua thêm 20 tấn hạt tiêu với giá hơn 71.000 đồng/kg và Thảo tiếp tục yêu cầu bà H. giao hàng tại địa điểm cũ.
Sau khi nhận hàng, Thảo và một số người khác chuyển hàng vào kho, sau đó mượn cớ đi đón xe khác rồi đóng cửa kho, bảo bà H. đứng chờ. Thấy lâu không có ai quay lại, bà H. gọi điện thoại thì Thảo yêu cầu bà H. đến trước Khu du lịch Đại Nam để lấy tiền.
Cảm thấy nghi ngờ, bà H. để một người phụ xe ở lại trông hàng rồi cùng tài xế đi lấy tiền. Đến địa điểm nhưng đợi mãi không có ai đến đưa tiền, cùng lúc này bà H. nhận được điện thoại của phụ xe nói rằng có một nhóm người đang lấy số tiêu của bà H. đi. Tức tốc quay lại thì nhóm người kia đã lấy 11 bao tiêu với trị giá hơn 55 triệu đồng đi mất.
“Đã làm nghề buôn bán lâu rồi, cũng đã gặp nhiều trường hợp lừa đảo, thế nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp nhóm lừa đảo bài bản thế này. May mà tôi còn cảnh giác nên chúng chỉ mới lấy được ít tài sản, không là mất hết rồi” - bà chia sẻ.
Thời gian sau đó, cơ quan công an liên tiếp nhận bốn đơn trình báo của các chủ đại lý nông sản về những vụ việc tương tự.
Rải trinh sát đi xác minh
Xâu chuỗi các đơn trình báo của bị hại, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bình Dương) xác định các vụ lừa đảo có thể do một nhóm người gây ra vì cùng phương thức, thủ đoạn. Công an quyết định lập ban chuyên án để triệt phá.
Theo Trung tá Hồ Thọ Hải, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương (thành viên ban chuyên án), nhóm này sử dụng SIM rác khi liên hệ với các đại lý nông sản ở các tỉnh Tây Nguyên để đặt mua hàng, sau đó yêu cầu chủ hàng chở hàng đến các kho thuê sẵn trên địa bàn tỉnh Bình Dương xuống hàng và thanh toán tiền.
Điểm chung của nhóm lừa đảo là sau khi xuống hàng, nhóm này sẽ dùng các thủ đoạn đưa chủ hàng đi khỏi kho để nhóm khác đến bốc hàng chở đi nơi khác tiêu thụ.
Chủ các kho hàng cho thuê cũng không hề có thông tin về khách.
Nắm quy luật, công an tung hàng chục trinh sát dày dạn kinh nghiệm đi xác minh.
Trong thời gian nắm thông tin, trinh sát nhận được thông tin các tỉnh như Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu cũng xảy ra một số vụ lừa đảo nông sản với thủ đoạn tương tự, tần suất xuất hiện ngày càng nhiều, gây hoang mang dư luận.
Các trinh sát rải quân, nắm đầu mối các kho bãi cho thuê chờ khi bọn chúng ra tay. Sau nhiều tháng đeo bám, trinh sát đưa vào tầm ngắm một số nghi can nhưng chúng không hề có những biểu hiện, hành động nào mờ ám.
Đến tháng 10/2018, nhóm nghi can mà trinh sát theo dõi có biểu hiện chuẩn bị thực hiện việc lừa đảo nên trinh sát bám sát và khi nhóm này ra tay, ban chuyên án cất lưới, bắt giữ Lê Duy Kiều và hai đồng phạm (cùng ngụ Bình Phước). Hai nghi can Trần Thị Đào (ngụ Bình Dương) và Lê Thị Nguyệt Huyền (ngụ Bình Phước) đã nhanh chân bỏ trốn.
Và khi tìm cách vượt biên qua Campuchia, Đào bị biên phòng bắt giữ. Riêng Huyền vẫn đang bỏ trốn và công an đang truy bắt.
Bước đầu nhóm lừa đảo này khai nhận đã lừa trót lọt sáu vụ với tổng số tiền hàng hóa hơn 4,5 tỷ đồng.
Công an đang điều tra làm rõ băng nhóm này có liên quan gì đến các vụ án có thủ đoạn tương tự xảy ra tại Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Bạc Liêu…