Sau Samsung, ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang tìm đường tới Việt Nam để mở cơ sở sản xuất mới. Ảnh: Đức Thanh |
Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng, LG Innotek, một công ty con của Tập đoàn LG, sẽ đầu tư một dự án chuyên sản xuất camera tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Dự án dự kiến có vốn đầu tư 200 triệu USD, khả năng sẽ sớm được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong nay mai.
Thực ra, nếu tính riêng lẻ, đây là dự án FDI không quá lớn và vẫn còn ít vốn đầu tư hơn so với dự án mà Công ty Seoul Semiconductor (Hàn Quốc) mới được tỉnh Hà Nam trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Seoul Semiconductor, theo kế hoạch, sẽ đầu tư tới 300 triệu USD để xây nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm bán dẫn và đèn LED tại Khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng.
Tuy nhiên, đây lại là dự án đầu tư thứ ba của Tập đoàn LG tại Việt Nam, sau Dự án Khu tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử gia dụng 1 tỷ USD và Dự án LG Display, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng trước. Cả 3 dự án này đều được triển khai tại Hải Phòng và việc cùng lúc 3 dự án được LG đầu tư tại đây đã chứng minh một điều, LG đang thực sự dịch chuyển sản xuất tới Việt Nam giống như tuyên bố trước đó của họ.
Như vậy, sau Samsung, đến lượt một đại gia khác của Hàn Quốc đã thiết lập cứ điểm sản xuất toàn cầu tại Việt Nam, với các sản phẩm mũi nhọn của hãng. Không chỉ là các tập đoàn lớn, mà ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc cũng đã và đang tìm đường tới Việt Nam để mở cơ sở sản xuất mới.
Và không chỉ là Hàn Quốc, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang dốc vốn vào Việt Nam. Theo thông tin mới đây trên tờ Nhật báo Nikkei, nhà sản xuất máy điều hòa không khí lớn nhất của Nhật Bản là Daikin Industries đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam. Giá trị của khoản đầu tư này ước khoảng 93,6 triệu USD. Nhà máy dự kiến được khởi công vào năm 2018, dự tính sản xuất một nửa triệu máy điều hòa mỗi năm. Nếu tình hình kinh tế thuận lợi, tới năm 2020, Daikin - một thương hiệu rất quen thuộc ở thị trường Việt Nam - sẽ mở rộng năng lực sản xuất lên gấp đôi.
Những thông tin rất tích cực cho thấy, vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam, bất chấp vốn đầu tư toàn cầu - theo UNCTAD - chưa có nhiều cải thiện. Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 hôm qua (26/7), ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã coi thu hút FDI là một điểm sáng của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2016.
Tình hình còn khả quan hơn, khi số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 7 tháng đầu năm, ước có 12,94 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam, tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới là gần 8,7 tỷ USD, còn vốn tăng thêm là 4,25 tỷ USD. Với vốn FDI giải ngân, con số cũng rất tích cực: 8,55 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ đánh giá cao những đóng góp của khu vực FDI trong 7 tháng đầu năm, với kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đạt tới trên 68,9 tỷ USD, báo cáo của CIEM cũng đã nhấn mạnh rằng, khu vực FDI đã đóng góp một phần đáng kể và ngày càng quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, kích thích khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng ngành, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện trình độ công nghệ và trình độ quản lý trong nước thông qua “tác động tràn”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI còn kéo theo nhiều nhà đầu tư vệ tinh giúp phát triển công nghiệp, tăng cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp cận thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, các chuyên gia của CIEM cũng đã chỉ ra rằng, những năm qua, tác động lan tỏa của khu vực FDI chưa nhiều. Các doanh nghiệp trong nước hầu như chưa tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp FDI. Vì thế, dù đang có nhiều “đại gia” FDI đổ vào Việt Nam, thì để tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn này, cũng như để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phải làm sao để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng ở khu vực.
“Ở đây có sự khúc mắc liên quan đến cung - cầu chưa gặp nhau. Doanh nghiệp trong nước mong muốn có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp FDI để yên tâm đầu tư vào công nghệ sản xuất, trong khi doanh nghiệp FDI đã có mạng lưới cung ứng riêng và thường mong muốn doanh nghiệp trong nước chủ động chào hàng và chứng minh năng lực cung ứng. Trong khi đó, vai trò trung gian của các cơ quan quản lý - nhằm giới thiệu, kết nối nhà cung ứng trong nước với doanh nghiệp FDI - còn mờ nhạt”, ông Cung nói và đề xuất việc củng cố vai trò trung gian của cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Cùng với đó, trước vụ việc Formosa, CIEM cũng khuyến cáo việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động môi trường của khu vực FDI.