Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự thảo luận tổ với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP |
Chuyển từ bị động sang chủ động
Dành gần nửa thời gian trong phần phát biểu kéo dài khoảng 20 phút tại phiên thảo luận, Đại biểu Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định) chia sẻ: “Qua theo dõi các báo cáo của Chính phủ, đặc biệt là việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và quý I/2018, tâm trạng chủ động của tôi là phấn khởi”. Theo Đại biểu Kim Toàn, kết thúc năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, các chỉ tiêu đều tăng trưởng cao hơn con số liệu đã báo cáo ước tính vào cuối năm 2017. Đây là điều hết sức đáng mừng, tạo nền tảng cơ bản để chúng ta phát triển những năm sau, kèm theo đó là kinh tế vĩ mô ổn định. Nhiều năm trước chúng ta nhập siêu lớn, nhưng năm 2017 chúng ta đã xuất siêu. Đặc biệt, trong quý I/2017, tăng trưởng đạt 7,38% - mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây…
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh (đoàn Gia Lai) cũng nhận định nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, kinh tế - xã hội năm 2017 đã có tăng trưởng vượt bậc. Trước đây tăng trưởng cao vì phụ thuộc vào tín dụng dễ gây lạm phát thì nay tăng trưởng đạt 6,81% mà CPI dưới 4%. Bội chi ngân sách giai đoạn 2011-2012 luôn trên 5% nhưng mấy năm nay xuống dưới 5%.
Quang cảnh buổi họp tổ sáng 22/5. Ảnh: Nguyệt Minh
Đồng tình cao với nhận xét của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đất nước ta đang chuyển mình, niềm tin của người dân, của toàn hệ thống chính trị, trong Đảng được nhân lên rất nhiều, đó là nguồn lực mạnh mẽ để chúng ta xây dựng đất nước.
“Có thể nói, hệ thống của chúng ta, trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Sức mạnh dân tộc được thể hiện rõ nét thông qua những sự kiện lớn của đất nước… Chúng ta đã chuyển từ thế bị động sang chủ động tốt hơn rất nhiều”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về nợ công, theo báo cáo đánh giá trình Quốc hội, nợ công đến cuối nhiệm kỳ XIII ở mức 64,8-65%/GDP. Hiện nay, do quy mô nền kinh tế tăng lên nên nợ công còn trên 61%, bảo đảm nền kinh tế an toàn do GDP đạt trên 5 triệu tỷ đồng. Dự kiến quy mô GDP sẽ đạt trên 7 triệu tỷ đồng, với tăng trưởng 6,7% và hơn thế nữa thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Quy mô nền kinh tế của chúng ta từ vị trí 48 của thế giới thì nay đã đứng ở vị trí 40. DN thành lập mới liên tục tăng, nếu như năm 2017 là gần 127.000 DN thành lập mới thì quý I/2018 có hơn 26.000 DN… Về vấn đề ngoại hối, cuối nhiệm kỳ, chúng ta chỉ có khoảng 28 tỷ USD dự trữ, đây cũng là mức cao, nhưng hai năm rưỡi vừa qua, dự trữ ngoại hối đã tăng lên gần 64 tỷ USD, tỉ giá ổn định hơn và lạm phát được giữ vững.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi chỉ số cạnh tranh quốc gia, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc trong thời gian qua. Thủ tướng lấy ví dụ, Việt Nam là nước ở xa nhóm các nước G20, nhưng vừa qua Việt Nam đã được mời dự cuộc họp của nhóm G7, đây là một thắng lợi của Việt Nam.
Nhiều dư địa cho phát triển
Mặc dù đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế- xã hội đất nước đã đạt được thời gian qua, song Bộ trưởng Dũng cho biết, nền kinh tế vẫn còn đối mặt rủi ro trong thời gian tới như: Khả năng lạm phát, giá dầu tăng, điều chỉnh giá bất động sản, thị trường chứng khoán và quan hệ thương mại của các nước. Trong nội tại của nền kinh tế có 2 vấn đề lớn là thực hiện 3 khâu đột phá tương đối chậm; cùng với đó thể chế - hạ tầng - nguồn nhân lực kết quả chưa được như kỳ vọng đề ra, làm không tốt thì cản trở sự tăng trưởng thời gian tới; tái cơ cấu nền kinh tế chuyển biến còn chậm.
Bên cạnh đó, những thách thức về tụt hậu của nền kinh tế, hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0,… có thể rủi ro cho nền kinh tế. Nhận thức vấn đề này, Bộ trưởng Dũng cho biết, Chính phủ tập trung với nhiều giải pháp đưa ra. Riêng năm 2017 có 160 giải pháp, không có kỳ họp Chính phủ không yêu cầu đưa ra giải pháp. Nghị quyết 01 đầu năm có hệ thống giải pháp bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế, hàng tháng hàng quý Chính phủ họp đều có Nghị quyết nhiều giải pháp.
Bộ trưởng cũng bày tỏ trăn trở với việc thúc đẩy liên kết DN trong nước và DN FDI để thúc đẩy DN lớn mạnh. Liên quan đến đầu tư công, ODA, Bộ trưởng Dũng cho biết, khả năng hoàn thành kế hoạch trung hạn là thách thức rất lớn…
Thách thức là vậy, song theo Đại biểu Kim Toàn cho rằng, chúng ta có dư địa để phát triển- xã hội. Chẳng hạn như việc sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả. “Nếu chúng ta đầu tư hiệu quả sẽ giải quyết nhiều vấn đề”, đại biểu nhấn mạnh và kiến nghị rà soát trở lại sử dụng vốn đầu tư công, công trình nào chưa thì kiên quyết giảm vốn, cắt vốn để nhằm sớm đưa công trình vào sử dụng. Cùng với đó tăng cường quản lý giám sát đầu tư công nhằm tăng chỉ số ICOR. Mặt khác, các đơn vị giữ nghiêm kỷ luật tài chính trong sử dụng nguồn lực đầu tư quốc gia. Những lĩnh vực nào người dân, xã hội đảm nhận được thì không nhất thiết Nhà nước đầu tư…
Nhìn nhận đúng và khách quan về tình hình kinh tế - xã hội
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, mấy năm nay, từ năm 2016, công nghiệp khai thác than đá và dầu thô đều tăng trưởng âm. Do đó, “động lực tăng trưởng phụ thuộc dầu thô, than đá thì có đúng không?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và cho biết, mấy năm nay, cả 3 khu vực công nghiệp (đặt biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo), nông nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng mạnh. Khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, đạt 7,44%, mức cao nhất kể từ năm 2008 tới nay, trong đó tiêu dùng trong nước lần đầu tiên tăng trên 2 con số đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.