Đà Nẵng có lợi thế, tiềm năng nhưng chưa có cơ chế đặc thù phù hợp để áp dụng vào thực tiễn phát triển |
Nói về sự phát triển chậm lại của TP. Đà Nẵng, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, nguyên nhân chủ quan vẫn cơ bản do công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quá nhiều thời gian và công sức cho phòng, chống dịch bệnh, bão lũ và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong cùng một thời điểm phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, bản án gây lãng phí các nguồn lực, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Trong khi đó, Đà Nẵng hiện chưa có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phù hợp và chưa tạo ra nguồn lực lớn để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Quảng, Trung ương nên xem xét cho Đà Nẵng áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị với các cơ chế, chính sách mới phù hợp tình hình thực tiễn nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới để Thành phố phát triển bứt phá hơn trong thời gian tới.
Đồng tình với nhận định của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, TS. Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi: "Trước đây Đà Nẵng phát triển rực rỡ, sao những năm gần đây lại tụt? Phải chăng Đà Nẵng là địa phương tận dụng được "con gà đẻ trứng vàng" từ quỹ đất đô thị hóa, nhưng giờ đây đất không thể "đẻ trứng vàng" được nữa?". Theo TS. Trần Du Lịch, bất động sản du lịch tại Đà Nẵng từng phát triển rực rỡ, nhưng cũng có giới hạn, và khi thị trường đi xuống như hiện nay, lĩnh vực này cũng ảm đạm theo.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, điểm nổi bật trong thành công của Đà Nẵng là Nghị quyết 43 với cơ chế, chính sách khác biệt về khai thác, huy động và tích tụ vốn từ đất đai đã được Thành phố áp dụng để phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh, tăng tốc quá trình đô thị hóa và phát triển mạnh mẽ khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch.
"Tuy vậy, mô hình phát triển nói trên của Đà Nẵng do nhiều nguyên nhân khác nhau đã dần giảm, thu hẹp dư địa phát triển. Đã đến lúc Đà Nẵng phải làm mới lại mình, nhưng vẫn theo tinh thần khác biệt vượt trội để đưa Thành phố trở lại đường ray phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa mục tiêu phát triển theo Quy hoạch đã định", TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét.
Trong những giải pháp đưa ra, TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị tạm thời không điều tiết thu ngân sách Đà Nẵng về ngân sách trung ương (cho đến năm 2030) đảm bảo vốn đầu tư nhà nước đạt 25% tổng vốn đầu tư xã hội. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp khuyến khích và ưu đãi khác biệt, vượt trội đủ hấp dẫn các nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước); bố trí đủ vốn để thực hiện dự án Quốc lộ 14B và 14G cho toàn tuyến kết nối Đà Nẵng với Bắc Tây Nguyên; cho phép Thành phố thu hút đầu tư dưới hình thức PPP không hạn chế lĩnh vực, ngành nghề, quy mô…
Hạ tầng Khu công viên phần mềm số 2 được đầu tư bằng ngân sách đang được Đà Nẵng đề xuất gỡ vướng cơ chế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, muốn tạo đột phá mới, Đà Nẵng cần tận dụng tối đa lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, trong đó thực hiện theo thứ tự ưu tiên đối với các dự án có tác động lan toả liên kết vùng trong hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
"Trong Nghị quyết 43 đã nhấn mạnh, liệt kê danh mục các công trình hạ tầng kỹ thuật với tiến độ hoàn thành theo các mốc trước 2025, 2030. Các dự án giao thông liên kết vùng có sức lan tỏa tích cực không chỉ cho Đà Nẵng mà cả vùng miền Trung. Việc sử dụng đầu tư công hiệu quả trong việc hỗ trợ các địa phương khác để đầu tư các dự án liên vùng đi qua nhiều địa phương có thể thực hiện được.
Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 106/2023/QH15 một số cơ chế chính sách thí điểm hỗ trợ các dự án đầu tư đường bộ đi qua nhiều địa phương đã cho phép Trung ương đầu tư một số nguồn ngân sách đối với các dự án đi qua địa phương và ngược lại, ngân sách địa phương cũng được hỗ trợ một số dự án đi qua địa phương; phân cấp cho một địa phương làm chủ đầu tư dự án đi qua hai địa phương”, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Đà Nẵng cần tập trung thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) theo 4 định hướng lớn: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững và có cam kết chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, xúc tiến đầu tư với các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược đang tái cơ cấu kinh doanh để chuẩn bị đầu tư vào Đà Nẵng và xây dựng các giải pháp mang tính cạnh tranh cao, đáp ứng lợi ích hai phía.
Đẩy nhanh hình thành xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo của quốc gia tại Đà Nẵng làm tiền đề thu hút đầu tư các doanh nghiệp, startup, trung tâm nghiên cứu; nghiên cứu đưa thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo vào xúc tiến đầu tư và nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là “lối ra”, là thế mạnh tạo phát triển cho Đà Nẵng thời gian tới.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với TP. Đà Nẵng đề xuất sửa đổi một số chính sách theo Nghị quyết 119 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Trong đó, Đà Nẵng cũng đã đề xuất một số cơ chế như chính sách miễn giảm thuế, đãi ngộ đặc thù thu hút chuyên gia, nhà khoa học, linh hoạt trong sử dụng tài sản công để thu hút đầu tư. Đây là hướng đi đúng của Đà Nẵng", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.