Nhiều dự án lớn phía Nam gồng mình trong bão dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch Covid-19 bùng phát khắp 19 tỉnh, thành phía Nam đẩy hàng loạt dự án lớn đang trong giai đoạn thi công cao điểm vào tình thế khó khăn. Các chủ đầu tư, nhà thầu đang gồng mình vượt khó, duy trì tiến độ thi công, song một số dự án không thể hoàn thành đúng thời hạn.
Từ năm 2020 đến 2021, tiến độ nhiều gói thầu thuộc tuyến metro số 1 và metro số 2 (TP.HCM) bị gián đoạn. Ảnh: Song Lê
Từ năm 2020 đến 2021, tiến độ nhiều gói thầu thuộc tuyến metro số 1 và metro số 2 (TP.HCM) bị gián đoạn. Ảnh: Song Lê

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên quan đến tiến độ thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, kể từ thời điểm 31/5/2021, TP.HCM yêu cầu tạm dừng hoạt động các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thực sự cấp bách và chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa có mã (QR code) nhận diện được vào hoặc lưu thông qua Thành phố đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công công trình. Để giải cứu cho Dự án, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ khẩn trương hỗ trợ; đề nghị TP.HCM bổ sung cấp “luồng xanh”, ưu tiên cấp mã nhận diện cho tuyến vận chuyển vật tư, thiết bị từ Đồng Nai, Bình Dương phục vụ thi công Dự án.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, Dự án thành phần Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An - Bình Sơn thuộc Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn, trở ngại do đang trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích hơn 280 ha. Từ tháng 4/2020, hàng loạt gói thầu xây lắp thuộc Dự án đã được khởi công. Theo kế hoạch, cuối tháng 7/2021, Dự án sẽ hoàn thành xây dựng và bàn giao các công trình. Tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Dự án không thể hoàn thành đúng thời hạn đề ra.

Hiện các nhà thầu đã hoàn thành 5 gói thầu ưu tiên gồm 4 tuyến đường N23, N39, D1, D18 và tuyến thoát nước ra suối Ông Quế cùng các gói thầu thuộc 8 khu (2, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11).

Đại diện của Ban Quản lý dự án Thăng Long tại Gói thầu số 3 và Gói thầu số 4 thuộc Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, tuy phải thi công trong điều kiện khó khăn, nhưng các nhà thầu luôn nỗ lực hoàn thành công trình theo kế hoạch. Đơn cử như Gói thầu số 4 có tổng chiều dài 16 km, được khởi công từ đầu năm 2021, dự kiến thi công trong 24 tháng. Đến đầu tháng 8/2021 đã cơ bản hoàn thành phần cấp phối đá dăm, cống ngang cũng như hoàn thiện phần dưới thân, móng, mố trụ của 10 cầu trên tuyến.

Tuy nhiên, do nguồn cung vật liệu từ các tỉnh lân cận gặp nhiều trở ngại, người lao động bị giãn cách, phong tỏa, thiếu hụt nhân công nên nhiều nhà thầu bị ảnh hưởng, tổ chức thi công gián đoạn hoặc tạm ngừng thi công. Đơn cử, Gói thầu số 44 Xây dựng, cung cấp, lắp đặt thiết bị và xin phép xả nước sau xử lý lại môi trường cho trạm xử lý nước thải khu dân cư tái định cư Lộc An - Bình Sơn giai đoạn 1 công suất 4.000 m3/ngày đang “án binh bất động” do việc huy động vật tư bị ngưng trệ.

Tại TP.HCM, 2 dự án metro số 1 và số 2 cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đây là hai dự án sử dụng nhiều chuyên gia nước ngoài, số lượng vật tư, thiết bị nhập khẩu cũng rất lớn. Từ năm 2020 đến 2021, tiến độ nhiều gói thầu bị gián đoạn. Đối với tuyến metro Bến Thành - Tham Lương (tuyến số 2), do chuyên gia nước ngoài chưa thể nhập cảnh, việc thương thảo Phụ lục hợp đồng Gói thầu tư vấn số 13 bất thành buộc TP.HCM phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu.

Tại khu vực phía Nam, từ cuối năm 2020 đến nay đồng loạt triển khai 2 dự án cao tốc lớn. Đó là tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có 4 gói thầu huy động hơn 1.500 kỹ sư, công nhân cùng hơn 1.000 máy móc, phương tiện với 70 mũi thi công. Theo đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long, một số gói thầu đang thi công xuất hiện ca nhiễm Covid-19 nên người lao động tiếp xúc buộc phải cách ly. Đảm bảo nguồn lao động ổn định tại các công trình của Dự án hiện là ưu tiên hàng đầu đối với chủ đầu tư và nhà thầu.

Một số nhà thầu thi công tại dự án cao tốc trên cho biết, từ khi dịch bùng phát, để đảm bảo “3 tại chỗ”, chi phí phát sinh hàng ngày rất lớn. Các khoản như test nhanh 3 ngày/lần đối với tài xế chở vật liệu và 5 - 7 ngày/lần đối với lao động trên công trường; tổ chức ăn, ở, làm việc tại chỗ khiến công tác hậu cần rất tốn kém. Chưa kể, đa số người lao động trên công trường chưa được tiêm vaccine nên tiềm ẩn nguy cơ rất cao.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề