Nhiều địa phương tăng cường giám sát chất lượng đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để tiến độ giải ngân đầu tư công về đích kế hoạch năm 2023, khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà thầu thi công luôn có vai trò rất quan trọng. Lãnh đạo một số địa phương như Long An, Bình Thuận, Lâm Đồng cho biết, sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động thầu, yêu cầu hồ sơ mời thầu đảm bảo đúng quy định, khách quan, công bằng, thu hút sự tham gia cạnh tranh rộng rãi của các nhà thầu, tránh tình trạng đưa ra các tiêu chí cục bộ để chỉ nhà thầu tại địa phương mới đáp ứng được...
Việc lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực thi công có ý nghĩa rất quan trọng đối với chất lượng, hiệu quả của dự án đầu tư công. Ảnh: Huyền Trang
Việc lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực thi công có ý nghĩa rất quan trọng đối với chất lượng, hiệu quả của dự án đầu tư công. Ảnh: Huyền Trang

Tại Long An, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 28/2 của HĐND Tỉnh giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 với số vốn hơn 8.946 tỷ đồng. Theo đó, các dự án như Hoàn thiện đường Vành đai 3 TP. Tân An, thi công đoạn từ Quốc lộ 62 - đường Nguyễn Văn Quá và đoạn Quốc lộ 1 - Đường tỉnh 827B; Dự án Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây thuộc TP. Tân An; Dự án Mở rộng ĐT.833, Dự án Giải phóng mặt bằng ĐT.830E… đang được thực hiện để chuyển vốn đầu tư công thành các công trình cụ thể. Trong loạt giải pháp đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công, Long An chú trọng việc tăng cường chất lượng hoạt động đấu thầu, lựa chọn đơn vị thi công dự án. Trong diễn biến mới nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đã ký văn bản về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước năm 2023.

Tại văn bản này, Chủ tịch UBND Tỉnh nhắc nhở các chủ thể liên quan chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu… Yêu cầu đảm bảo các nội dung trong HSMT/HSYC được lập theo đúng mẫu quy định tại các thông tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành. Không tự ý chỉnh sửa quy định nêu trong các mẫu HSMT/HSYC hoặc đưa ra các yêu cầu không phù hợp. Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu…

Tại Bình Thuận, bà Bùi Thị Hồng Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng số vốn tỉnh Bình Thuận được giao trong năm kế hoạch 2023 là 4.390 tỷ đồng. Đến nay, lũy kế thanh toán vốn đạt 907,479 tỷ đồng, đạt 20,67% kế hoạch, cơ bản bảo đảm tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, để đảm bảo tỷ lệ giải ngân 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, UBND Tỉnh liên tục đốc thúc tiến độ thực hiện các dự án. Liên quan đến đấu thầu, lãnh đạo Sở Tài chính Bình Thuận cho rằng, cần áp dụng các hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án, đúng quy định pháp luật, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp theo quy định. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu.

Tại tỉnh Lâm Đồng, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã phân bổ 7.537,6 tỷ đồng, đến nay, số vốn giải ngân 1.053 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch. Đây là tỷ lệ thấp so với cùng kỳ vì nhiều năm qua, Lâm Đồng luôn nằm trong TOP các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, để bảo đảm tiến độ, chất lượng của công tác giải ngân đầu tư công, khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà thầu thi công có vai trò rất quan trọng. Ngoài mặt bằng, Lâm Đồng phải ưu tiên, tập trung cho những công trình thiết yếu, đầu tư không chia nhỏ vốn. Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu với các công trình trọng điểm, công tác lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ nghiêm quy định về đấu thầu, cập nhật các hướng dẫn mới, đồng thời luôn kiểm soát chặt năng lực đội ngũ nhà thầu thi công, xử lý dứt điểm với các đơn vị yếu kém.

Chuyên đề