Lê Vũ Trường Sanh (46 tuổi, nguyên Phó phòng quan hệ khách hàng Ngân hàng liên doanh Việt Nga chi nhánh TP HCM - VRB) cùng 3 lãnh đạo và cán bộ ngân hàng này dự kiến bị đưa ra xét xử vào ngày 28/11, về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Riêng ông Lê Nông (50 tuổi, nguyên Giám đốc VRB) bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ án được khởi tố năm 2010. TAND TP HCM khi thụ lý giải quyết đã 3 lần đổi thẩm phán, 6 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, song vẫn chưa thể đưa ra phán quyết. Quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo và luật sư nhiều lần gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan tố tụng, cho rằng bị truy tố oan sai. Ngoài ra, họ cũng chỉ ra nhiều căn cứ cho thấy cơ quan điều tra vi phạm tố tụng khiến vụ án đi vào bế tắc, có khả năng gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Theo nội dung vụ án, vợ chồng Phạm Thị Ái Loan và Hồ Minh Hậu thành lập hai công ty kinh doanh cà phê, nông sản và nhiều lần vay tiền của VRB. Khoảng tháng 7/2009, Phó giám đốc VRB Trần Hoàng ký hợp đồng cho Công ty Minh Chí (một trong hai công ty của vợ chồng Loan) vay 130 tỷ đồng, thế chấp bằng nhiều bất động sản. Tuy nhiên, chỉ một số tài sản (trị giá hơn 32 tỷ đồng) được thế chấp đúng quy định. Riêng 3 bất động sản khác ở quận 2 (có giá trị khoảng 57 tỷ đồng) không được xem là tài sản thế chấp cho khoản vay này do chưa đăng ký giao dịch bảo đảm.
Ngoài ra, từ năm 2008 đến tháng 7/2009, VRB đã ký tổng cộng 33 hợp đồng giải ngân cho Công ty An Phúc (công ty thứ hai của vợ chồng Loan) hơn 477 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là khu nhà kho gồm hơn 28.000 m2 đất và hơn 16.000 m2 xưởng tại Bình Dương và lô hàng hơn 4.000 tấn cà phê.
Đến tháng 2/2010, vợ chồng Loan bỏ trốn, gây thiệt hại cho VRB hơn 120 tỷ đồng (từ hai khoản vay của hai công ty).
Cơ quan điều tra cáo buộc, Phó giám đốc Trần Hoàng cùng cán bộ nghiệp vụ cấp dưới bị cho là vi phạm các quy định về cho vay và tài sản đảm bảo, dẫn đến không có khả năng thu hồi khoản nợ trên. Hai phó phòng Lê Vũ Trường Sanh và Phạm Bá Chánh được giao nhiệm vụ kiểm tra thông tin, đánh giá và ký duyệt tờ trình đề xuất cho khách hàng vay. Trần Đình Diệu (cán bộ phòng quan hệ khách hàng) được giao nhiệm vụ lập hồ sơ khoản vay, tài sản đảm bảo, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hai công ty Minh Chí và An Phúc. Tuy nhiên, các cán bộ này đã không thực hiện theo đúng quy định.
Lê Nông là người ký báo cáo đề xuất lên Tổng Giám đốc ngân hàng cho hai công ty của vợ chồng Loan vay, nhưng khi VRB phê duyệt hạn mức tín dụng ông này không chỉ đạo hoàn thiện việc thế chấp tài sản đảm bảo theo hạn mức. Nông cũng không kiểm tra, xử lý hoạt động của cấp dưới dẫn đến việc giải ngân cho vay không có tài sản hoặc tài sản không đảm bảo theo quy định gây thiệt hại cho ngân hàng.
Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng nhiều lần trả hồ sơ để giám định lại các tài sản thế chấp, xác định thiệt hại vụ án. Năm 2016, Bộ Công an và VKSND Tối cao ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án và 5 bị can với lý do các tài sản bảo đảm là 3 bất động sản tại quận 2 thừa đề thu hồi nợ. Nhưng đầu năm 2018, cơ quan tố tụng phục hồi điều tra vì cho rằng các tài sản trên không có giá trị thế chấp, nên không được kê biên giải quyết trong vụ án. Quyết định này căn cứ vào giám định của Ngân hàng Nhà nước có nội dung "các tài sản VRB nhận thế chấp không đảm bảo theo quy định".
Cơ quan điều tra xác định 5 bị cáo có trách nhiệm đối với thiệt hại 120 tỷ đồng của VRB. Tuy nhiên, phía ngân hàng VRB cho rằng không thiệt hại, do vẫn nắm giữ tài sản thế chấp của hai khoản vay.
Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, 5 bị cáo cho rằng, 3 bất động sản ở quận 2 VRB nhận thế chấp là đúng quy định. Đây cũng là vật chứng trong vụ án nên phải kê biên xử lý đảm bảo quyền lợi của người bị hại (VRB) và trách nhiệm của các bị cáo. Tuy nhiên, những tài sản này đã bị các cơ quan tố tụng xử lý trong vụ kiện dân sự khác, trong khi VRB vẫn giữ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu.
Đối với tài sản thế chấp là khu nhà kho tại Bình Dương, các bị cáo cho là đang có giá trị rất lớn, trên 300 tỷ đồng - dư để trả nợ cho VRB và các chủ nợ khác. Nhưng VKSND Tối cao đã quyết định giao trả giấy chứng nhận quyền tài sản cho một ngân hàng liên quan. "Nếu các tài sản này được cơ quan tố tụng xử lý một cách minh bạch, đúng pháp luật sẽ tạo điều kiện cho Nhà nước thu hồi tài sản", đơn kêu cứu nêu.
Hồi tháng 9, TAND TP HCM mở phiên tòa nhưng sau đó tiếp tục trả hồ sơ yêu vầu điều tra bổ sung do có những tình tiết mới phát sinh và cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng của vụ án.