Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: Đức Trung |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định thông điệp này tại Hội thảo trực tuyến “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm năng, Cơ hội và Cách tiếp cận mới” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức chiều ngày 26/8/2021.
Trung Đông luôn được xem là khu vực có tiềm năng lớn trong hợp tác đầu tư trên thế giới. Các quốc gia vùng Vịnh, từ khá sớm năm 1953, đã triển khai mô hình đầu tư ra nước ngoài thông qua các cơ quan đầu tư công thuộc chính phủ như: Cơ quan đầu tư Abu Dhabi của UAE, Cơ quan đầu tư Kuwait, Quỹ SAMA của Saudi Arabia, Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia, Cơ quan đầu tư Qatar và Quỹ dự trữ Oman. Trong những năm qua, thông qua nỗ lực hợp tác của các cơ quan ngoại giao, các bộ ngành và doanh nghiệp của cả 2 bên, các doanh nghiệp Trung Đông cũng đã biết đến Việt Nam là 1 thị trường kinh tế mới nổi, tiềm năng; có quá trình tăng trưởng nhanh và ổn định; là nền kinh tế có độ mở kinh tế lớn có thị trường gần 100 triệu dân với lực lượng lao động trẻ; tầng lớp trung lưu chiếm 15% dân số và đang tăng nhanh, tạo nên thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ hấp dẫn đứng thứ 6 toàn cầu.
Hội thảo thu hút nhiều nhà đầu tư khu vực Trung Đông tham gia qua các điểm cầu trực tuyến. Ảnh: Đức Trung |
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, đến nay, nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông vào Việt Nam còn hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng, năng lực hợp tác giữa các bên. Tính đến nay, đã có 13/16 quốc gia Trung Đông đầu tư 136 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 917,1 triệu USD. Số liệu này chưa tính tới số vốn 832,4 triệu USD (35,1%) của Kuwait Petroleum, đầu tư thông qua Công ty con tại Hà Nội, tại Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - Liên doanh giữa Việt Nam, Kuwait và Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, vốn góp 2,4 tỷ USD. Về đầu tư của Việt Nam tại Trung Đông cũng mới chỉ có 10 dự án với tổng vốn 90,4 triệu USD tại 6 quốc gia.
Các quốc gia Trung Đông có thế mạnh về năng lượng, tài chính-ngân hàng, cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch, logistics… là những lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu hợp tác đầu tư lớn. Các trung tâm kinh tế của khu vực như Kuwait, Dubai, Abu Dhabi, Qatar… là cửa ngõ để tiếp cận với thị trường Châu Phi, hình thành kết nối với thị trường Trung Đông - Châu Phi với 70 quốc gia, dân số 1,6 tỷ người, GDP gần 5.000 tỷ USD và là nơi tập trung nhiều đối tác, bạn bè có quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp với Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là cửa ngõ tiếp cận ASEAN, Trung Quốc để các doanh nghiệp Trung Đông đầu tư, kinh doanh tại các thị trường này. Việt Nam cũng có thế mạnh với nhiều chuỗi sản xuất cung ứng trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, chế biến nông, lâm, thủy hải sản chất lượng cao, đa dạng về chủng loại..., là những mặt hàng rất cần thiết cho thị trường Trung Đông và Châu Phi.
Để tạo đột phá mới trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Trung Đông, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc gợi mở một số định hướng hợp tác. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực mạnh trở thành đối tác với các doanh nghiệp Trung Đông. Nghiên cứu mô hình hợp tác với các đối tác thứ 3 để cùng hợp tác đầu tư các dự án lớn tại Việt Nam (tương tự mô hình dự án lọc dầu Nghi Sơn). Xây dựng cơ chế hợp tác, kết nối các Quỹ đầu tư, định chế tài chính Việt Nam với các Quỹ đầu tư, doanh nghiệp Trung Đông đầu tư vào các chương trình hạ tầng lớn của Việt Nam như dự án hạ tầng giao thông (sân bay, cảng biển, giao thông đô thị, cao tốc), dự án môi trường, hạ tầng khu công nghiệp... Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Đông mở rộng nhập khẩu các thực phẩm Halal, sản phẩm nông sản, hoa quả, thủy hải sản… từ Việt Nam. Khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các chuỗi cung ứng (bao gồm cả việc thành lập doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm tại các quốc gia Trung Đông để giảm giá thành) để trở thành đầu mối xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông lâm sản sang các quốc gia Vùng Vịnh và Trung Đông rộng lớn.
Tại hội thảo, đại sứ nhiều nước Trung Đông tại Việt Nam đánh giá cao môi trường thu hút đầu tư tại Việt Nam; đồng thời cho biết nhiều nhà đầu tư đang quan tâm, có nhu cầu tìm thị trường đầu tư tại Việt Nam...