Nhẹ thuế khóa để khoan thư sức dân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thu ngân sách nhà nước (NSNN) liên tục vượt dự toán trong những năm gần đây, đặc biệt thu nội địa tiếp tục tăng và chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu NSNN cho thấy nội lực tài khóa của nền kinh tế được củng cố cùng với sự tăng trưởng kinh tế tích cực. Trước bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay, cần xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp và tạm thời chưa tính việc tăng một số loại thuế khác.
Những gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế Việt Nam đạt bước tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022
Những gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế Việt Nam đạt bước tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022

Tình thế khó khăn

Sau đà tăng thu NSNN liên tục ở mức từ 6 - 10% trong nhiều năm, năm 2020 bất ngờ hụt thu 1,9% so với dự toán do tác động của dịch Covid-19. Bức tranh NSNN nhanh chóng quay lại xu thế tích cực vào năm 2021 và 2022 với mức vượt thu lần lượt 17% và 28% nhờ vào chính sách phục hồi kinh tế, trong đó có Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Tuy nhiên, diễn biến khó lường của các bất ổn địa chính trị thế giới, đặc biệt là sự sụt giảm nhu cầu của các thị trường lớn và bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu đã đẩy các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam vào những tình thế khó khăn. Tại Việt Nam, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I/2023 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I năm 2022 tăng 6,8%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,4% (quý I năm 2022 tăng 7,3%). Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, khoảng 40% doanh nghiệp chế biến, chế tạo có khối lượng sản xuất, đơn hàng quý I giảm so với quý trước; 38,5% doanh nghiệp chế biến, chế tạo gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Những khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh phản ánh rõ nét trong tình hình thu NSNN. Lũy kế thu NSNN quý I/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trong khi thu ngân sách trung ương (NSTW) đạt 37,6% dự toán thì thu ngân sách địa phương chỉ đạt 22,1% dự toán năm, có 40 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước những khó khăn, áp lực nêu trên, cần có chính sách kịp thời hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư để cải thiện nguồn cung trong nước, tạo động lực tăng trưởng, tăng thu NSNN, góp phần giảm bớt áp lực lạm phát cho nền kinh tế. Theo đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng; cần phát huy các dư địa tài khóa đã được Quốc hội quyết nghị, xây dựng, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ, nhất là thuế, phí cho doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh.

Cần sự sẻ chia

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp là đáng ngại. Đáng chú ý, sự sụt giảm nhu cầu cả trong và ngoài nước trong khi chi phí đầu vào tăng cao, bào mòn biên lợi nhuận, rủi ro nợ xấu dẫn đến khó khăn dây chuyền.

Do vậy, theo ông Việt, bên cạnh việc gia hạn thuế và tiền thuê đất, cần thực hiện trở lại chính sách giảm thuế GTGT 2%, đồng thời tạm dừng các chủ trương tăng thuế như đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều loại hàng hóa để kích cầu tiêu dùng. “NSNN có thể giảm thu ở một số sắc thuế trong một quãng thời gian ngắn nhưng sẽ trở lại xu hướng tích cực bền vững nếu doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi”, ông Việt nhấn mạnh.

Ngày 17/4, Chính phủ có công văn đồng ý về nguyên tắc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% còn 8%; giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%, áp dụng từ 1/7/2023 đến 31/12/2023. Dự kiến, việc giảm thuế GTGT nêu trên sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng cho 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công của Học viện Tài chính cho rằng, ngay từ năm 2021, những gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế Việt Nam đạt bước tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022.

Theo ông Cường, năm 2023, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cần xem xét các chính sách giãn, giảm thuế, đặc biệt là giảm thuế GTGT như đã áp dụng trong năm 2022. Về trung hạn 2023 - 2025, cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn.

PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc gia hạn thuế và tiền thuê đất năm 2023 vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị định 12/2023/NĐ-CP là cần nhưng chưa đủ. Để đạt được tăng trưởng như kỳ vọng, từ đó tạo nguồn thu NSNN trong năm nay và những năm tiếp theo thì giải pháp hiệu quả là tăng cầu cho nền kinh tế, thêm trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi. Trong đó, cần xem xét giảm thuế GTGT với thời hạn ít nhất 1 năm và tính thêm việc giảm các sắc thuế khác. “6 tháng giảm thuế GTGT 2% theo đề xuất của Bộ Tài chính là ngắn, chưa hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn”, ông Long nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, giảm thuế GTGT, người dân và doanh nghiệp sẽ hưởng lợi ngay, qua đó, kích cầu tiêu dùng, vốn được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, giảm thuế GTGT sẽ giúp hạ giá thành hàng hóa, chắc chắn sẽ tác động kiềm chế đà tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), cách thức hỗ trợ thực tế và dễ triển khai nhất cho doanh nghiệp và người dân là giảm thuế. Việc tiếp tục giảm thuế GTGT 2% là phù hợp song cần xem xét giảm thêm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong nước để tăng nội lực nền kinh tế. Việc giảm thuế suất của hai sắc thuế này sẽ mang lại hiệu quả ngay cho doanh nghiệp và nền kinh tế xét về mặt kích cầu tiêu dùng, tăng thêm nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu NSNN.

Chuyên đề