Bị cáo Ngọc lãnh 16 năm tù. |
Theo HĐXX, công ty Tài chính cao su Việt Nam thuộc tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam. Công ty có chức năng vay và cho vay như một tổ chức tín dụng. Từ năm 2009-2011, ông Phan Minh Anh Ngọc (sinh năm 1951, nguyên Tổng giám đốc công ty tài chính cao su Việt Nam) đã ký duyệt mua 4.000.000 cổ phần tăng vốn điều lệ công ty cổ phần thép Hưng Thịnh, 623.000 cổ phiếu của công ty Chương Dương. Không chỉ vậy, ông Ngọc duyệt ký 3 hợp đồng mua bán chứng khoán có kỳ hạn cho công ty Kiến Quân, Tô Đình Chiến gây thiệt hại 83,7 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Ngọc ký hợp đồng tín dụng và ký duyệt giải ngân cho công ty cổ phần thép Hưng Thịnh mà không xem xét khả năng tài chính, không kiểm tra các hợp đồng tín dụng. Sai phạm này khiến công ty thất thoát 59 tỉ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Ngọc biết rõ quy định công ty tài chính cao su không có chức năng mua bán trái phiếu nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ và ký duyệt mua cổ phần cổ phiếu gây thiệt hại cho công ty.
Bị cáo Ngọc ký "chồng" hợp đồng này lên hợp đồng kia, cho vay vô tội vạ. "Bị cáo chỉ hỏi cấp dưới chứ không trực tiếp kiểm tra những hợp đồng ký với công ty thép Hưng Thịnh. Trong khi, 2 bên chưa đáo hạn hợp đồng cũ thì bị cáo đã tiếp tục ký hợp đồng cho vay mới" – chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.
Bị cáo Đặng Thị Kim Anh, (sinh năm 1956, nguyên kế toán trưởng công ty) cho rằng mình xem xét hồ sơ và được cấp trên đồng ý nên mới ký duyệt các hồ sơ cho vay, vì vậy đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, căn cứ vào hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy cáo trạng quy kết bị cáo là đúng người, đúng tội.
Bị cáo Lê Thanh Trường (sinh năm 1983, nguyên trưởng phòng kinh doanh công ty) là người đề xuất việc mua 4.000.000 cổ phần tăng vốn điều lệ công ty cổ phần thép Hưng Thịnh, gây thiệt hại cho công ty tài chính cao su hơn 40 tỉ đồng.
Khi lượng hình HĐXX cũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo Ngọc và bị cáo Anh tuổi đã cao hiện đang bị truy tố trong một vụ án khác có hành vi tương tự, quá trình công tác các bị cáo có nhiều đóng góp. Các bị cáo Như Phương, Thanh Phương, Mai Phương, Đức Toàn chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, các bị cáo thành khẩn khai báo không được hưởng lợi từ hành vi phạm tội của bị cáo Ngọc và Anh.
Đại diện nguyên đơn dân sự, yêu cầu các bị cáo bồi thường số bị thất thoát và lãi tính đến ngày khởi tố vụ án là 204 tỉ đồng, HĐXX nhận định, hành vi cố ý làm trái của các bị cáo gây thất thoát lớn cho công ty nhưng bản thân các bị cáo không được hưởng lợi nên buộc các bị cáo chỉ bồi thường số tiền thiệt hại là hơn 140 tỉ đồng.
Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Minh Anh Ngọc 16 năm tù , Đặng Thị Kim Anh 12 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Liên quan tới vụ án, tòa tuyên phạt các bị cáo Lê Thanh Trường 8 năm tù , Lê Mai Phương (sinh năm 1986, nhân viên công ty) 4 năm tù, Lê Thanh Phương (sinh năm 1982, nhân viên công ty) và Trần Như Phương (nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh) 2 năm tù treo về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng bị cáo Hoàng Đức Toàn (sinh năm 1983 cán bộ tín dụng) bị tuyên phạt 3 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong một vụ án khác xảy ra tại công ty tài chính cao su Việt Nam, bị cáo Ngọc từng bị TAND TPHCM tuyên phạt 6 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Đặng Thị Kim Anh lãnh 7 năm tù về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng.