Ảnh minh họa |
Về nguyên tắc niêm phong, mở niêm phong vật chứng, Nghị định quy định chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; niêm phong, mở niêm phong vật chứng phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này; bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.
Nghị định quy định mọi vật chứng sau khi thu thập phải được niêm phong, trừ các trường hợp: Vật chứng là động vật, thực vật sống; vật chứng là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án; vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong.
Người tổ chức thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng gồm: 1- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên; 2- Cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; 3- Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đang thụ lý vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử, thi hành án.
Người tham gia niêm phong vật chứng gồm: 1- Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi thực hiện niêm phong vật chứng; 2- Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có); 3- Người bào chữa (nếu có).
Người tham gia mở niêm phong vật chứng gồm: 1- Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có); 2- Người bào chữa (nếu xét thấy cần thiết); 3- Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi mở niêm phong vật chứng (trong trường hợp cần thiết); 4- Đại diện cơ quan quản lý vật chứng được niêm phong trong những trường hợp vật chứng được bảo quản tại các cơ quan chuyên môn.