Nguồn vốn vay nước ngoài không được sử dụng cho hoạt động chi thường xuyên

Nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi UBND cấp tỉnh nhận vay lại chỉ sử dụng chi đầu tư phát triển cho các công trình thiết yếu. Không sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi cho các hoạt động chi thường xuyên.
Nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi UBND cấp tỉnh nhận vay lại chỉ sử dụng chi đầu tư phát triển cho các công trình thiết yếu thuộc nhiệm vụ chi của NSĐP .
Nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi UBND cấp tỉnh nhận vay lại chỉ sử dụng chi đầu tư phát triển cho các công trình thiết yếu thuộc nhiệm vụ chi của NSĐP .

Đó là quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 52/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

7 nguyên tắc sử dụng vốn vay

Dự thảo nêu rõ 7 nguyên tắc sử dụng vốn cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh.

Theo đó, nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của UBND cấp tỉnh nhận vay lại phải nằm trong cân đối tổng thể các nguồn vốn vay của chính quyền địa phương; vốn giải ngân theo phương thức vay lại tính trong hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương (NSĐP) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và phải đảm bảo trong tổng mức vay, bội chi của từng địa phương được Quốc hội quyết định hàng năm.

Chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của UBND cấp tỉnh nhận vay lại phải được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, tổng mức vay của NSĐP bao gồm vay bù đắp bội chi và vay về để trả nợ gốc của NSĐP nằm trong kế hoạch tài chính 5 năm, dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được quản lý theo các quy định hiện hành áp dụng đối với vốn NSNN và vốn đầu tư công.

Dự thảo thông tư nêu rõ, UBND cấp tỉnh lập danh mục chương trình, dự án đưa vào kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương trình Hội đồng nhân dân xem xét cho ý kiến để tổng hợp trình Chính phủ và Quốc hội quyết định. Khi lập danh mục này, UBND cấp tỉnh cần phân định nguồn vốn vay của NSĐP cho từng chương trình, dự án cụ thể thuộc nhiệm vụ chi của NSĐP. Đối với vốn vay lại từ nguồn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ, UBND cấp tỉnh cần xác định theo cơ cấu tỷ lệ cho vay lại và cấp phát do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong từng thời kỳ.

Trên cơ sở kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cấp thẩm quyền phê duyệt, sau khi cân đối, bố trí đủ nguồn cho các chương trình dự án đang triển khai, các chương trình, dự án vay mới UBND cấp tỉnh thực hiện các bước lập đề xuất chương trình, dự án và lập chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của chương trình, dự án nhận vay lại từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP.

Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo phương thức UBND cấp tỉnh vay lại phải tuân thủ quy trình lập, chấp hành, hạch toán NSNN, kiểm toán, quyết toán, kiểm tra đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo các quy định của pháp luật về NSNN, đầu tư công và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

Nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi UBND cấp tỉnh nhận vay lại chỉ sử dụng chi đầu tư phát triển cho các công trình thiết yếu thuộc nhiệm vụ chi của NSĐP và sử dụng làm phần đóng góp của địa phương trong các dự án hợp tác công tư. Không sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi cho các hoạt động chi thường xuyên.

Quy trình quản lý, thu hồi vốn cho vay lại từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, xử lý rủi ro cho vay lại thực hiện theo các quy định của Luật Quản lý nợ công, Nghị định số 78/2010/NĐ-CP, Nghị định số 52/2017/NĐ-CP.

Trả nợ đầy đủ, đúng hạn

Dự thảo thông tư quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định số 52/2017/NĐ-CP và Thỏa thuận cho vay lại đã ký kết.

Theo kỳ hạn trả nợ được quy định tại Thỏa thuận cho vay lại, UBND cấp tỉnh/Sở Tài chính cấp tỉnh tự tính số nợ gốc, lãi, phí phải trả và chuyển cho Bộ Tài chính vào tài khoản của Quỹ Tích lũy trả nợ đúng ngày đã quy định trong Thỏa thuận cho vay lại. Trường hợp kỳ trả nợ vào ngày nghỉ, UBND cấp tỉnh chuyển trả nợ vào ngày làm việc liền kề trước ngày nghỉ.

Trên cơ sở thông báo lãi suất của nhà tài trợ, Bộ Tài chính thông báo lãi suất từng kỳ cho UBND cấp tỉnh/ Sở Tài chính cấp tỉnh trong trường hợp lãi suất cho vay lại là lãi suất thả nổi.

Việc trả nợ tính trên cơ sở là đồng tiền cho vay lại. UBND cấp tỉnh trả nợ bằng ngoại tệ nếu có nguồn thu từ dự án bằng ngoại tệ hoặc giao dịch với các ngân hàng thương mại trong nước để mua ngoại tệ. Trong trường hợp trả nợ bằng đồng Việt Nam (VNĐ) thực hiện theo quy định của Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 52/2017/NĐ-CP.

Trường hợp UBND cấp tỉnh đề nghị trả nợ trước hạn, UBND cấp tỉnh gửi thông báo cho Bộ Tài chính bằng văn bản tối thiểu 45 ngày trước kỳ hạn trả nợ hoặc trước thời hạn quy định của Thỏa thuận vay nước ngoài về trả nợ trước hạn để Bộ Tài chính trao đổi với nhà tài trợ. Việc trả nợ trước hạn chỉ thực hiện khi có ý kiến đồng thuận của Bộ Tài chính và nhà tài trợ. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trả phí trả nợ trước hạn theo quy định của Thỏa thuận vay nước ngoài hoặc Thỏa thuận cho vay lại.

Chuyên đề