Richard Haulet, cựu binh Mỹ sở hữu quán bar ở Olongapo, Philippines. Ảnh: Reuters
Trong một quán bar của một cựu binh Mỹ tại Olongapo, gần vịnh Subic, Philippines, chủ đề bàn luận chính không phải là cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ, mặc dù quán trưng bày cốc cà phê, ảnh và mũ có khẩu hiệu của Donald Trump, theo Reuters.
Buổi nói chuyện xoay quanh căng thẳng giữa Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với Washington và việc ông đang lấy lòng Trung Quốc - động thái khiến các khách hàng của quán, chủ yếu là người Mỹ định cư ở các vùng lân cận căn cứ cũ tại vịnh Subic, lo ngại.
"Nỗi lo sợ lớn nhất là một ngày ông ấy đột nhiên nói 'tất cả mọi người Mỹ phải biến khỏi đây' và chúng tôi phải rời bỏ những người thân yêu", Jack Walker, trung sĩ thủy quân lục chiến nghỉ hưu đã sống 5 năm ở Olongapo, nói.
Philippines và Mỹ có mối quan hệ đồng minh lâu năm nhưng điều đó có thể thay đổi khi chính quyền ba tháng tuổi của ông Duterte đang xem xét lại mối quan hệ.
Ông Duterte đã dùng ngôn từ tục tĩu để lăng mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đại sứ Mỹ tại Manila. Hôm 20/10, ông nói trong chuyến thăm Trung Quốc rằng Philippines sẽ rời xa Mỹ. Sau đó ông giải thích rằng tuyên bố của mình không có nghĩa là Manila sẽ cắt đứt quan hệ với Washington, mà ám chỉ chính sách ngoại giao thân Mỹ của Philippines sẽ chấm dứt.
Các bình luận của ông Duterte khiến cho người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ tại Philippines bồn chồn về tương lai của họ, Ebb Hinchliffe, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ, nói.
"Mỗi lần ông ấy mở miệng và nói điều gì đó tiêu cực về Mỹ, bản thân tôi lại thấy tổn thương và xét về mặt kinh doanh, những phát ngôn đó cũng có ảnh hưởng tiêu cực", ông nói.
Ông cho biết ba phái đoàn thương mại đại diện cho ngành công nghệ, dịch vụ tài chính và các công ty sản xuất Mỹ đã hủy chuyến đi tới Philippines trong những tuần gần đây.
Ít nhất hai công ty Mỹ đã chọn kinh doanh tại Việt Nam thay vì Philippines do "tinh thần bài Mỹ của Tổng thống Philippines". Ông Hinchliffe từ chối nêu tên công ty hoặc cho biết thêm chi tiết.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
Thay đổi
Mỹ từng cai trị Philippines từ năm 1898, khi họ mua lại nước này từ Tây Ban Nha, cho đến khi công nhận nước Philippines độc lập năm 1946.
Khoảng 4 triệu người gốc Philippines sống ở Mỹ và khoảng 220.000 người Mỹ, nhiều người trong số đó là cựu binh, sinh sống tại Philippines. Hơn 650.000 người Mỹ thăm Philippines mỗi năm, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew năm ngoái, Philippines là quốc gia thân Mỹ nhất trên thế giới.
Dù vậy, Philippines có phong trào dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ nghi ngờ về liên minh với Mỹ. Năm 1991, Manila yêu cầu Washington phải rút ra khỏi căn cứ hải quân vịnh Subic và căn cứ không quân Clark gần đó.
Nhưng khi những căng thẳng giữa Philippines với Trung Quốc gia tăng vì vấn đề Biển Đông, Philippines đã ký Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) với Mỹ năm 2014, cho phép Washington gia tăng sự hiện diện quân sự thông qua luân chuyển các tàu và máy bay cho hoạt động nhân đạo và an ninh hàng hải.
Tuy nhiên, ông Duterte cho biết thỏa thuận này sẽ được xem xét lại và ông nhấn mạnh rằng Philippines, vốn là nước châu Á nhận viện trợ quân sự Mỹ nhiều thứ ba, vẫn sẽ xoay xở tốt khi không có sự hỗ trợ từ Mỹ.
Các quan chức chính phủ Philippines tìm cách làm giảm nhẹ các tuyên bố của ông Duterte. "Ý của tổng thống là ông ấy muốn khuyến khích người dân Philippines độc lập hơn", phát ngôn viên chính phủ Philippines Ernesto Abella cho biết.
"Đó không hẳn là tinh thần bài Mỹ, mà chủ yếu là củng cố Philippines".
Tuy nhiên, tâm trạng ảm đạm vẫn bao trùm quán bar ở Olongapo. Edward Pooley, cựu binh Mỹ sống ở Philippines trong gần 30 năm, cho biết ông thấy những lời của ông Duterte thật "đau lòng", nhưng ông vẫn lạc quan về mối quan hệ song phương trong thời gian dài.
"Chúng tôi rất hay làm từ thiện và nhiều người cảm kích chúng tôi vì điều đó. Đừng mất lòng tin vào chúng tôi", ông nói.
Thị trưởng thành phố Olongapo, Rolen Paulino, nói rằng người dân ở đây "thân Mỹ", nhưng ông ủng hộ sự thay đổi của ông Duterte trong chính sách đối ngoại.
"Nếu tổng thống muốn mời gọi Nga và Trung Quốc. Tôi sẽ cho mở lớp để dạy người dân tiếng Nga và Trung, bởi vì chúng tôi phải thích nghi", ông Paulino nói.
Nhưng nhiều người trong cộng đồng doanh nghiệp cho rằng phát biểu của ông Duterte chỉ chủ yếu là hăm dọa và chưa quá lo lắng vì tổng thống vẫn chưa biến nó thành hành động.
Ngành dịch vụ thuê ngoài (BPO) - dự kiến chiếm 9% GDP Philippines trong năm nay nhìn chung vẫn lạc quan.
"Có nhiều câu hỏi dấy lên vì các tuyên bố của ông Duterte", Danilo Reyes, quản lý của Genpact, một trong những công ty BPO Mỹ lớn nhất tại Philippines, nói. "Nhưng những lời nói đó không thực sự chuyển thành hành động, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh".