Dự án vẫn đang được xây dở phần thô, sau đó gần như đắp chiếu. Ảnh: PV |
Hơn 700 khách hàng mua nhà ở xã hội tại Dự án Tổ hợp Nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City) ở xã Kim Chung (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vừa có đơn kêu cứu gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng. Các khách hàng phản ánh tình trạng dự án chậm bàn giao nhà khiến họ vừa phải nộp tiền hàng tháng, trả lãi vay ngân hàng và thêm khoản trả tiền thuê nhà ở.
Dự án được phê duyệt triển khai nhà ở xã hội từ đầu năm 2014, nằm trong diện được vay gói 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp. Với quy mô 4 tòa nhà 35 tầng, 1.496 căn hộ, sau khi đi vào hoạt động cung cấp chỗ ở cho khoảng 4.500 cư dân.
Cuối năm 2014, chủ đầu tư và nhà băng ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho dự án theo gói 30.000 tỷ đồng và cho 100% khách hàng vay mua nhà. Không lâu sau đó, dự án được khởi công với cam kết bàn giao vào cuối năm 2017. Hợp đồng mua nhà cũng được ký kết với phương thức thanh toán chia thành 8 đợt.
Cuối năm 2016, chủ đầu tư ra thông báo dừng thi công với lý do thiếu vốn. Đây cũng là thời điểm nhà băng ngừng cho vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Do đó, từ tháng 1/2017, để có nguồn lực triển khai tiếp dự án, chủ đầu tư cũng như người mua nhà phải nhận giải ngân từ ngân hàng với lãi suất thương mại.
Đã quá hạn bàn giao căn hộ nhưng hiện tòa A1.2 và tòa A2 mới chỉ xây bao tường ngoài từ tầng 20 đến tầng 35, chưa xây phần vách ngăn chia căn hộ. Việc thi công hiện đã dừng hẳn. Riêng tòa A1.1 có lác đác một số công nhân thi công phần điện nước.
"Nếu tiến độ thi công tại dự án không được cải thiện thì dự án có thể kéo dài thêm 3-5 năm hoặc lâu hơn. Trong khi đó, số tiền mà người mua nhà vay và phải trả lãi cho ngân hàng để thanh toán cho chủ đầu tư đã lên đến 70% giá trị căn hộ", chị Hằng, khách mua nhà tại dự án nói. Chị cũng đã nộp cho chủ đầu tư hơn 700 triệu trong tổng số 1,05 tỷ đồng giá trị căn hộ.
Đa số người mua nhà tại đây có thu nhập thấp, phải vay của ngân hàng từ 400-700 triệu đồng. Trong khi dự án chậm tiến độ, khách hàng vừa phải đi thuê nhà nhưng cũng vừa phải trả tiền lãi ngân hàng, mỗi tháng trung bình từ 5-7 triệu đồng.
"Cả tiền trả ngân hàng, sinh hoạt của gia đình tôi không tháng nào dưới 15 triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhà và lãi", anh Tuấn, người mua căn hộ tại đây cho hay.
Trước những phản ánh này, một đại diện chủ đầu tư thừa nhận dự án bắt đầu vào giai đoạn hoàn thiện thì hết vốn. Ông cho biết đã rót gần 1.000 tỷ đồng vào dự án Bright City. Trong đó có cả phần vốn tự có, tiền khách hàng mua nhà đóng và nhà băng giải ngân theo gói vay 30.000 tỷ đồng.
Theo ông, cơ chế cho vay ưu đãi để triển khai nhà ở xã hội nên linh hoạt để đảm bảo dòng tiền cho đến khi dự án hoàn tất, không nên đến nửa chừng lại dừng. Nếu không còn ngân sách để cho vay ưu đãi, cần có chính sách linh hoạt để chuyển đổi thành nhà ở thương mại cho chủ đầu tư đi vay ngân hàng theo lãi suất thương mại còn tiếp tục triển khai dự án.
"Gói 30.000 tỷ đồng đã dừng mà chúng tôi vẫn bị ràng buộc bởi cơ chế nhà ở xã hội. Trong khi đó, vay ưu đãi dạng nhà ở xã hội cũng không được nên chẳng thể thu xếp vốn. Nhiều lần chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan nhưng không được hồi âm nên giờ vô cùng bế tắc", ông này nói.
Theo tính toán, doanh nghiệp này định vay hơn 300 tỷ đồng từ ngân hàng với lãi suất thương mại khoảng 12% mỗi năm, đồng thời, cố gắng thu xếp thêm khoảng 120 tỷ đồng để hoàn thiện các tòa nhà, bàn giao cho khách.
"Nếu mọi chuyện thuận lợi thì đến đầu quý II dự án mới có thể thi công tiếp và sớm nhất cuối năm nay bàn giao tòa nhà đầu tiên", ông nói. Riêng phần lãi mà người mua nhà phải trả cho ngân hàng khi chậm giao nhà, chủ đầu tư sẽ đền bù bằng cách trừ vào đợt đóng tiền cuối.