Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được xem là công trình đội vốn, chậm tiến độ tiêu biểu của Hà Nội. |
Trong văn bản kiến nghị gửi lên Chính phủ, cử tri bày tỏ: Hiện nay dư luận cả nước đặc biệt quan tâm những vụ việc sai phạm làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng như vụ Đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, cử tri đề nghị Chính phủ cần quyết liệt làm rõ, xử lý những sai phạm; đồng thời công bố rộng rãi lên thông tin đại chúng cho nhân dân được biết.
Trả lời về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu kiến nghị của cử tri trong quá trình xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2020, hoặc sẽ tiến hành thanh tra khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Cũng liên quan tới dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, có ý kiến cử tri đề nghị làm rõ nguyên, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm đối với các dự án kéo dài thời gian, đội vốn và sớm đưa tuyến đường sắt này vào sử dụng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan này cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008. Trong đó Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, Tổng thầu EPC do Bên tài trợ vốn chỉ định là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
"Quá trình triển khai thực hiện Dự án chậm, tăng tổng mức đầu tư do nhiều nguyên nhân bao gồm cả chủ quan và khách quan", Bộ Giao thông Vận tải đánh giá.
Về nguyên nhân chủ quan, theo cơ quan quản lý, thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật. Dự án cũng phải chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài.
Trong khi đó, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) là Cơ quan quản lý, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện dự án. Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể theo hình thức hợp đồng EPC, đồng thời chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, thiếu kinh nghiệm trong việc thiết kế.
Ngoài ra, cách thức triển khai thực hiện dự án ở mỗi nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập Hồ sơ thiết kế, Hồ sơ nghiệm thu thanh toán; trong khi đây là lần đầu tiên Tổng thầu Trung Quốc thực hiện dự án tại Việt Nam dẫn đến công tác quản lý điều hành của Tổng thầu còn nhiều lúng túng và bất cập.
Công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thống nhất được ý kiến pháp lý; các quy định và chế tài xử lý đối với hợp đồng EPC còn chưa đầy đủ.
Về nguyên nhân khách quan, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại trung tâm thành phố Hà Nội rất chậm và phức tạp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật.
Bộ cũng cho rằng do yếu tố khác biệt về quy định giữa hai quốc gia về các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện; hệ thống quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về thực hiện hợp EPC chưa đầy đủ, đồng bộ.
Thêm vào đó, sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5/2014 ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện dự án (mất hơn 1 năm hạn chế các hoạn động xây dựng của Tổng thầu). Lạm phát trong giai đoạn thực hiện năm 2008-2011 là 49,83% ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng.
Về trách nhiệm của các bên liên quan, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì Chủ đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), Ban Quản lý dự án Đường sắt; Tư vấn thiết kế bước lập dự án; Chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND thành phố Hà Nội) chịu trách nhiệm trong phần việc của mình.