Đây là một nội dung báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Trưởng Ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội.
Được biết, Dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012 đã trải qua 3 lần chỉnh sửa và góp ý. Dự kiến trong Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi.
Trước đó, Dự thảo lần 1 đã đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch dự thảo Bộ luật Lao động để lấy ý kiến.
Phương án 1 (giữ nguyên hiện hành): Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp".
Phương án 2: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù".
Việc điều chỉnh quan điểm trong lần tiếp thu ý kiến mới nhất đã thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhiều ban, ngành và dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu và đánh giá nội dung của dự thảo sửa đổi Luật Lao động theo hướng: Giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ. Chỉ quy định thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định thời gian làm việc của các cơ quan nhà nước.
Cũng liên quan tới lịch nghỉ Tết, hôm 9/9, Tổng LĐLĐ VN đã kiến nghị bổ sung thêm 1 ngày nghỉ có hưởng lương cho người lao động trong năm vào dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012.
Cụ thể, ngày nghỉ lễ được đề nghị bổ sung là ngày 31/12 hàng năm. Lý giải điều này, Tổng LĐLĐ VN cho rằng việc tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ giúp cho người lao động có thêm một ngày nghỉ trong năm để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.
Phân tích của Tổng LĐLĐ VN cho thấy, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam hiện là 10 ngày, đứng ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.
Trong khi đó, số ngày nghỉ lễ, tết của Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonexia là 16 ngày; Malaysia là 12 ngày; Myanma là 14 ngày; Philippines là 12 ngày; Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày.
Theo nhiều chuyên gia, việc bổ sung 1 ngày nghỉ có hưởng lương cho người lao động trong năm là có căn cứ thực tế, tuy nhiên cần thêm những nghiên cứu và đánh giá tác động cụ thể trong nhiều ngành, nghề. Qua đó nhằm đảm bảo tính thuyết phục của đề xuất.