Nghệ An tập trung xử lý các vướng mắc tại các dự án khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Nghệ An đang tập trung các giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thực chất, hiệu quả; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Tỉnh Nghệ An tập trung xử lý các vướng mắc tại các dự án khu công nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN
Tỉnh Nghệ An tập trung xử lý các vướng mắc tại các dự án khu công nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trước bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những khó khăn khác, UBND tỉnh Nghệ An đang tập trung các giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thực chất, hiệu quả; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Trong số đó, có việc rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư để có giải pháp xử lý dứt điểm, nhất là các khó khăn liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp WHA, Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, Nhà máy sản xuất hàng may mặc Mareep tại Khu công nghiệp Thọ Lộc, dự án đường D4 vào cảng xăng dầu DKC.

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng sẽ rà soát, chuẩn bị các phương án tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư trong giai đoạn tới để kịp thời đón xu thế dịch chuyển làn sóng đầu tư đến địa phương.

Đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 86 dự án đầu tư, điều chỉnh 105 lượt dự án; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trên 22.701 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án tăng 38,7%, tổng mức đầu tư tăng 4,25 lần.

Ông Nguyễn Xuân Đức, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, trong số đó có một số dự án có quy mô lớn như: nhà máy cấu kiện điện tử Everwin tại Khu công nghiệp VSIP (200 triệu USD); Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 (750 tỷ đồng); khởi công nhà máy Goertek Vina (100 triệu USD); điều chỉnh mở rộng giai đoạn 2 Khu công nghiệp WHA thêm 354,5 ha…

Cùng với đó, từ đầu năm 2021 đến nay, tại Nghệ An cũng đã có thêm 1.853 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,57% so với cùng kỳ năm 2020, tổng vốn đăng ký 15.234,5 tỷ đồng; có 675 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 163 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay tỉnh Nghệ An thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong quý III/2021, nhiều thời điểm phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và Chỉ thị 15/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh; trong đó có nhiều địa bàn trong tỉnh phải áp dụng cách ly xã hội trên mức Chỉ thị 16/CT-TTg với yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt hơn để phòng, chống dịch.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải hoạt động cầm chừng, tạm ngừng hoạt động và giải thể; việc xúc tiến thu hút đầu tư gặp khó khăn do một số nhà đầu tư không thể đến địa phương để khảo sát, làm việc, thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư, triển khai khởi công.

Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung các giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Riêng về cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách như: trình HĐND tỉnh thông qua, ban hành Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 13/5/2021 về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 14/01/2021 điều chỉnh bảng giá đất tại các khu công nghiệp; Quyết định số 19/2021/QĐ-UBND ngày 29/7/2021 quy định về tiêu chí, quy mô, điều kiện, tỷ lệ diện tích tách dự án độc lập…/.

Chuyên đề