15.05': Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện
Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có 54 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.
Mở đầu chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Cao Thị Xuân (Thanh Hóa); Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng); Huỳnh Cao Nhất (Bình Định); Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long); Âu Thị Mai (Tuyên Quang);... chất vấn về nội dung: Giải pháp ngăn chặn hướng dẫn viên du lịch chui; tôn tạo bảo tồn di tích lịch sử; giải pháp để đổi mới tư duy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch duyên hải Nam Trung Bộ; giải pháp căn cơ để chấn chỉnh các hành vi phản cảm trong các lễ hội; vấn đề quy hoạch khu du lịch Sơn Trà (căn cứ để xác định 1600 phòng); liên kết phát triển du lịch vùng; giải pháp khắc phục bất cập trong quản lý (cấp phép) hoạt động nghệ thuật biểu diễn; trách nhiệm của Bộ và giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử; giải pháp bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thư viện...
Về quản lý hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng cho biết, sự việc hướng dẫn viên không được cấp thẻ nhưng vẫn hành nghề du lịch xuất hiện ở một số địa phương khi khách du lịch tăng đột biết hoặc xuất hiện những du khách đến từ những thị trường mà ngôn ngữ không phổ biến. Để xử lý tình trạng hướng dẫn viên chui, Bộ quản lý chặt chẽ và công khai việc cấp thẻ; phạt nặng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không được cấp thể; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên; sửa đổi luật du lịch,...
Về bảo tồn di tích, Bộ trưởng cho biết, trên cả nước có 3300 di tích quốc gia, gần 1 vạn di tích cấp tỉnh; đa số di tích làm bằng gỗ nên bị xuống cấp, cần được đầu tư nguồn lực để tôn tạo, trùng tu. Tuy nhiên, hiện nay do không còn nguồn đầu tư từ trung ương nên cần xã hội hóa công tác này trên cơ sở gắn bảo tồn với phát huy giá trị di tích lịch sử...
Về bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương...), nhấn mạnh đây là trách nhiệm rất lớn do nguồn thu từ các loại hình nghệ thuật truyền thống rất khó khăn... Bộ cũng đã tiến hành các hoạt động giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống đến với nhân dân và du khách các nước (ví dụ, tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở Nhà hát lớn,..)...
Về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nghệ thuật biểu diễn, thừa nhận những yếu kém trong việc cấp phép ca khúc thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định sẽ làm rõ trách nhiệm các cá nhân, xác định các nguyên nhân hạn chế, yếu kém để có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ.
Về quản lý lễ hội, Bộ trưởng cho biết nước ta có khoảng 8000 lễ hội, nhìn chung các lễ hội đều được tổ chức văn minh, một số lễ hội có hành vi phản cảm, để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ đang xây dựng một dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành để quản lý, bên cạnh đó các địa phương, các ban tổ chức lễ hội, người dân tham gia lễ hội phải nâng cao trách nhiệm của mình.
Về việc lập quy hoạch khu du lịch Sơn Trà, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Quy hoạch du lịch Sơn Trà được lập đúng trình tự và quy định pháp luật”. Khu vực này có hơn 4.000 ha, quy hoạch du lịch điều chỉnh 1.056 ha, vì quy hoạch quốc gia thì không thể ít hơn 1.000 ha. Trước khi Chính phủ ban hành quy hoạch, TP Đà Nẵng đã cấp phép cho 11 dự án du lịch ở Sơn Trà với hơn 5.000 phòng. Đến khi quy hoạch, số phòng rút xuống còn 1.600. Sau đó, có đề xuất tiếp tục đưa quy mô phòng lưu trú xuống thấp hơn nữa.
“Với Sơn Trà, báo cáo Quốc hội, tôi rất trăn trở. Trước đây tôi công tác ở Huế, có một dự án tương tự là đồi Vọng Cảnh nên rất thấm thía”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói và khẳng định tinh thần cầu thị lắng nghe ý kiến về quy hoạch du lịch Sơn Trà. “Quan điểm của chúng tôi về phát triển du lịch Sơn Trà là bền vững, bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học nổi bật, gắn phát triển với bảo tồn nhưng ưu tiên bảo tồn”, Bộ trưởng nói và nêu rõ, từ 1.600 phòng trong quy hoạch có thể giảm tiếp. “Giảm tối đa, nhưng giảm bao nhiêu thì phải có căn cứ cụ thể”.
Về xây dựng đạo đức lối sống của con người Việt Nam, cho rằng đây là vấn đề rất lớn của đất nước, với trách nhiệm của mình, Bộ đã xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện...
Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời các đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên); Quách Thế Tản (Hòa Bình); Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng); Nguyễn Phi Long (Bình Dương); Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận);... về vấn về: Thu tác quyền tác phẩm âm nhạc (thu tác quyền ở quán cà phê, nhà hàng, khách sạn; thẩm quyền thu tác quyền của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam...); trách nhiệm của bộ trong việc dạy bơi trong trường học; xây dựng nếp sống văn hóa; giải pháp đẩy mạnh học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng; giải pháp khắc phục mặt trái của lễ hội (tổ chức lễ hội quá nhiều, nhiều lễ hội có dấu hiệu trục lợi, bỏ bê công việc đi lễ); giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để ngành du lịch thực sự để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; giải pháp căn cơ ngăn chặn xuống cấp đạo đức; kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở;...
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) tranh luận với Bộ trưởng về việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian. Đại biểu cho rằng, du khách quốc tế, trong nước phải được tiếp cận với di sản gốc của văn hóa dân tộc, không bị tam sao thất bản... Bộ cần có giải pháp căn cơ về vấn đề này. Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề cấp phép bài hát. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tranh luận về bảo tồn bán đảo Sơn Trà.
Trong phiên chất vấn chiều 13/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn về vấn đề quy hoạch du lịch ở bán đảo Sơn Trà.
Nội dung chất vấn gồm: Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giáo dục và Đào tạo. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).
Quản lý các hoạt động nghệ thuật còn lúng túng
Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL về các vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm, chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, hiện nay, công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được thực hiện theo các quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh/thành tổ chức thẩm định và cấp phép các hoạt động văn hoá, nghệ thuật theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự đan xen, hài hoà giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tăng cường theo dõi, phát hiện, phối hợp kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, công tác quản lý và cấp phép trong lĩnh vực này vẫn còn những bất cập, lúng túng.
Cụ thể là, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.
Bên cạnh đó, cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào (thực hiện cấp phép) mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước và tính chất hoạt động nghệ thuật thay đổi từng ngày, từng giờ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ quan quản lý, cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân không kịp thời nắm bắt để triển khai thực hiện.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã và đang có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trên.
Nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý và cấp phép đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm thuộc chương trình xây dựng pháp luật năm 2017 và các văn bản, đề án trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ và các đơn vị theo quy định.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời xây dựng, ban hành Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh. Thường xuyên rà soát hệ thống pháp luật của Ngành để sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác và hội nhập của đất nước...
Tiếp tục pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của Ngành để đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc.
Kiện toàn bộ máy tổ chức pháp chế các cấp để đảm bảo hoạt động hiệu quả và nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Tăng cường công tác giám sát thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Thực hiện công khai hóa, kết hợp với cải cách hành chính, xây dựng cơ chế phối hợp, tự chịu trách nhiệm cá nhân trong các khâu quản lý, cấp phép... nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Vẫn trông chờ... Nhà nước
Về khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao, Báo cáo nêu rõ, công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, nặng về trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, thiếu chủ động, sáng tạo. Hiệu quả hoạt động chưa đồng đều. Một số công trình thể dục thể thao của một số địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng việc khai thác hiệu quả thấp, ít người đến tập luyện, ít tổ chức giải, nguồn thu hàng năm đạt thấp. Nhu cầu và thị hiếu của người dân đã và đang thay đổi, trong khi Trung tâm Văn hóa, Thể thao các cấp chưa bắt nhịp kịp để đổi mới phương thức hoạt động, chưa phát huy được sáng kiến, sự tham gia tích cực của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu đô thị chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao một số nơi chưa được quan tâm, quy hoạch; có địa phương còn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại, nhà ở để bán hoặc chuyển nhượng. Trong khi đó, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không có thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hoá tinh thần, luyện tập thể dục, thể thao của người lao động. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp xã phần lớn bị xuống cấp và thiếu đồng bộ về trang thiết bị hoạt động. Việc xây dựng về quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tuỳ tiện. Nhiều nơi xây dựng được trụ sở nhưng trang thiết bị thiếu thốn, không đủ điều kiện hoạt động, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ nghiệp vụ công tác tại các thiết chế văn hóa, thể thao còn quá mỏng, ít được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng công trình văn hóa, thể thao, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách. Cụ thể là, xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở”. Nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách, đảm bảo điều kiện tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm khai thác và sử dụng tối đa công suất các công trình phục vụ nhân dân đến sinh hoạt, luyện tập. Có chính sách ưu tiên về thuế đối với đơn vị dịch vụ sự nghiệp công. Rà soát, đánh giá mô hình hệ thống công trình, thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm không tổ chức thiết chế văn hóa cấp xã, tăng cường nguồn lực đầu tư đối với thiết chế văn hóa cấp thôn (thông qua thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, trong đó kiến nghị giao vai trò phân bổ kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước do Trung ương thực hiện để đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng mục tiêu được xác định cụ thể). Giao quyền tự chủ trong tổ chức hoạt động cho đơn vị quản lý cơ sở vật chất thể dục thể thao theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ, nhất là việc liên kết nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị (trừ cơ sở phục vụ đào tạo vận động viên); tổ chức các hoạt động, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng công trình.
Lễ hội còn nặng về kinh tế, mờ nhạt về văn hóa, tinh thần
Về quản lý lễ hội, Báo cáo nêu rõ, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch có chiều hướng phát triển nhanh về số lượng và quy mô tổ chức dẫn đến sự lúng túng trong công tác chỉ đạo quản lý hướng dẫn của địa phương. Việc tổ chức lễ hội nghiêng về lợi ích kinh tế, do đó ý nghĩa văn hóa tinh thần mờ nhạt. Một số nơi tổ chức những ngày kỷ niệm của địa phương, ngày truyền thống của ngành... còn có biểu hiện phô trương, lãng phí nặng về hình thức, chưa khai thác hết tiềm năng sáng tạo văn hóa của nhân dân và vốn truyền thống văn hóa dân gian vốn có ở địa phương.
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lễ hội. Tham mưu xây dựng văn bản pháp luật có tính pháp lý cao hơn, điều chỉnh riêng về hoạt động lễ hội, từ đó tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý thống nhất, toàn diện điều chỉnh hoạt động lễ hội, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước. Trong năm 2017 tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội, theo hướng: Phân định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc quản lý nhà nước về lễ hội; đưa ra những quy định đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; phân cấp quản lý đối với các loại hình lễ hội. Phối hợp với các ban, bộ, ngành trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội các cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong tổ chức lễ hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc và giá trị của lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội; giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tăng cường phối hợp giữa nhà nghiên cứu với nhà quản lý trong công tác lễ hội. Đặc biệt, lắng nghe tiếng nói cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân sở tại để lễ hội ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, người dân.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Về giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử, Báo cáo khẳng định, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành liên quan, mỗi gia đình, các nhà trường và toàn xã hội.
Theo đó, có 6 nhóm giải pháp chung cần tập trung thực hiện tốt. Một là, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các văn bản quản lý của ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đạo đức, lối sống con người Việt Nam, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động; đưa việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống văn hóa thành công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng, phong trào văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân, lành mạnh hóa lối sống. Khi môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú thì con người ít có nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội hay tha hóa, xuống cấp về đạo đức, lối sống.
Ba là, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sỹ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử: Đề cao vai trò giáo dục đạo đức của văn học nghệ thuật, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Làm sao để ngày càng có nhiều bộ phim, tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, góp phần bồi bổ tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức, đấu tranh với những biểu hiện xuống cấp đạo đức. Phát huy tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, ý thức công dân của đội ngũ văn nghệ sỹ.
Bốn là, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Cải tiến nội dung, phương thức, chất lượng, đưa phong trào đi vào thực chất. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” nhằm tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để khuyến khích, xây dựng lối sống, nếp sống, giải quyết các vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Năm là, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm: Kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa. Siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.
Sáu là, tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống: Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa di sản văn hóa vào trường học, triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức khác triển khai các Chương trình phối hợp trong xây dựng đạo đức, lối sống.
Biểu dương cái tốt, bài trừ cái xấu
Xây dựng nếp sống văn hóa là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Một bộ phận cán bộ, Đảng viên đã có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, lợi dụng vị trí lãnh đạo và quyền lực để mưu lợi cá nhân, lo thu vén cho cá nhân, gia đình, họ tộc, coi nhẹ lợi ích tập thể, cộng đồng; chạy theo lợi ích vật chất trước mắt, coi nhẹ những giá trị tinh thần cao đẹp, dẫn đến vi phạm tư cách đảng viên, trách nhiệm công dân, làm giảm niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực, thương mại hóa trong hoạt động văn hóa. Bệnh hình thức, sùng ngoại, coi thường giá trị văn hóa, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ của một bộ phận giới trẻ đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đạo đức truyền thống giàu giá trị nhân văn, yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc con người trong hoạn nạn, khó khăn đang bị chi phối bởi những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Tính cộng đồng dân cư “tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần’’ bị rạn nứt. Tệ nạn, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại đang làm băng hoại, suy đồi đạo đức, lối sống, nhất là trong giới trẻ, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Các yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội và các giá trị văn minh mới chưa được quan tâm đúng mức. Hệ giá trị chuẩn mực về đạo đức, lối sống của thời kỳ mới chưa được hình thành.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng nếp sống văn hóa; đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, Báo cáo nêu rõ, cần thực hiện một số giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa; mở các diễn đàn, chuyên trang, chuyên mục, phát hành tài liệu về các giá trị văn hóa truyền thống, quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức trong từng lĩnh vực, ngành, nghề, các khuôn mẫu đạo đức, nhân cách con người; biểu dương cái tốt, bài trừ cái xấu, tạo dư luận lành mạnh, lên án cái ác, ca ngợi cái đẹp, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục, cổ vũ, khuyến khích tính hướng thiện của con người; thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Bên cạnh đó, cần đầu tư nghiên cứu khoa học nhằm xác định cơ sở lý luận và chuẩn mực nếp sống văn hóa, tiêu chí ứng xử trong nếp sống cá nhân, gia đình và xã hội trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống và tiếp thu các giá trị mới của thời đại. Xây dựng các khuôn mẫu hành vi cụ thể cho phù hợp với các giai tầng xã hội để dẫn dắt con người hành động với các giá trị đạo đức, lối sống cho phù hợp với đời sống thực tiễn. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình và nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu phải là môi trường rèn luyện phong cách làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam.