Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại Quốc hội. |
Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017 cho thấy, Chính phủ ước thực hiện thu NSNN năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán. Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) cho rằng, thu NSNN năm 2017 đã thể hiện nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ, kết quả hành động với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp, ngành tài chính và cả hệ thống chính trị trong cả nước.
Tuy nhiên, Ủy ban TCNS nhận thấy, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương (NSĐP), trong khi thu ngân sách trung ương (NSTW) ước khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, NSTW có khả năng hụt thu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của NSTW, vai trò chủ đạo của NSTW khó được đảm bảo.
Liên quan cụ thể đến cơ cấu thu NSNN, Ủy ban TCNS còn thấy một số vấn đề nổi lên trong thu nội địa, đặc biệt thu từ 3 khu vực kinh tế là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể đều không đạt dự toán.
Cụ thể, khu vực DNNN có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán, cho thấy khả năng cạnh tranh, phát triển và chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực này còn hạn chế. Nhiều ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, số thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của DNNN, tiền bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm đạt thấp hơn nhiều so với dự toán; đặc biệt là thu bán vốn Nhà nước mới chỉ đạt 16,7% nhưng Chính phủ vẫn ước thực hiện cả năm đạt dự toán là rất khó khăn. Điều này thể hiện việc phối hợp triển khai kế hoạch thoái vốn Nhà nước giữa các bộ, ngành hiệu quả chưa cao, cần được phân tích rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Thẩm tra về Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; Ý kiến về Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2018 – 2020, Ủy ban TCNS đánh giá, số thu nội địa giảm một mặt đã phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, chưa bền vững và thiếu tính ổn định; mặt khác, do số thu giao cho một số địa phương cao hơn so với thực tế, như thu từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại tỉnh Quảng Nam, tỉnh Vĩnh Phúc… Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng thuế, tuy đã được triển khai quyết liệt, nhưng số thuế nợ đọng vẫn còn lớn (khoảng 73,9 nghìn tỷ đồng đến hết 30/9/2017).