Đây là bước cụ thể hóa thông điệp của Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành vừa qua, nhằm hỗ trợ thêm điều kiện để các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay - Ảnh: Quang Phúc. |
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) một bước nhẹ.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2014 nhà điều hành chính sách tiền tệ mới điều chỉnh mức lãi suất này.
Cụ thể, lần gần nhất vào ngày 18/3/2014, Ngân hàng Nhà nước giảm đồng loạt các lãi suất điều hành, trong đó lãi suất OMO giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Mức 5%/năm nói trên duy trì suốt gần 5 năm qua, dù nhiều điều kiện thị trường đã thay đổi lớn, ngay cả sau khi đã có đợt giảm các lãi suất điều hành vào tháng 7/2017.
Đến cuối tuần qua, thị trường đã ghi nhận Ngân hàng Nhà nước hạ mức lãi suất trên, nhưng chỉ với một bước nhỏ: giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm.
Đây là bước cụ thể hóa thông điệp của Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành vừa qua, nhằm hỗ trợ thêm điều kiện để các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay.
Việc điều chỉnh lãi suất OMO cũng diễn ra trước thềm mùa cao điểm thanh toán và chi trả cuối năm, cận Tết Nguyên đán.
Trước mắt, bước giảm nhỏ trên hiện không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường. Vì suốt từ tháng 5/2017 đến nay kênh cho vay qua OMO diễn ra với những phiên nhỏ giọt, với loạt phiên chào quy mô chỉ 1.000 tỷ đồng và hầu hết đều không có khối lượng trúng thầu (riêng phiên ngày 29/12 vừa qua có mức chào thầu lên 5.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đây là tín hiệu từ nhà điều hành, cũng như mức điều chỉnh có tác dụng trực tiếp đối với chi phí vay vốn của các thành viên tiếp cận kênh OMO khi nhu cầu vốn mùa cao điểm thanh toán và chi trả đang đến gần.
Như vậy, từ tháng 7/2017 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt có điều chỉnh các loại lãi suất quan trọng. Những điều chỉnh này chủ yếu mang tính tín hiệu và thể hiện sự thận trọng với bước điều chỉnh nhỏ.