Nga doạ cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1

0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu trên được đưa ra sau một ngày thị trường khí đốt của châu Âu trải qua những biến động dữ dội...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC

Nga doạ cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 1), như một phần trong sự đáp trả của nước này với các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga do xung đột Nga-Ukraine. Một động thái như vậy của Moscow có thể làm gia tăng sự biến động trên thị trường năng lượng và khiến áp lực lạm phát trên toàn cầu càng thêm lớn.

Nga có quyền hành động “phản chiếu” các biện pháp trừng phạt đã được áp lên nền kinh tế Nga – hãng tin Bloomberg dẫn lời Phó thủ tướng và là người phụ trách vấn đề năng lượng của Nga, ông Alexander Novak, phát biểu ngày 7/3. Ông Novak cho biết Moscow chưa đi đến quyết định về ngắt dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 và đường ống này vẫn đang vận hành “hết công suất”.

Phát biểu trên được đưa ra sau một ngày thị trường khí đốt của châu Âu trải qua những biến động dữ dội. Có lúc, giá khí đốt ở châu Âu tăng 80% trong phiên ngày 7/3 vì lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng từ Nga là một nhân tố chủ chốt mà các nhà lãnh đạo của khu vực này phải tính đến khi bàn các biện pháp đáp trả việc Nga tấn công Ukraine. Tháng trước, Đức đã đình chỉ quy trình phê chuẩn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 và Liên minh châu ÂU (EU) tuyên bố đang vạch ra một kế hoạch nhằm cắt giảm 80% nhu cầu nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm nay.

Tuy nhiên, nhiều chính trị gia EU vẫn tỏ ra thận trọng về một hành động tức thì đối với Nga. Đó là lý do vì sao Đức phản đối đề xuất cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Hôm 7/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng dầu thô và khí đốt từ Nga “có tầm quan trọng đặc biệt” đối với nền kinh tế châu Âu. Khoảng 40% nhập khẩu khí đốt của EU và 1/4 nhập khẩu dầu của khu vực này là do Nga cung cấp.

Ông Novak nói Nga còn có những lựa chọn khác để bán dầu khí nếu Mỹ và châu Âu đưa ra biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga. Ông cũng cảnh báo rằng một động thái trừng phạt như vậy có thể gây ra “những hậu quả thảm khốc đối với thị trường thế giới” và giá dầu có thể tăng vọt lên 300 USD/thùng.

Chuyên đề