Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
8/12 trụ cột tăng điểm và tăng hạng
Năm nay, WEF đánh giá Việt Nam có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu. Kết quả này đạt được là do 8/12 trụ cột tăng điểm và tăng nhiều bậc.
Nổi bật là trụ cột “Ứng dụng công nghệ thông tin” tăng mạnh nhất với 25,7 điểm (từ 43,3 điểm lên 69,0 điểm) và tăng 54 bậc (từ vị trí 95 lên vị trí 41). Tất cả các chỉ số thành phần trong trụ cột này đều tăng điểm, tăng hạng, bao gồm: Thuê bao Internet cáp quang, thuê bao di động, thuê bao di động băng thông rộng, số người sử dụng Internet, thuê bao Internet băng thông rộng cố định.
Tiếp đến là trụ cột “Thị trường sản phẩm” tăng 23 bậc (từ vị trí 102 lên 79), với các chỉ số về cạnh tranh trong nước đều tăng điểm và tăng hạng, độ mở thương mại được ghi nhận tích cực với việc giảm bớt các rào cản phi thuế.
“Mức độ năng động trong kinh doanh” tăng 12 bậc (từ vị trí 101 lên 89), với những cải thiện mạnh mẽ trên hầu hết các chỉ số thành phần, nhất là những chỉ số thể hiện tăng trưởng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), doanh nghiệp có ý tưởng đột phá.
Trụ cột “Thị trường lao động” tăng 2,6 điểm và 7 bậc (từ vị trí 90 lên 83), với sự cải thiện về di cư lao động trong nước (tăng 27 bậc).
Trụ cột “Năng lực ĐMST” tăng 6 bậc (từ thứ hạng 82 lên 76). Trong đó, mức độ tinh thông của người mua tăng 46 bậc; mức độ phát triển các cụm ngành tăng 33 bậc; hợp tác đa bên tăng 17 bậc; tính đa dạng của lực lượng lao động tăng 16 bậc; chi phí nghiên cứu và phát triển tăng 6 bậc…
Kết quả này phần nào phản ánh nỗ lực liên tục trong những năm gần đây của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, về thúc đẩy ĐMST để thích ứng và nhảy vọt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và hội nhập sâu rộng hơn.
Còn không ít thách thức
Mặc dù có những cải thiện đáng kể về điểm số và thứ hạng, song vẫn còn 3 trụ cột tụt hạng và 1 trụ cột giữ vị trí không đổi. Đó là trụ cột “Ổn định kinh tế vĩ mô” không thay đổi điểm số và thứ hạng (giữ ở mức 75 điểm và thứ hạng 64); trụ cột “Hệ thống tài chính” tăng 1,6 điểm, nhưng giảm 1 bậc; trụ cột “Kết cấu hạ tầng” tăng 0,5 điểm, nhưng giảm 2 bậc; trụ cột “Y tế” giảm 0,5 điểm (từ 81 điểm xuống 80,5 điểm) và do đó tụt 3 hạng (từ vị trí 68 xuống 71).
Ở cấp độ các chỉ số thành phần, một số chỉ số có sự suy giảm mạnh. Đáng lưu ý là mức độ minh bạch về ngân sách giảm 50,4 điểm (từ 65,4 điểm xuống 15 điểm), dẫn tới thứ hạng tụt 42 bậc (từ vị trí 42 xuống vị trí 84); dấu hiệu tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, hiện đứng ở gần cuối bảng (vị trí 101), giảm 10 bậc so với năm 2018…
Đặc biệt, trong trụ cột “Hệ thống tài chính”, nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,8 điểm và 12 bậc, đứng ở thứ hạng 97 (năm 2018 có thứ hạng 85). Kết quả này cho thấy tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, mức độ sẵn có về vốn đầu tư mạo hiểm tuy có sự cải thiện, nhưng chậm hơn so với nhiều nền kinh tế, dẫn tới thứ hạng giảm 10 bậc (từ vị trí 51 xuống 61)…
Đáng lưu ý, tuy có sự cải thiện nhanh về năng lực cạnh tranh toàn cầu, song Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề về thể chế, kỹ năng, môi trường kinh doanh và hệ sinh thái ĐMST. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế một cách bền vững. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ Chính phủ mà cần sự chung tay của các bên liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và người dân.