Nâng cấp, cải tạo sân bay Cam Ranh: Thị trường BĐS được gì?

Bắc Bán đảo Cam Ranh - khu vực vốn được coi là có vị trí thuận lợi cho sự thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhất là BĐS, khi nằm liền kề sân bay quốc tế Cam Ranh - một trong 4 sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam nay càng được hưởng lợi nhiều hơn khi cảng hàng không này được nâng cấp, cải tạo.
Các dự án tại khu vực Bắc Bán đảo Cam Ranh đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu.
Các dự án tại khu vực Bắc Bán đảo Cam Ranh đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu.

“Đánh thức” tiềm năng

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong những năm gần đây, lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh tăng đột biến. Nếu như năm 2011, lượng khách thông qua cảng đạt 1 triệu lượt thì đến năm 2015, con số này là 2,7 triệu lượt và năm 2016 tăng lên gần 4,9 triệu lượt. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2017, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã đón 1 triệu lượt hành khách, trong đó, trên 50% là hành khách quốc tế. Dự kiến trong năm 2017, cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh sẽ đón khoảng 6 triệu lượt hành khách.

Được biết ở thời điểm hiện tại, bên cạnh các tuyến bay nội địa, có khá nhiều chuyến bay thằng từ các nước trên thế giới đến Cam Ranh như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Hàn Quốc... Tháng 9 tới, một hãng hàng không sẽ mở đường bay thằng tư Cam Ranh đến Kuala Lumpur (Maylaysia).

Trước thực tế đó, việc quy hoạch, nâng cấp cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã được địa phương chú trọng và coi là dự án trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa. Với vốn đầu tư ban đầu hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu giai đoạn 1, nâng cao chất lượng và năng lực phục vụ hành khách lên tiêu chuẩn 4 sao, phục vụ đạt 2,5 triệu lượt khách/năm giai đoạn 1 và hướng tới công suất tối đa 8 triệu lượt khách/năm cho giai đoạn 2, việc nâng cấp sân bay Cam Ranh được đánh giá sẽ là nhân tố quan trọng thu hút dòng tiền đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực BĐS đổ về khu vực này trong thời gian tới.

Khi sân bay Cam Ranh được nâng cấp, đồng nghĩa với việc các hãng hàng không sẽ còn gia tăng các tuyến bay trong và ngoài nước. Điều này mở ra cơ hội thu hút khách du lịch đến với Khánh Hòa cũng như các tỉnh lân cận, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư căn cứ đánh giá tiềm năng, nhu cầu của thị trường BĐS tại Khánh Hòa.

Theo thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa, 6 tháng đầu năm 2017, địa phương đã đón hơn 2,6 triệu lượt khách lưu trú (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016). Trong số này có gần 1 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 80% so với cùng kỳ. Số ngày khách quốc tế lưu trú trung bình đạt khoảng 4 ngày/khách, cao hơn Đà Nẵng, Phú Quốc.

Đây là tin vui cho ngành du lịch và thị trường BĐS song cũng đặt ra một vấn đề, đó là việc gia tăng lượng khách du lịch ở thời điểm hiện tại và trong tương lai khi dự án sân bay Cam Ranh được nâng cấp liệu có gây “bão hòa” nguồn cung các dịch vụ lưu trú, giải trí... của khách hàng nếu Khánh Hòa chỉ chú trọng phát triển du lịch ở Nha Trang?

Trong khi đó, bán đảo Cam Ranh được giới chuyên gia địa ốc đánh giá là một điểm đến mới của loại hình BĐS nghỉ dưỡng với nhiều tiềm năng du lịch như bờ biển dài 22km, quỹ đất sạch hàng nghìn hecta... Kết hợp với ưu thế nằm ngay cửa ngõ kết nối từ Cảng Hàng không quốc tế tới Nha Trang, vùng đất này hứa hẹn sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch sầm uất bậc nhất của Khánh Hòa, là “mỏ vàng” để phát triển BĐS.

Nhận thức được tiềm năng cũng như cơ hội đầu tư tại Cam Ranh, vài năm trở lại đây, hàng loạt ông lớn đã đổ vốn đầu tư vào thị trường BĐS tại đây, đặc biệt là khu vực Bãi Dài khiến cho vùng đất này được  “thay da đổi thịt”.

Dọc bờ biển Bãi Dài có đến 37 dự án BĐS nghỉ dưỡng

Tuyến đường dọc Bãi Dài nối từ sân bay Cam Ranh đến thành phố có khoảng 30km nhưng có đến 37 dự án nghỉ dưỡng.

Đại diện Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa cho biết, chỉ tính riêng khu vực Bãi Dài (Cam Ranh) làm điển hình cho việc đầu tư BĐS du lịch – nghỉ dưỡng, đã có các tuyến đường nhánh tạo không gian mở ra hướng biển và đầm Thủy Triều được nhà nước đầu tư theo kế hoạch năm 2013 và 2011 với tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng (có cả hệ thống cung cấp nước sạch). Tổng số vốn dự kiến đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực này do nhà nước đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt ở các vùng kinh tế trọng điểm, số lượng các dự án phát triển du lịch khá lớn, trong đó tập trung ở khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và khu kinh tế Vân Phong. Riêng khu Bãi Dài hiện tại có 31 dự án được UBND tỉnh cho phép đầu tư với số vốn đăng ký lên đến gần 14.000 tỷ đồng.

“Hiện có 5 nhà đầu tư đã được cấp phép xây dựng, các nhà đầu tư còn lại đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang tiến hành các bước xin cấp phép xây dựng”, lãnh đạo Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa cho biết.

Theo khảo sát trước đó của PV, con đường Nguyễn Tất Thành, trục lộ chính của Bắc bán đảo Cam Ranh chạy dọc theo bờ biển Bãi Dài và các trục đường xương cá xuống biển đã được đầu tư khá khang trang. Có thể kể đến hàng loạt dự án tên tuổi lớn như Movenpick Cam Ranh Resort, Fusion Resort, The Anam... đang rầm rộ triển khai.

Đại diện một công ty kinh doanh BĐS tại Nha Trang cho biết, toàn bộ khu vực Bãi Dài đều đã có chủ. Tuyến đường dọc Bãi Dài nối từ sân bay Cam Ranh đến thành phố có khoảng 30km nhưng có đến 37 dự án nghỉ dưỡng với các sản phẩm biệt thự, khách sạn, condotel đang rầm rộ thi công. Thực tế này đưa ra một dự báo trong vài năm tới, dọc theo tuyến đường này sẽ hình thành một quần thể resort được quy hoạch đồng bộ.

Có thể thấy, từ việc nhận diện tiềm năng, ưu thế của khu vực Cam Ranh, các nhà đầu tư đã bắt đầu xu hướng chuyển dịch, thay vì tập trung đầu tư vào Nha Trang như trước kia thì các “ông lớn” địa ốc bắt đầu chuyển dịch về Cam Ranh, đặc biệt là khu vực Bãi Dài, xung quanh khu vực sân bay Cam Ranh.

Chuyên đề