Muốn chuyển giao công nghệ, cần xem xét lại quy trình giám sát và quản lý

(BĐT) - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 (VBF 2019) diễn ra sáng ngày 10/1, cộng đồng doanh nghiệp (DN) nêu ra 4 nhóm vấn đề tiếp tục nhận được nhiều quan tâm là nhãn hàng hóa, chuyển giao công nghệ (CGCN), sở hữu trí tuệ... Mặc dù những vấn đề này đã được đề cập trong kỳ Diễn đàn trước và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cũng đã có văn bản trả lời, nhưng đến nay VBF vẫn còn quan ngại.
 
Các doanh nghiệp đang trao đỏi sôi nổi bên lề Diễn đàn VBF 2019
Các doanh nghiệp đang trao đỏi sôi nổi bên lề Diễn đàn VBF 2019

Liên quan đến việc đăng ký hợp đồng CGCN, nhóm công tác của VBF cho rằng, quy định tại Luật CGCN 2017 và Nghị định 76/2018/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh quá rộng và không cần thiết, gây cản trở hơn là khuyến khích sự đổi mới, tạo thêm gánh nặng về hành chính và tài chính trên mức cần thiết với các bên liên quan. Yêu cầu về đăng ký CGCN sẽ làm chậm việc ký kết và thực hiện hợp đồng CGCN, đẩy lùi các nhà đầu tư vì những rủi ro mới được đưa vào mà lẽ ra không nên có.

Theo các quy định hiện hành, hợp đồng CGCN thuộc trường hợp phải đăng ký chỉ có hiệu lực từ thời điểm được cấp "Giấy chứng nhận đăng ký CGCN". Mặc dù hiện nay, trên lý thuyết, thời gian và thủ tục hành chính trong quá trình đăng ký cho "giấy phép con" này đã được giảm thiểu. Tuy nhiên, việc yêu cầu đăng ký vẫn ảnh hưởng lớn đến thực hiện hợp đồng CGCN. Các bên trong hợp đồng sẽ không thể thực hiện hợp đồng CGCN cho đến khi nó được đăng ký với cơ quan quản lý về KHCN.

“Yêu cầu đăng ký này đang đi ngược lại với tất cả các nỗ lực về cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ, cũng như những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam mà Chính phủ đã và đang cố gắng thực hiện trong những năm qua. Thay vì áp đặt những kiểm soát chặt chẽ không cần thiết đối với hoạt động CGCN, Chính phủ nên tạo ra những điều kiện có lợi để thúc đẩy quá trình này”, nhóm công tác của VBF kiến nghị.

Bên cạnh đó, nhóm công tác của VBF cũng cho rằng, việc quản lý máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam dựa trên tiêu chuẩn công suất, hiệu suất trong Quyết định số 18/2019/QD-TTg và các quy định có liên quan là không phù hợp.

Phản hồi về kiến nghị trên, ông Nguyễn Nam Hải – Vụ Giám định công nghệ thuộc Bộ KH&CN cho rằng, quy định về đăng ký hợp đồng CGCN là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tiễn tại Việt Nam cũng ghi nhận, kể từ khi Luật CGCN có hiệu lực cho đến nay, có 200 hợp đồng đã được đăng ký. Trong đó, ¼ hợp đồng đăng ký tại Bộ KH&CN, còn lại là đăng ký tại 63 Sở KH&CN trên cả nước. 90% hợp đồng đã được thực hiện. Thủ tục đăng ký hoàn thành sau 5 ngày làm việc. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có quy định cụ thể về vấn đề bảo mật quyền sở hữu trí tuệ. Đến nay, Việt Nam chưa có một vụ việc nào lộ thông tin.

Đối với việc quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ đã qua sử dụng, trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg. Để máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng khi nhập khẩu đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, cần xác định tiêu chí hiệu suất hoặc công suất còn lại so với thiết kế (không thấp hơn 85%); mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng so với thiết kế (không quá 15%)... Cách thức tiếp cận này khác với trước đây. Thay vì dựa vào tuổi thọ, thì tiếp cận quản lý theo sức khỏe của máy móc, bám vào chất lượng có thể sử dụng còn lại. Cách thức tiếp cận này là phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp.

Thực tế từ năm 2018 đến nay, có 40 dây chuyền công nghệ được giám định tại nước ngoài, nước xuất khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đó. Hiện Việt Nam chưa có trường hợp phản hồi nào về cách tiếp cận này.

Chia sẻ thêm quan điểm của Việt Nam về vấn đề nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chủ trương của Chính phủ trong giai đoạn tới là nâng cao tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường. Do đó, Việt Nam mong muốn thu hút máy móc, thiết bị có công nghệ cao, sạch, thân thiện với môi trường hơn và không khuyến khích đưa máy móc, thiết bị, công nghệ cũ vào. Cho nên, việc đưa ra các điều kiện để hạn chế đưa máy móc, thiết bị, công nghệ cũ vào Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, việc tổ chức giám định phải tùy thuộc vào từng dây chuyền, công nghệ. Bộ KH&CN và VBF cần có cơ chế làm việc song phương để thảo luận kỹ hơn về khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong vấn đề này.

Về mối quan ngại quy định nhãn hàng hóa hay khái niệm “công nghệ” có phạm vi quá rộng, đại diện phía Bộ KH&CN tại Diễn đàn bày tỏ sự ghi nhận và cam kết sẽ tiếp tục trao đổi thêm với nhóm công tác của VBF, các chuyên gia cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để hoàn thiện các văn bản pháp luật trong năm 2020 như sửa đổi Luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ...

Trong đó, đối với quy định nhãn hàng hóa, ông Hải cho biết, về cơ bản, Việt Nam có cùng một cách tiếp cận với VBF trong việc cần giới hạn một số hợp chất ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận, cách thức diễn giải chưa rõ ràng nên dẫn đến cách hiểu chưa thông nhất.

Chuyên đề