Mừng tuổi, nét đẹp đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã mấy chục năm trôi qua nhưng trong tôi vẫn nguyên vẹn những cảm xúc và niềm hân hoan của một đứa trẻ mỗi khi nhận được tiền mừng tuổi vào đầu năm mới.
Cùng với thời gian, tục lệ mừng tuổi ngày Tết có sự biến đổi để phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại nhưng ý nghĩa tinh thần cốt lõi vẫn luôn nguyên vẹn. Ảnh: st
Cùng với thời gian, tục lệ mừng tuổi ngày Tết có sự biến đổi để phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại nhưng ý nghĩa tinh thần cốt lõi vẫn luôn nguyên vẹn. Ảnh: st

Với những đứa trẻ thế hệ chúng tôi, một phần niềm vui, sự háo hức, mong chờ ngày Tết là được bố mẹ, ông bà, hoặc những vị khách đến chơi mừng tuổi. Lũ trẻ trong thôn xóm hay chơi với nhau thường so bì về việc được bao nhiêu người mừng tuổi, đứa nào được nhiều người mừng tuổi thì sung sướng và hãnh diện với bạn bè, không hẳn vì số tiền được mừng tuổi mà bởi đó là đồng tiền may mắn nhận được đầu năm. Tôi thường giữ gìn vỏ phong bao rất cẩn thận, xếp ngay ngắn, cất giữ đến nhiều năm sau đó, đếm xem năm nào được nhiều người mừng tuổi hơn và ôm vào thế giới cổ tích của mình những mường tượng về vị thần may mắn từ những phong bao sẽ đem đến một năm mới nhiều niềm vui và những điều kỳ diệu.

Lớn lên tôi mới hiểu hơn về ý nghĩa của phong tục mừng tuổi ngày Tết, một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của người Việt và nhiều nước trên thế giới. Việc trao và nhận tiền mừng tuổi có ý nghĩa là cho và nhận những điều may mắn, tốt đẹp nhất vào đầu năm mới, hứa hẹn một năm mới nhiều niềm vui.

Ở Việt Nam, theo tục lệ truyền thống, từ thời điểm giao thừa trở đi - thời khắc đánh dấu bắt đầu năm mới, bố mẹ, ông bà thường mừng tuổi cho những đứa trẻ với lời chúc chăm ngoan, học hành tấn tới... Tiền mừng tuổi được bỏ vào những phong bao lì xì màu đỏ rất đẹp mắt. Những người trẻ, thành đạt cũng thường mừng tuổi các bậc cao niên để mong ông, bà luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và trường thọ bên con cháu.

Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, mừng tuổi ngày Tết là tập tục có từ lâu đời của người Việt Nam. Thông thường, vào dịp đầu năm mới, những người đang ở độ tuổi lao động, làm ra của cải vật chất mừng tuổi cho người già, trẻ nhỏ để thể hiện tấm lòng với đấng sinh thành và cầu phúc cho con cháu gặp những điều tốt đẹp trong năm mới. Việc mừng tuổi ban đầu là những hiện vật thiết thực như: quà, bánh, trái cây... Về sau việc mừng tuổi thường chuyển sang tiền (còn gọi là lì xì, hồng bao, phát vốn đầu năm). Cho đến ngày nay, việc mừng tuổi vẫn tồn tại dưới dạng lễ vật mặc dù đây không phải là cách thức phổ biến. Ý nghĩa và mục đích lớn nhất của việc mừng tuổi vẫn là mong muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất, hạnh phúc, sức khỏe và may mắn cho người nhận. Tiền mừng tuổi thường được bỏ vào những phong bao màu đỏ bởi theo quan niệm của phương Đông, màu đỏ tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc. Mẫu mã của phong bao lì xì ngày nay được thể hiện rất phong phú nhưng màu đỏ vẫn là màu chủ đạo và phổ biến nhất.

Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia văn hóa, phong tục mừng tuổi ngày Tết xuất hiện khá lâu đời ở nhiều nước khu vực Đông Á. Do đặc thù và quan niệm văn hóa khác nhau nên cách thức thể hiện, tên gọi có thể khác nhau, nhưng ý nghĩa và mục đích của việc mừng tuổi thì tương đồng. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, lì xì ngày Tết được gọi là Otoshidama, phong bao lì xì thường có màu trắng và ghi rõ tên người được nhận, thể hiện sự tôn trọng, trân trọng của người tặng với người nhận cùng với lời chúc năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc. Ở Hàn Quốc, tiền mừng tuổi gọi là Sabae với thông điệp người nhận được mạnh khỏe, bình an trong năm mới. Ngoài mừng tuổi bằng tiền, người Hàn Quốc có thể mừng tuổi bằng vàng, bạc, đá quý... Phong tục mừng tuổi ngày Tết cũng phổ biến ở một số quốc gia như: Malaysia, Singapore, Trung Quốc...

Về nguồn gốc của mừng tuổi ngày Tết, theo một số tài liệu, thời gian xuất hiện sớm nhất của tục lệ này là ở Trung Quốc nên các nhà nghiên cứu đặt giả thiết tục lệ này bắt nguồn từ quốc gia này. Với ý nghĩa tốt đẹp của nó vào đầu năm mới, tục lệ mừng tuổi được nhiều quốc gia học hỏi, tiếp biến văn hóa. Thậm chí đến ngày nay, mặc dù không phải phong tục văn hóa riêng nhưng một số quốc gia vẫn hiểu ý nghĩa của việc mừng tuổi ngày Tết, chẳng hạn, trong tiếng Anh, người ta gọi tiền mừng tuổi là “lucky money”...

Theo PGS.TS. Trần Thị An, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ý nghĩa của mừng tuổi đầu năm không nằm ở giá trị của tiền trong phong bao mà mang nhiều thông điệp tốt đẹp cầu chúc hạnh phúc, may mắn, bình an, mạnh khỏe, tài lộc... trao cho người nhận. Xưa kia, người ta thường mừng tuổi cho hai đối tượng chính là người già và trẻ nhỏ. Dù tặng tiền hay hiện vật thiết thực thì cũng mang ý nghĩa và giá trị tinh thần tốt đẹp. Tuy nhiên, việc mừng tuổi bằng tiền thường tiện lợi và có tính thực tế cao hơn nên đây vẫn là sự lựa chọn phổ biến của đại đa số.

Ngày nay, dưới góc nhìn theo sự phát triển, vận động của đời sống văn hóa - xã hội, đối tượng nhận tiền mừng tuổi được mở rộng hơn, dường như độ tuổi nào cũng mong muốn được nhận tiền mừng tuổi vào những ngày đầu năm. Có một thực tế rằng dù là ai đi chăng nữa, dù ở địa vị nào, làm nghề gì và lứa tuổi nào cũng đều mong đón nhận những điều tốt đẹp nhất: có sức khỏe, tài lộc, may mắn, hạnh phúc, thành công... Vì thế, việc mừng tuổi đầu năm mới không chỉ giới hạn trong gia đình, dòng tộc, người thân thích mà còn diễn ra trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cấp trên mừng tuổi cho cấp dưới, mọi người mừng tuổi nhau để chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất.

Thời điểm trao, nhận tiền mừng tuổi cũng linh hoạt, không chỉ diễn ra vào thời điểm sau giao thừa mà có thể diễn ra ở những ngày giáp Tết. Việc thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà cũng ngày càng linh hoạt, phong phú và đa dạng hơn. Thậm chí, trong thời đại kỹ thuật số cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh, việc mừng tuổi online đã xuất hiện, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị. Cùng với thời gian, tục lệ mừng tuổi ngày Tết có sự biến đổi để phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại nhưng ý nghĩa tinh thần cốt lõi vẫn luôn nguyên vẹn trong tâm thức của người Việt.

Chuyên đề