Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Đề án đề xuất hướng phát triển của Vân Đồn theo mô hình Khu hành chính - kinh tế (HC-KT) đặc biệt có tính liên kết vùng và đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, khả thi.
Đề xuất nhóm cơ chế chính sách đặc thù
Việc xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách cho Đặc khu Vân Đồn đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm và xu hướng quốc tế, theo nguyên tắc tuân thủ pháp luật (quy định rõ ràng, đơn giản, áp dụng hiệu quả…).
Các cơ chế chính sách được xây dựng theo phân lớp ngành nghề dựa trên kết quả phân tích chuỗi giá trị, từ đó xác định được các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên, có ảnh hưởng lan tỏa đến sự phát triển của các lĩnh vực ngành nghề khác để tập trung khuyến khích phát triển.
Cùng với đó, có ưu đãi đặc thù cho nhà đầu tư chiến lược (ưu đãi về thuế chỉ tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn, không dàn trải).
Đề án đề xuất 12 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù gồm: Thuế; đất đai và bất động sản; tài chính - ngân sách; tiền tệ - ngân hàng; đầu tư - kinh doanh; quản lý và phát triển nguồn nhân lực; xuất, nhập cảnh và quản lý cư trú; xuất, nhập khẩu hàng hóa; nhà đầu tư chiến lược; hoạt động công nghệ cao; phát triển du lịch và một số chính sách khác…
Hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền
Quảng Ninh đề xuất 2 phương án.
Phương án 1, sẽ có Đặc khu trưởng và các Đặc khu phó cùng cơ quan giúp việc tinh gọn, không có HĐND. Cấp xã sẽ được thay bằng các khu hành chính, người đứng đầu là đại diện của Đặc khu trưởng, cùng bộ máy cũng hết sức tinh gọn.
Phương án này phù hợp với các mô hình đặc khu kinh tế hiện đại và thành công nhất hiện nay trên thế giới.
Quan trọng hơn là mô hình này đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thay vì tập thể quyết định như lâu nay. Đặc khu trưởng toàn quyền quyết định mọi vấn đề và phải chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình.
Để bộ máy hoạt động hiệu quả, Đặc khu trưởng hoàn toàn có thể tự lựa chọn nhân sự tốt nhất cho mình, từ cấp phó đến bộ máy ở các khu hành chính, thậm chí có thể thuê nhân sự nước ngoài làm việc cho mình.
Phương án 2 là chính quyền một cấp, chỉ có UBND và HĐND cấp Đặc khu, bỏ UBND và HĐND cấp xã.
Với phương án này, HĐND sẽ chỉ còn làm nhiệm vụ giám sát, đưa ra các quyết sách dài hạn, chứ không quyết các vấn đề, như ngân sách, đầu tư...
Tuy nhiên, với phương án 2, trách nhiệm quyết định vẫn là của tập thể nên không đề cao được vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND Đặc khu như với mô hình Đặc khu trưởng.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng và lấy ý kiến từ nhiều phía, Quảng Ninh ưu tiên chọn phương án 1.
Nguồn lực đầu tư
Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách để nhanh chóng cải thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng, giao thông nội khu, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khác. Trong đó đặc biệt tập trung vào các công trình động lực tạo nền tảng cho sự phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn.
Đến nay, đã thu hút được trên 55.300 tỷ đồng đầu tư vào Vân Đồn (nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và ngoài ngân sách). Riêng giai đoạn 2015-2017, tỉnh đã huy động được trên 36.000 tỷ đồng vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Một số dự án nổi bật là: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25 km, dự kiến thông toàn tuyến vào quý I/2018; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương, dài 53,6 km, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dài khoảng 80,2 km, dự kiến khởi công cuối năm 2017; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn quy mô cấp 4E, đường cất, hạ cánh dài 3,6 km, đón được các máy bay hiện đại như Boeing 777, 787, A350 với công suất 5 triệu lượt khách/năm, dự kiến đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2018; khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino với diện tích trên 2.500 ha, đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư...
Đầu năm 2018, chuỗi các tổ hợp dịch vụ du lịch cao cấp quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư trên 61.000 tỷ đồng tại Vân Đồn sẽ được khởi công.
Cầu Cẩm Hải trên tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn kết nối với Đặc khu Vân Đồn đã hợp long ngày 28/10/2017. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Ghi nhận quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh cũng như tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang trong việc xúc tiến thành lập Đơn vị HC-KT đặc biệt, ông Phạm Minh Chính cho rằng đó là những đóng góp quan trọng đối với dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt từ thực tế đang triển khai.
Cũng tại buổi khảo sát này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh thực tế tại Quảng Ninh đã củng cố thêm niềm tin về sự phát triển mạnh mẽ của Vân Đồn cũng như việc hoàn thiện dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt trình Quốc hội thông qua.