Mùa xuân thay áo mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng nay dậy sớm, lấy xe máy chạy lòng vòng đường Yên Phụ - Nhật Tân ra phía ngoại ô, đã thấy hai bên tấp nập xe thồ, xe ba gác, xe tải hạng nhẹ chở đầy những cành đào đỏ rực xen lẫn với màu vàng tươi của quất, của mai nối đuôi nhau về trung tâm Thành phố.
Việt Nam trở thành biểu tượng của những điều mới mẻ, tích cực trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam trở thành biểu tượng của những điều mới mẻ, tích cực trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Ảnh: Lê Tiên

Mưa rắc nhẹ trên những hàng cây đang đâm chồi nẩy lộc, bỗng thấy lòng nhẹ nhõm, lâng lâng trong bước đi muôn nhịp hải hà. Ngước nhìn trời cao, chim én bay về tíu tít trên những mái nhà, hàng cây. Tiếng chim líu lo, rộn rã báo tin mùa xuân đến, mùa xuân thay áo mới.

Vào giây phút thiêng liêng này, chợt nhớ trận giông lốc bất ngờ dồn dập, rồi sau đó mưa đá ầm ầm đổ xuống vào đúng thời khắc giao thừa năm trước. Nhiều người buột miệng thốt lên: “Năm nay trời đất dị thường, thế nào cũng gây họa lớn…”. Ngày 23/1/2020, báo chí đưa tin: Việt Nam xuất hiện ca Covid-19 đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh. Cả nước như sững lại. Lập tức các biện pháp cách ly, theo dõi và hạn chế người từ vùng dịch, đóng cửa biên giới, khai báo y tế… được thực hiện. Và rồi từ tháng 1/2020, đại dịch Covid-19 từng đợt hoành hành trên mọi miền đất nước. Số ca nhiễm bệnh vượt mốc 1.500 người, 35 người đã tử vong. Cả nước gồng mình giữa cơn bão bệnh dịch quái ác. Hàng trăm khu cách ly tập trung được lập ra, hàng vạn bộ đội, thanh niên, toàn ngành y tế và cả nước lao vào cuộc chiến sinh tử “chống dịch như chống giặc”…

Đại dịch Covid chưa qua thì thiên tai ập đến, cướp đi sinh mạng của 228 dân lành và chiến sĩ quân đội, 65 người đến nay vẫn còn mất tích, chưa kể 876 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị bão lũ cuốn trôi, hàng vạn người dân bị đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất. Đói, rét, dịch bệnh kéo dài từ Nghệ An đến tận Quảng Nam, Phú Yên rồi lên Bắc Tây Nguyên… Thiệt hại kinh tế lên đến nhiều nghìn tỷ đồng.

Trong nước đã vậy, thế giới cũng muôn nỗi thăng trầm dâu bể. Nền kinh tế toàn cầu bị nhấn chìm trong đại dịch. Kinh tế tăng trưởng âm phổ biến ở mọi quốc gia. Rất nhiều nước rơi vào cảnh lao đao, khốn khó. Rồi cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các trung tâm kinh tế - chính trị cũ và mới nổi, làm cho đời sống nhân loại vốn không bình yên, bộn bề và phức tạp càng rơi vào cam go, thách thức…

Thời gian cứ trôi, nhịp sống tuần hoàn như vốn thế, không ngưng nghỉ và không chờ đợi. “Muốn đêm tối ra đi thì ánh sáng phải tràn về”. Bởi lẽ đó, chỉ có một con đường là đứng lên, từng bước mạnh mẽ, vững chãi về phía trước chiếm lấy đỉnh cao ấm no, hạnh phúc. Đó chính là khát vọng, cũng là bản chất kiên cường, bất khuất của người Việt Nam từ muôn đời nay. Dân tộc ta là thế, trong gian nguy, trong đau thương và khó nhọc lại bừng lên sức sống mạnh mẽ. Sức sống ấy có nguồn cội từ sự đoàn kết, thủy chung, ý chí tự lực tự cường, sự chịu đựng hy sinh vô bờ bến, sự gắn kết cộng đồng muôn người như một, tạo thành những con sóng lớn cuốn phăng đi mọi kẻ thù, mọi rào cản, thác ghềnh để thắp sáng ngọn đuốc “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Đó cũng là sức sống của sự nỗ lực, quyết tâm làm nên điều thần kỳ mà trước đó không thể tin nổi: Kiềm chế thành công dịch Covid-19. Nếu chúng ta biết rằng, đến nay, thế giới có hơn 100 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó số người chết lên tới hơn 2 triệu, nếu chúng ta biết thiệt hại do dịch bệnh đang đẩy nhân loại vào vực thẳm của suy thoái, đói nghèo thì mới thấy thành công trong kiềm chế Covid-19 ở Việt Nam thực sự là một kỳ tích.

Đạt được kết quả đó bởi chúng ta có cách làm đúng, tổ chức và hành động kịp thời, huy động tối đa lực lượng toàn xã hội cùng chung tay, kề vai sát cánh, cùng một chí hướng, vượt lên mọi tính toán cá nhân, vượt lên thói bảo thủ, trì trệ để hành động vì lợi ích của cộng đồng, tạo nên sức mạnh to lớn đưa đất nước thoát ra khỏi bóng đen của dịch bệnh và thiên tai. Chính vì lẽ đó, năm 2020, một năm cả thế giới chìm trong suy thoái, một năm hầu hết các quốc gia đều phải chịu mức tăng trưởng âm, thì Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2019, nhưng đó là kỳ tích, là chiến thắng của sự đoàn kết, thống nhất, của thể chế chặt chẽ mà ở đó cho phép tập trung được sức mạnh to lớn toàn dân tộc; là thước đo lòng quyết tâm và ý chí kiên cường vượt lên khó khăn, thử thách hôm nay.

Không phải chúng ta tự nói về mình. Bạn bè thế giới đều ghi nhận những thành quả kỳ diệu trong trận quyết chiến với đại dịch Covid-19 của Việt Nam. Từ ghi nhận chuyển hóa thành hành động. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 vẫn đạt hơn 28 tỷ USD. Xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 19 tỷ USD. Nhiều tờ báo nước ngoài liên tục nhắc đến Việt Nam như biểu tượng của những điều mới mẻ, tích cực trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Cái tên Việt Nam được gắn với rất nhiều hình ảnh như “bình minh đang lên”, “ngôi sao sáng”, “con hổ châu Á” hay “phép màu châu Á”…

Năm 2020 còn là năm Việt Nam gặt hái nhiều thành tựu đặc biệt với dấu ấn hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Những hiệp định quan trọng này được ví như “đường cao tốc” nối kinh tế Việt Nam với thế giới, cùng với “cơn lốc” chuyển đổi số chưa từng có đang diễn ra, giúp Việt Nam đủ năng lực đi ra toàn cầu, đưa đất nước bứt phá, phát triển, thay đổi thứ hạng. Và đó cũng là cơ hội đón bắt làn sóng đầu tư lớn năm 2021 với nhiều tín hiệu lạc quan…

Đất nước đang vào xuân, trên mọi nẻo đường Tổ quốc đang rực nắng mới, tràn dâng không khí Tết. Hơi ấm của mùa xuân lan tỏa, xua đi mọi ưu tư, phiền muộn, mở ra cánh cửa cho mạch sống muôn loài sinh sôi, nảy nở. Hy vọng một năm mới tràn đầy sức sống, trẻ trung bật nở muôn khát vọng, đưa con thuyền dân tộc Việt Nam đến chân trời của ánh sáng tin yêu và hạnh phúc.

Chuyên đề