Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Hơn 2.100 tỷ đồng mua thuốc lần 3
Ngày 12/9/2019, Bệnh viện Chợ Rẫy (thuộc Bộ Y tế) tổ chức mở 3 gói thầu thuộc Dự án Cung cấp thuốc lần 3 năm 2019. Cả 3 gói thầu đều có thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng, sử dụng nguồn vốn từ nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh của Bệnh viện. Các gói thầu có thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 22/8 đến 12/9/2019, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) được phê duyệt trong tháng 8/2019, Dự án Cung cấp thuốc lần 3 năm 2019 của Bệnh viện Chợ Rẫy có giá dự toán là 2.133.952.533.030 đồng.
Dự án gồm 3 gói thầu, trong đó Gói thầu số 1 Thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị (gồm 301 danh mục), giá trị bảo đảm dự thầu là 15.253.900.663 đồng. Theo KHLCNT, dự toán của gói thầu này là 610.156.026.520 đồng.
Gói thầu số 2 Thuốc generic (gồm 995 danh mục) có bảo đảm dự thầu trị giá 37.905.199.538 đồng. Theo KHLCNT, dự toán của gói thầu này là 1.516.207.981.510 đồng.
Gói thầu số 3 Thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu (gồm 18 danh mục) có bảo đảm dự thầu trị giá 113.827.875 đồng. Dự toán gói thầu này được phê duyệt tại KHLCNT là 7.588.525.000 đồng.
BMT yêu cầu bảo đảm dự thầu có giá trị bảo đảm theo từng phần (danh mục), giá trị bảo đảm dự thầu bằng tổng giá trị bảo đảm các phần (danh mục) mà nhà thầu tham dự.
Theo BMT, trong thời gian phát hành HSMT của 3 gói thầu, có tổng cộng 200 nhà thầu mua HSMT. Đến thời điểm đóng thầu, có 189 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) theo đúng quy định. Cụ thể, Gói thầu số 1 có 15 nhà thầu nộp HSDT, Gói thầu số 2 có 166 nhà thầu nộp HSDT và Gói thầu số 3 có 7 nhà thầu nộp HSDT. Buổi mở thầu có sự tham gia của 154 nhà thầu, riêng Gói thầu số 2 có 34 nhà thầu vắng mặt.
Ghi nhận của Báo Đấu thầu tại buổi mở thầu cho thấy, BMT và các nhà thầu đã tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục về đóng, mở thầu. Hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXTC) của các nhà thầu đã được BMT xếp theo thứ tự chữ cái, sau đó niêm phong theo quy định.
Áp lực thời gian cung cấp thuốc rất lớn
Theo HSMT của 3 gói thầu mua thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật sử dụng phương pháp đánh giá chấm điểm với thang điểm tối đa là 100. Trong đó, chất lượng thuốc sẽ chiếm 70% tổng số điểm (70 điểm) và đóng gói, bảo quản, giao hàng chiếm 30% tổng số điểm (30 điểm). Hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật khi đáp ứng đủ các yêu cầu: điểm của từng tiêu chí tại yêu cầu về chất lượng thuốc và về đóng gói, bảo quản, giao hàng không thấp hơn 60% điểm tối đa tiêu chí đó. Đồng thời, tổng điểm của tất cả các tiêu chí đánh giá về mặt kỹ thuật không thấp hơn 80% tổng số điểm.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, HSMT quy định rất rõ về phạm vi cung cấp, tiến độ cung cấp và yêu cầu về kỹ thuật của thuốc. Tại cả 3 gói thầu, tiến độ cung cấp thuốc được đề ra ở 2 mức độ. Mức độ 1 là những thuốc cần gấp ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT), từ 30/9 đến 10/10/2019. Mức độ 2 là những thuốc cần sau khi có KQLCNT, theo nhu cầu điều trị. Từ những yêu cầu này của HSMT, đối chiếu với danh mục thuốc của từng gói thầu cho thấy, rất nhiều loại thuốc đang đứng trước áp lực lớn về tiến độ cung cấp.
Cụ thể, tại Gói thầu số 1, có hơn 30 loại thuốc được xếp ở mức độ 1 như Albendazol, Ampicilin+sulbactam… Tại Gói thầu số 2, số thuốc đặt ở mức độ 1 lên tới hơn 120 loại như: Colistin, Cytarabin, Bevacizumab… Chỉ duy nhất Gói thầu số 3 là không có loại thuốc nào đặt ở mức độ 1, mà chỉ theo nhu cầu điều trị.
Theo BMT, chính vì áp lực cung cấp thuốc ở mức độ 1 rất lớn nên đòi hỏi BMT phải tập trung, đẩy nhanh tiến độ đánh giá HSĐXKT và sớm mở HSĐXTC để nhanh chóng chọn được các nhà thầu trúng thầu. Do giá trị các gói thầu lớn, số lượng nhà thầu tham dự thầu rất đông nên mọi công tác liên quan đến đóng, mở thầu, đánh giá HSĐXKT, HSĐXTC cũng như thương thảo với các nhà thầu phải huy động đội ngũ nhân sự có chuyên môn đông đảo. Đây là nỗ lực lớn của Bệnh viện Chợ Rẫy trong công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án cung cấp thuốc hàng năm để lựa chọn được nhà cung cấp tốt, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân.