Mở rộng danh mục đàm phán giá ngành y tế: Tạo thuận lợi cho hoạt động mua sắm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BYT quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế (TBYT), vật tư xét nghiệm (VTXN) được áp dụng hình thức đàm phán giá (ĐPG) và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu (LCNT) đối với các gói thầu áp dụng hình thức ĐPG (TT 05/2024). Thông tư này được kỳ vọng tạo thuận lợi cho việc mua sắm của ngành y tế, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Việc cập nhật những thiết bị y tế kỹ thuật cao vào danh mục đàm phán giá sẽ tạo thuận lợi và giảm rủi ro cho các cơ sở y tế khi mua sắm hàng hóa. Ảnh: Lê Tiên
Việc cập nhật những thiết bị y tế kỹ thuật cao vào danh mục đàm phán giá sẽ tạo thuận lợi và giảm rủi ro cho các cơ sở y tế khi mua sắm hàng hóa. Ảnh: Lê Tiên

Cập nhật danh mục đàm phán giá

Danh mục thuốc được áp dụng hình thức ĐPG được chia thành 2 nhóm với 617 mặt hàng. Trong đó, nhóm thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu có 597 mặt hàng; nhóm thuốc có từ 1 đến 2 hãng sản xuất có 20 mặt hàng. So với danh mục tại Thông tư 15/2020/TT-BYT (quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập), chủng loại thuốc không thay đổi nhiều, chỉ bổ sung thêm 13 vắc xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng (vắc xin TCMR), 1 thuốc tránh thai cho Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Cùng với thuốc, đây là lần đầu tiên TBYT được Bộ Y tế đưa vào danh mục ĐPG với 4 mặt hàng, gồm: hệ thống chụp cắt lớp vi tính công nghệ đếm photon; hệ thống robot phẫu thuật nội soi; hệ thống phẫu thuật trong phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và robot trợ giúp chính xác (Rosa Brain); hệ thống phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối (sử dụng công nghệ lập kế hoạch và robot trợ giúp chính xác). Đây đều là những thiết bị có công nghệ kỹ thuật cao, hiện đại và giá trị lớn, trong đó có máy lên tới 300 - 400 tỷ đồng.

Danh mục ĐPG này sẽ được Bộ Y tế cập nhật tối đa là 2 năm/lần.

Một cán bộ sở y tế cho rằng, ĐPG đối với các TBYT là rất cần thiết, vì đây là những thiết bị mới, hiếm, lần đầu có tại Việt Nam, nhiều đơn vị gặp khó khăn hoặc lo ngại rủi ro khi xây dựng cấu hình và xác định giá kế hoạch, nhất là sau khi có các vụ án có liên quan đến gói thầu mua sắm TBYT kỹ thuật cao.

Tuy vậy, ông mong đợi Danh mục ĐPG sẽ bổ sung thêm các thiết bị có nhu cầu sử dụng nhiều mà chỉ có 1 đơn vị bán như TBYT xạ trị... Khi ĐPG, cần tính tới thời điểm mua sắm, vì công nghệ liên tục thay đổi, giá sẽ giảm khi công nghệ không còn độc quyền như trước.

Cụ thể hóa quy trình đàm phán giá

Nhiều ý kiến nhận định, TT 05/2024 quy định cụ thể quy trình, thủ tục LCNT theo hình thức ĐPG. Trong đó, Bộ Y tế giao đơn vị ĐPG thực hiện hoạt động ĐPG thuốc, TBYT, VTXN thuộc danh mục. Đơn vị ĐPG được trao thêm một số thẩm quyền phê duyệt thông báo kế hoạch tổ chức ĐPG, các phương án ĐPG, kết quả ĐPG…, mà trước đây phải ở cấp Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đặc biệt, khi ĐPG với nhà thầu trong trường hợp phương án ĐPG có khoảng giá, Điều 15 TT 05/2024 nêu rõ, Tổ liên ngành ĐPG phải bảo đảm tuân thủ một số nguyên tắc. Trường hợp nhà thầu đề xuất giá thấp hơn hoặc bằng với mức giá mong muốn thấp nhất trong khoảng giá, Tổ liên ngành được thống nhất mức giá với nhà thầu và kết thúc ĐPG. Trường hợp nhà thầu đề xuất giá trong khoảng giá, Tổ liên ngành đề nghị nhà thầu rà soát để điều chỉnh giá đề xuất; sau đó Tổ liên ngành căn cứ ý kiến của nhà thầu để thống nhất mức giá của nhà thầu và kết thúc đàm phán. Trường hợp nhà thầu đề xuất giá cao hơn mức giá cao nhất trong khoảng giá, Tổ liên ngành đề nghị nhà thầu rà soát để điều chỉnh giá đề xuất, nhưng chỉ được đề nghị tối đa 3 lần (nguyên tắc này cũng áp dụng với trường hợp phương án ĐPG có một mức giá mà nhà thầu đề xuất giá cao hơn mức giá mong muốn).

Trong trường hợp Tổ liên ngành đề xuất khả năng thay thế thuốc, TBYT, VTXN, thì đơn vị ĐPG thực hiện việc xin ý kiến nhưng phải bảo đảm nguyên tắc tổng số lượng nhu cầu của đơn vị được xin ý kiến phải chiếm tối thiểu 50% tổng số lượng nhu cầu đề xuất. Sau khi xin ý kiến, nếu có từ 70% trở lên cơ sở y tế được tham khảo cho rằng mặt hàng đó cần thiết và không thể thay thế thì Tổ liên ngành thống nhất mức giá đề xuất của nhà thầu và kết thúc đàm phán, còn nếu dưới 70% thì Tổ liên ngành kết thúc ĐPG.

Tổ liên ngành thống nhất kết quả ĐPG, quyết định kết thúc ĐPG khi có ít nhất 2/3 thành viên đồng thuận.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu từng tham gia đàm phán giá trước đây cho rằng, quy định mới của TT 05/2024 đã cải thiện và khắc phục được những bất cập trước đây. Đồng thời, quy trình mới đơn giản hơn về thủ tục hành chính, phân cấp, giúp tăng tính chủ động, linh hoạt cho đơn vị ĐPG và rút ngắn được thời gian ĐPG.

Chuyên đề