Đấu thầu tập trung, đàm phán giá thuốc: Linh hoạt quy trình để người bệnh kịp có thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Y tế vừa hoàn thành đàm phán giá (ĐPG) thuốc năm 2021 sau 1 năm rưỡi triển khai và đang xây dựng kế hoạch cho năm 2023. Cùng với đấu thầu tập trung (ĐTTT), kết quả ĐPG thời gian qua cho thấy nhiều điểm ưu việt, song thời gian lựa chọn nhà thầu (LCNT) quá dài dẫn đến thiếu thuốc phục vụ khám chữa bệnh. Để tạo thuận lợi cho việc triển khai công tác này trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự điều chỉnh quy trình phù hợp, rút ngắn thời gian.
Có ý kiến đề xuất lược bớt bước tổng hợp và rà soát nhu cầu thuốc từ các cơ sở y tế trên toàn quốc vì mất nhiều thời gian. Ảnh: Nhã Chi
Có ý kiến đề xuất lược bớt bước tổng hợp và rà soát nhu cầu thuốc từ các cơ sở y tế trên toàn quốc vì mất nhiều thời gian. Ảnh: Nhã Chi

Hiệu quả kinh tế từ việc giảm giá thuốc

Từ năm 2018 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức ĐPG gần 20 gói thầu cung cấp 67 thuốc ít cạnh tranh (gồm 65 thuốc biệt dược gốc và 2 thuốc có từ 1 - 2 nhà sản xuất) thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức ĐPG với giá trị giảm giá gần 3.000 tỷ đồng (tỷ lệ giảm giá trung bình đạt 15,6%).

Từ năm 2017 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức LCNT trên 30 gói thầu ĐTTT cấp quốc gia (bao gồm khoảng 200 danh mục thuốc và 30 danh mục vật tư y tế) với giá trị giảm giá trên 3.000 tỷ đồng (tỷ lệ giảm giá trung bình đạt 13%).

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc thực hiện ĐTTT thuốc thể hiện rõ nhiều ưu điểm như: hiệu quả kinh tế với nhiều thuốc giảm giá rõ rệt (có thuốc giảm giá trên 50%), tiết kiệm chi phí; nhân lực chuyên trách, quy trình chặt chẽ, bài bản, chuyên nghiệp cả về nghiệp vụ đấu thầu và chuyên môn y tế; thống nhất và đồng bộ trong quy trình và kết quả (mức giá); minh bạch, thuận lợi trong mua sắm và thanh toán, thiết lập được hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý vận hành tốt. Việc điều tiết thuốc linh hoạt, thuận tiện giữa các cơ sở y tế (CSYT) trong cùng gói thầu (theo vùng, miền, địa bàn).

Cần minh bạch, linh hoạt quy trình

Từ thực tế ĐTTT và ĐPG thuốc thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm giá thuốc sẽ không có ý nghĩa nếu quy trình kéo dài, người bệnh thiếu thuốc. Theo đó, cần có sự điều chỉnh để đẩy nhanh quy trình.

Về quy trình LCNT, các nhà thầu tham gia ĐTTT và ĐPG thuốc cho rằng, cần nghiên cứu quy định rõ hơn về quy trình ĐPG, thống nhất tiêu chí, đảm bảo tính minh bạch, linh hoạt và dễ triển khai. Riêng tiêu chí ĐPG, theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, không chỉ dựa vào giá, mà có thể cân nhắc cả phương án kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng với đơn giá cố định…

Theo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, ĐPG là một hình thức mới, đòi hỏi tính chuyên nghiệp, nhưng chưa có quy trình rõ ràng, đầy đủ nên công tác triển khai gặp nhiều khó khăn, làm kéo dài thời gian.

Chẳng hạn, trong quy trình ĐPG và phê duyệt kết quả trúng thầu, việc quy định không được thay đổi số lượng thuốc tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc chỉ được tăng hoặc giảm không quá 10% chưa phù hợp với tính chất linh hoạt của công tác ĐPG. Thậm chí, khi phát sinh nhu cầu sử dụng thuốc đã có kết quả ĐPG nhưng khác nguồn vốn, không có quy định cho phép áp dụng hình thức khác ngoài hình thức ĐPG, gây khó khăn cho công tác ĐPG cũng như CSYT.

Khi chưa có kết quả ĐPG, các CSYT có nhu cầu sử dụng thuốc để phục vụ khám, chữa bệnh phải áp dụng hình thức LCNT khác (thường là đấu thầu rộng rãi), nhưng thực tế chỉ mang tính hình thức, tốn thời gian. Một số CSYT chỉ trông chờ vào kết quả ĐPG, không tiến hành mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc phục vụ nhu cầu điều trị… Trong bối cảnh Luật Đấu thầu đang được sửa đổi, nhiều ý kiến đề xuất bổ sung quyền được tăng, giảm số lượng thuốc trong quá trình ĐPG và thực hiện hợp đồng; bổ sung hình thức LCNT “tùy chọn mua thêm” đối với thuốc đã có kết quả ĐPG (cấp quốc gia) với điều kiện số lượng phát sinh không vượt hạn mức do Chính phủ quy định (thuốc điều trị HIV/AIDS, chương trình dự án…). Ý kiến này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu và thiết kế trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Để rút ngắn thời gian LCNT, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đề xuất lược bớt bước “tập hợp nhu cầu”. Hiện nay, Bên mời thầu phải tổng hợp và rà soát nhu cầu trên phạm vi toàn quốc, từ khoảng 3.000 CSYT công lập (từ tuyến huyện trở lên). Công đoạn này tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ mua sắm.

Một số ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần nghiên cứu quy định giao một hoặc một số đơn vị đánh giá năng lực, kinh nghiệm chung của các nhà thầu tham gia đấu thầu thuốc trên toàn quốc, công bố danh sách theo định kỳ và hàng năm để các đơn vị mua sắm thuốc thuận tiện tra cứu, rút ngắn thời gian mua sắm.

Chuyên đề