Hoàn tất đàm phán giá thuốc cấp quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Y tế vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT) đợt 3 với 18 thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2021 của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia. Như vậy, sau 1,5 năm, Bộ Y tế đã hoàn thành công tác LCNT cung cấp thuốc theo hình thức đàm phán giá, nhà thầu trúng lớn là Công ty CP Dược liệu Trung ương 2.
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2021 được phê duyệt từ ngày 4/9/2021, gồm 62 thuốc. Ảnh: Tiên Giang
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2021 được phê duyệt từ ngày 4/9/2021, gồm 62 thuốc. Ảnh: Tiên Giang

Hoàn thành chọn nhà thầu

Kế hoạch LCNT Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2021 được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt từ ngày 4/9/2021, gồm 62 thuốc (kế hoạch ban đầu là 71 thuốc), chia thành các nhóm: nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch; nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn; nhóm thuốc điều trị tim mạch; nhóm thuốc chứa Insulin và điều trị tiểu đường; nhóm thuốc dùng trong chẩn đoán; nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp; nhóm thuốc tác dụng đối với máu. Đây là những thuốc có nhu cầu lớn tại các cơ sở y tế (CSYT) công lập và có giá trị sử dụng trên 100 tỷ đồng/năm.

Theo kế hoạch LCNT, danh mục trên được chia thành 7 gói thầu với tổng dự toán là 15.192,4 tỷ đồng. Hồ sơ yêu cầu được phát hành từ 14/9 - 4/10/2021 với yêu cầu thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng kể từ ngày thỏa thuận khung có hiệu lực. Do thời gian triển khai kế hoạch LCNT kéo dài, một số thuốc đã phải gia hạn hiệu lực của hồ sơ đề xuất và bảo lãnh dự thầu tới 5 lần với tổng thời gian hiệu lực lần lượt 540 ngày và 570 ngày. Kết quả, 61/62 thuốc đã đạt được thỏa thuận, hoàn thành đàm phán (chia thành 3 đợt), trong đó đợt 1 có 19 thuốc, đợt 2 có 24 thuốc và đợt 3 có 18 thuốc (1 thuốc không hợp lệ).

Tính chung cả 3 đợt, tổng giá trúng thầu là hơn 10.652 tỷ đồng. Trong các nhà thầu được lựa chọn, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 với tư cách nhà thầu độc lập trúng thầu 7.659 tỷ đồng. Giá trị trúng thầu của Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương là 284,732 tỷ đồng. Công ty CP Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội (Hapharco) trúng thầu 596,602 tỷ đồng với tư cách nhà thầu độc lập và trúng thầu hơn 1.502 tỷ đồng với tư cách thành viên liên danh (liên danh với Công ty TNHH Dược phẩm và Thiết bị y tế Hoàng Đức). Ngoài ra, Công ty TNHH Dược phẩm và Thiết bị y tế Hoàng Đức còn liên danh với Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 trúng thầu 610,103 tỷ đồng.

Như vậy, cùng với các gói thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia (phê duyệt kết quả LCNT vào tháng 8/2022), Bộ Y tế đã hoàn tất việc LCNT các gói thầu ở cấp quốc gia.

Liên quan đến Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma), doanh nghiệp này có vốn điều lệ 254,6 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Dược Việt Nam sở hữu 9,89% vốn. Cổ đông lớn nhất của Phytopharma là Công ty TNHH Phytopharco, sở hữu 42,53% vốn. Ông Nguyễn Công Chiến, Chủ tịch HĐQT Phytopharma sở hữu 5,18% vốn, cùng 2 cá nhân sở hữu lớn là cổ đông Nguyễn Thiện Đức (13,49%) và Võ Thị Tuấn Anh (10%).

Ngành y tế lên kế hoạch gối đầu

Trong khi chờ công tác đàm phán giá thuốc năm 2021 hoàn tất, ngành y tế đã rục rịch lên kế hoạch gối đầu cho việc đàm phán giá thuốc năm 2023. Theo tìm hiểu, sở y tế các địa phương trên cả nước đang tổ chức xây dựng, tổng hợp, thẩm định nhu cầu sử dụng thuốc thuộc Danh mục đàm phán giá năm 2023.

Trước đó, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã có công văn hướng dẫn việc triển khai. Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2023 dự kiến là 125 thuốc theo Thông tư số 15/2020/TT-BYT và mã ATC do Tổ chức Y tế thế giới công bố. Số lượng thuốc dự trù sử dụng trong 36 tháng (theo 12 quý). Trong đó, công văn đề xuất sử dụng thuốc phải kèm theo cam kết sử dụng tối thiểu 80% số lượng đã lập kế hoạch.

Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có cuộc làm việc với Bộ Y tế. Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, các luật có liên quan, cũng như đề xuất bãi bỏ, sửa đổi các thông tư không còn phù hợp. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, đối với những vấn đề cấp bách cần thực hiện ngay, không thể chờ đến khi sửa luật, nghị định, Bộ Y tế cần báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các nghị quyết chuyên đề.

Chuyên đề