Tổng giá trị tài sản đề nghị mua sắm tập trung tại tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2019 đạt 532,2 tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang |
Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến hết năm 2019, Ban đã nhận được hồ sơ đề nghị mua sắm tập trung của 45 đơn vị với tổng giá trị tài sản đề nghị mua sắm tập trung là 532,2 tỷ đồng, được chia thành 28 gói thầu.
Ban đã tổ chức lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu (HSMT), đăng tải các thông tin về gói thầu theo quy định, thông báo mời thầu rộng rãi trên cả nước. Công tác phát hành HSMT công khai, tiếp nhận hồ sơ dự thầu (HSDT), đóng/mở thầu bảo đảm theo quy định. Đồng thời, tổ chức phân tích, đánh giá HSDT một cách khách quan, minh bạch; thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT), tiến hành ký thỏa thuận khung với các đơn vị trúng thầu.
Tổng giá trị đủ điều kiện mua sắm là 532.175.975.584 đồng. Trong đó, các đơn vị cấp sở, ban ngành, hội đoàn thể là 195.070.490.500 đồng. Mua sắm vật tư y tế tiêu hao là 232.859.325.934 đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo nguồn vốn được giao là 50.406.083.000 đồng. UBND 14 huyện, thành phố là 22.469.799.650 đồng.
Đến ngày 31/12/2019, Ban đã thực hiện tổ chức mua sắm tập trung tổng số 28 gói thầu với tổng giá trị các mặt hàng nhà thầu tham gia dự thầu là 480.203.649.650 đồng (riêng các gói thầu vật tư y tế tiêu hao, mặt hàng nhà thầu không tham gia dự thầu có giá trị hơn 51 tỷ đồng). Tổng giá trị trúng thầu là 463.391.076.020 đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 3,5%.
Việc áp dụng đấu thầu qua mạng khi mua sắm tập trung tại Quảng Ngãi được triển khai đối với 8 gói thầu, tổng giá trị thực hiện là 73,3 tỷ đồng.
Báo cáo đã chỉ ra những vướng mắc, khó khăn khi triển khai mua sắm tập trung tại Quảng Ngãi.
Cụ thể, nhiều đơn vị khi đề nghị mua sắm tập trung đã không gửi kèm dự toán mua sắm, danh mục mua sắm, làm ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt KHLCNT theo quy định. Đặc biệt, trong quá trình tổng hợp, việc lấy ý kiến rà soát, bổ sung thủ tục đối với một số đơn vị mất nhiều thời gian do các đơn vị chậm phản hồi. Cá biệt hơn, một số đơn vị đến tận cuối năm (tháng 10, tháng 11) mới đăng ký mua sắm, thời điểm Ban đã tổ chức đấu thầu, ký thỏa thuận khung nên phải chuyển kế hoạch vốn sang năm 2020 để thực hiện.
Bên cạnh đó, một số đơn vị đăng ký mua sắm nhiều lần, điều chỉnh giảm số lượng mua sắm trong khi Ban đã hoàn thiện tổng hợp, kiểm tra, thẩm định giá theo quy định. Những thay đổi này làm ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt KHLCNT, tổ chức đấu thầu. Thậm chí, có một số trường hợp đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên đơn vị vẫn điều chỉnh nhu cầu. Việc này làm kéo dài thời gian thực hiện mua sắm, tốn kém chi phí thẩm định giá.