LNG là khí thiên niên dạng lỏng ở nhiệt độ âm từ 156 0 C đến âm 166 0 C tùy vào hành phần của khí. Hiện trên thế giới, LNG sử dụng làm nhiên liệu để sản xuất điện năng, đồng thời cũng dùng cho công nghiệp, thương mại và dân dụng.
Việc sử dụng LNG để sản xuất điện thường đi theo chuỗi gọi là chuỗi khí – điện LNG. Chuỗi bao gồm các công trình: cảng nước sâu để nhập khẩu LNG; hệ thống kho, bồn chứa và nhà máy hóa khí LNG còn gọi là Terminal; hệ thống phân phối bằng đường ống hay xe bồn cung cấp khí nhiên liệu cho các nhà máy điện và hộ tiêu hụ khác. Thông thường một terminal có công suất từ 3 triệu tấn LNG trở lên mới đảm bảo hiệu quả đầu tư. Nếu terminal phục vụ cho một trung tâm điện lực thì kèm sau đó cần hệ thống đường dây truyền tải để phân phối, giải tỏa hết công suất các nhà máy điện.
Theo thống kê có được, đến nay có gần 30 dự án điện LNG được đề nghị xem xét với tổng công suất lên đến 50 GW |
Tổng mức đầu tư cho một chuỗi khí - điện có thể lên tới chục tỷ USD. Một chuỗi đầu tư đồ sộ như vậy có thể có nhiều nhà đầu tư tham gia theo từng công đoạn: Nhập khẩu LNG, kho cảng và xử lý hóa khí; phân phối khí và sản xuất điện. Đây là công trình hạ tầng nên cần có những chính sách, cơ chế quản lý và hỗ trợ của nhà nước. Một trong các nội dung nghiên cứu của Quy hoạch năng lượng Quốc gia đang được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng có nội dung về cơ chế chính sách cho việc phát triển hạ tầng LNG và chính sách đảm bảo khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất diện từ LNG có lợi nhuận hợp lý.
Trong giai đoạn thực hiện Quy hoạch điện VII và Điện VII mở rộng việc sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời) và sử dụng LNG cho sản xuất điện chưa được chú trọng. Đến giai đoạn này, khi nguồn thủy điện cơ bản đã được quy hoạch và đưa vào khai thác; nguồn nhiên liệu than, dầu hay khí thiên nhiên khai thác trong nước dần cạn hoặc bị hạn chế sử dụng bởi phát thải gây ô nhiễm mạnh. Việt Nam đang xây dựng Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch Năng lượng quốc gia với xu thế ưu tiên phát triển năng lượng sạch như năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) và LNG.
Theo thống kê có được, đến nay có gần 30 dự án điện LNG được đề nghị xem xét với tổng công suất lên đến 50 GW. Các dự án được đề xuất từ phía địa phương Tỉnh hoặc từ phía các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Vị trí các dự án nằm dọc bờ biển từ bắc vào nam trên cả nước. Do đó vấn đề đầu tiên đặt ra cho công tác quả lý là quy hoạch các Trung tâm khí điện LNG ở đâu, cơ chế chính sách như thế nào để vừa khuyến khích đầu tư phát triển thị trường LNG trong nước, vừa đảm bảo thực hiện chương trình thị trường điện cạnh tranh, tranh tình trạng đầu tư ồ ạt, theo phong trào.
Kiểm điểm việc thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy nguyên nhân chính chậm trễ triển khai dự án, không thực hiện được, phá vỡ quy hoạch chủ yếu do các nguyên nhân chính là:
Chính sách pháp luật chưa đồng bộ, chưa thống nhất; còn chồng chéo từ khâu quy hoạch, chủ trương đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng…. Đặc biệt trong mấy năm gần đây hiện tượng né tránh về thẩm quyền, trách nhiệm ở các cấp khá phổ biến.
Do chính sách ưu đãi hỗ trợ, bảo lãnh chưa rõ ràng nên quá trình đàm phán các điều kiện cam kết, bảo lãnh, các hợp đồng thương mại nên quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài (các dự án điện BOT, Chuỗi khí – điện Cá Voi Xanh, Lô B, …) làm chậm tiến độ hoàn thành dự án.
Khó khăn, thiếu chủ động trong việc vay, huy động vốn đối với các nhà thầu, các chủ đầu tư được chỉ định.
Với những nội dung tổng hợp trên cho thấy, về tính pháp lý, cơ chế chính sách, các điều kiện cam kết bảo lãnh cho việc phát triển thị trường LNG đang được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất trong dự thảo về Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch năng lượng Quốc gia; hy vọng khi được cấp có thẩm quyền thông qua thì các chính sách này sớm đi vào cuộc sống, quy hoạch định ra đạt được mục tiêu và các dự án được đưa vào vận hành đúng tiến độ, có hiệu quả.
Đầu tư chuỗi khí-điện LNG cần vốn đầu tư lớn, yêu cầu công nghệ cao, dịch vụ logistic ở trình độ cao |
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi thấy còn giải pháp không phải mới, song nếu tổ chức làm bài bản, nghiêm túc, công khai, minh bạch sẽ là một biện pháp đảm bảo thành công cho chuỗi dự án khí – điện LNG, đó là công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là một khâu rất quan trọng góp phần nào quyết định thành công của một dự án. Thực tế cho thấy khi ta tổ chức đấu thầu nghiêm túc, chọn được chính xác nhà thầu đủ năng lực theo tiêu chí đề ra thì dự án đó là thành công, cụ thể như đối với một số dự án điện Phú Mỹ 2.2. Phú Mỹ 3 hay Nhiệt điện Nghi Sơn 2, …
Về mặt pháp lý của công tác đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư cho dự án đã có quy định trong Luật đấu thầu hiện hành. Điều 13. của Nghị định 25/2020/ NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư có quy định: “Căn cứ kết quả đánh giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc tổ chức thực hiện đối với trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh ra quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 10 Nghị định này; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng tải danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định này”. Ngoài ra, tại Điều 16 của Nghị định 25/2020/NĐ-CP còn quy định Danh mục dự án phải được công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án; trường hợp có hai nhà đầu tư trở lên quan tâm, việc tổ chức đấu thầu áp dụng quy trình đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ; Nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, đề xuất phương án triển khai dự án khả thi và hiệu quả. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định này. Trường hợp pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa có quy định về phân cấp trách nhiệm khác với Nghị định này thì áp dụng theo quy định của pháp luật đó. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi quản lý của mình ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định này trên cơ sở bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, trong đó bao gồm nội dung về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; mẫu hồ sơ đấu thầu và các nội dung khác (nếu có).
Như vậy, về mặt pháp lý, việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư cho dự án là khá rõ, song trên thực tế một số Bộ, ngành chuyên môn chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi triển khai đã nẩy sinh những bất cập, lúng túng, đặc biệt đối với cấp địa phương.
Gần đây, Thủ tướng đã có chỉ đạo đồng ý bổ sung Trung tâm diện lực LNG Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) giai đoạn 1 và Long Sơn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) giai đoạn 1 vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và giao cho Tỉnh lựa chọn chủ đầu tư cho dự án (văn bản số 479/TTg-CN ngày 23/4/2020). Việc Thủ tướng chỉ đạo lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu là quyết định đúng đắn, đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền và phù hợp với lộ trình thị trường điện và thị trường khí. Đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đối với trường hợp Trung tâm diện lực LNG Long Sơn, Cà Ná, Bộ Công Thương đã chủ động có văn bản ướng dẫn các tỉnh thực hiện (công văn số 4084/BCT-ĐL ngày 08/6/2020) với nội dung đề nghị các tỉnh xem xét tổng thể cả chuỗi dự án khí – điện, hệ thống đấu nối, truyền tải điện đảm bảo sản xuất thống suốt từ A đến Z. Bộ cũng lưu ý các tỉnh cần thực hiện đấu thầu lựa chọn các chủ đầu tư cho dự án và đề nghị xem xét đưa vào đầu bài gọi thầu một số tiêu chí để đánh giăng lực nhà thầu khi xét chọn. Chúng tôi cho rằng ý kiến của Bộ Công Thương là rất sát thực và có tính xây dựng cao, các cơ quan chức năng nên nghiêm túc xem xét, tiếp thu và trong quá trình thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ, thông tin hai chiều giữa các Bộ, ngành và địa phương.
Tóm lại, đầu tư chuỗi khí-điện LNG cần vốn đầu tư lớn, yêu cầu công nghệ cao, dịch vụ logistic ở trình độ cao. Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do đó, để đảm bảo thành công thì cần thực hiện giải pháp đồng bộ từ khâu pháp lý, cơ chế, chính sách khuyến khích; đặc biệt trong đó là khâu đấu thầu chọn chủ đầu tư cho dự án. Yêu cầu lựa chọn Nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu quốc tế, được tổ chức nghiêm túc, công khai và minh bạch; nhà đầu tư được chọn phải đáp ứng các tiêu chí đề ra./.