Một bước nhỏ cho TP.HCM và Đà Nẵng, một bước nhảy vọt cho ngành tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiểu bối cảnh lịch sử là điều cần thiết cho Việt Nam trên con đường xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Từ sự hiểu biết khiêm tốn của mình về lịch sử và các thị trường tài chính toàn cầu, nơi tôi đã tham gia tích cực từ năm 1989, cho phép tôi chia sẻ những gì tôi biết thông qua bài viết nhỏ đến bạn đọc.
Hoàng D. Quân, Chủ tịch Quỹ A+ Một nhà đầu tư lạc quan lâu dài về Việt Nam

Hoàng D. Quân, Chủ tịch Quỹ A+

Một nhà đầu tư lạc quan lâu dài về Việt Nam

30 năm, một dấu mốc mới đang mở ra

Tháng 10 năm 1993, tại New York, trong ngôi nhà của một nhà quản lý quỹ phòng hộ hàng đầu (cũng là sếp của tôi lúc đó), một buổi tiệc đặc biệt đã được tổ chức để tiếp đón người đứng đầu Liên hợp quốc - ông Boutros Boutros-Ghali...

Vào thứ Hai, tại Văn phòng làm việc, chúng tôi được biết rằng, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton quyết định dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Việt Nam.

Đầu óc tôi quay cuồng. Đây là cơ hội để tôi đến Việt Nam và đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Mặc dù năm 1993, Việt Nam thậm chí chưa có ai nói về việc mở thị trường chứng khoán, nhưng điều này đã nằm trong kế hoạch từ góc nhìn của người Mỹ: Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa thị trường của mình.

Là một nhà phân tích quỹ phòng hộ trẻ tuổi, tôi đã sẵn sàng. Tôi muốn "đặt cược tất cả". Do đó, tôi quyết định đến Việt Nam vào tháng 4 năm 1994 để làm việc cho một ngân hàng nước ngoài, phụ trách khối doanh nghiệp.

Sau tròn 30 năm, vào năm 2024, Việt Nam đặt nền móng trở thành một trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng, chúng ta sẽ tiến xa đến vậy. Giờ đây, tôi lại muốn "đặt cược tất cả" một lần nữa. Cho tôi được sống thêm 30 năm nữa ở Việt Nam!

Vậy một trung tâm tài chính quốc tế bao gồm những gì? Đó là gì? Nó hoạt động như thế nào? Và quan trọng hơn, tại sao chúng ta (Việt Nam) cần một trung tâm tài chính quốc tế? Từ sự hiểu biết khiêm tốn của mình về lịch sử và các thị trường tài chính toàn cầu, nơi mà tôi đã tham gia tích cực từ năm 1989, cho phép tôi chia sẻ những gì tôi biết.

Trước tiên, hãy cùng quan sát bối cảnh: tính đến tháng 11 năm 2024, 10 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới xếp theo thứ tự là: New York, London, Singapore, Hồng Kông, San Francisco, Chicago, Los Angeles, Thượng Hải, Thâm Quyến, và Frankfurt. Cùng với đó, thế giới có 10 trung tâm ngân hàng dịch vụ nước ngoài (Offshore banking) hàng đầu là: Hồng Kông, Thụy Sĩ, Belize, Đức, Quần đảo Cayman, Singapore, Panama, Seychelles, Mauritius cùng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tôi tóm tắt một số yếu tố chính trong các Bảng 1-1; 1-2; 1-3; 1-4.

Trung tâm tài chính quốc tế là mô hình không mới, được nhắc đến hơn 40 năm qua. Tuy nhiên, trong dấu mốc Việt Nam quyết định thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM cùng Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, chúng ta nên dành thời gian xem xét bài học kinh nghiệm từ các thị trường như Dubai, Hồng Kông và Singapore. Dubai của UAE là ngôi sao đang lên. Hồng Kông đã được thành lập từ những ngày đầu của thập niên 1970. Singapore, với vị trí gần Việt Nam xét về mặt xuất phát điểm rất thấp, theo tôi là một trường hợp điển hình, đáng học hỏi.

Bảng 1-1

Bảng 1-1

Một cách đơn giản để đo lường quy mô và sức hấp dẫn của trung tâm tài chính quốc tế là nhìn vào tổng tài sản quản lý (AUM), số lượng công ty quản lý tài sản (công ty quản lý quỹ) được cấp phép hoạt động và tổng tài sản các ngân hàng trong nước, cũng như vốn hóa thị trường chứng khoán của quốc gia đó.

Hầu hết mọi người đều cho rằng, điểm nổi bật của Singapore trên “sân khấu” tài chính toàn cầu, vượt qua Hồng Kông để trở thành vị trí thứ 3, không phải nhờ những thay đổi trong chính sách hoặc quy định gần đây.

Để xem xét mong muốn của Singapore trong việc mở rộng sự hiện diện trên “sân khấu” tài chính thế giới, chúng ta phải quay lại với vị trí xuất phát của quốc gia này. Một quốc gia nhỏ bé với rất ít tài nguyên, hơn 90% dân số không sở hữu bất động sản và họ thuộc nhiều nhóm dân tộc bản địa khác nhau. Người Ấn Độ, người Trung Quốc, người Malaysia... là các nhóm chính.

Ngay từ năm 1968, các nhà lãnh đạo Singapore (đặc biệt là Lý Quang Diệu) đã có tầm nhìn về một quốc gia thịnh vượng hơn, họ cho phép luồng vốn xuyên biên giới bằng cách để các ngân hàng nước ngoài hoạt động như một đơn vị ngân hàng nước ngoài tại Singapore (Offshore banking), được gọi là Asian Currency Unit - đơn vị tiền tệ châu Á (còn được biết đến với tên Asian Dollar Market (thị trường đô la châu Á) đối với các nhà kinh doanh giao dịch FX).

Bước đi thông minh thứ hai của Singapore là loại bỏ thuế khấu lưu đối với lãi suất trả cho người không cư trú. Và Hồng Kông không muốn đứng yên và nhìn nước láng giềng của mình chiếm lĩnh thị trường, đã làm theo và đạt được động lực lớn hơn sau năm 1978 khi chính quyền dỡ bỏ lệnh tạm ngừng cấp giấy phép ngân hàng mới.

Tokyo được hầu hết mọi người cho là thị trường tiên tiến hơn, nhưng thực tế Nhật Bản mới thiết lập trung tâm tài chính vào năm 1986 với việc thành lập Thị trường Japan Offshore Market. Những chủ thể đến sau “buổi tiệc” còn có Đài Loan và Thái Lan.

Hiểu bối cảnh lịch sử là điều cần thiết cho Việt Nam trên con đường sắp tới, xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Câu chuyện về Singapore không chỉ gói gọn trong việc mở cửa các ngân hàng ngoài khơi (offshore banking) và thị trường đô la châu Á. Quá trình chuẩn bị để Singapore vươn lên trên thị trường tài chính toàn cầu đã bắt đầu từ năm 1968, như đã đề cập. Cụ thể, nhiều quy định bãi bỏ và tự do hóa thị trường đã tạo điều kiện cho sự tăng trưởng vượt bậc của nền tài chính Singapore trong vài thập kỷ qua. Theo tôi, có 6 bước bãi bỏ quan trọng:

1. Tháng 9/1970: Cho phép các ngân hàng nước ngoài hoạt động;

2. Tháng 7/1972: Bãi bỏ hệ thống cartel trong việc cố định tỷ giá hối đoái;

3. Tháng 7/1973: Thả nổi đồng đô la Singapore;

4. Tháng 7/1975: Bãi bỏ hệ thống cartel về tỷ giá;

5. Tháng 6/1978: Tự do hóa hoàn toàn kiểm soát ngoại hối;

6. Tháng 3/1987: Mở cửa ngành môi giới chứng khoán cho các ngân hàng bản địa và tổ chức tài chính nước ngoài.

Tóm lược thành công của Singapore, hầu hết các nhà sử học thị trường và những người yêu thích tài chính như tôi đồng tình rằng, có 3 dấu mốc/trụ cột chính, đó là: thị trường đô la châu Á, thị trường ngoại hối vượt qua Tokyo và thành lập Sàn Giao dịch tiền tệ quốc tế Singapore (SIMEX).

Bảng 1-2

Bảng 1-2

SIMEX là thị trường phái sinh quốc tế thực sự duy nhất của châu Á. Đương nhiên, còn có những thị trường khác như Sàn Giao dịch tương lai Sydney (SFE), Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE), Sở Giao dịch chứng khoán Osaka (OSE), và Sở Giao dịch tương lai Hồng Kông (HKFE).

Về Hồng Kông, thị trường tài chính Hồng Kông từng đứng thứ 3 cho đến khi bị Singapore thay thế vị trí này. Trung tâm Tài chính quốc tế Hồng Kông có hơn 277.000 người trong lĩnh vực tài chính, chiếm 7,6% dân số. Các dịch vụ tài chính đóng góp hơn 28% GDP (2021). Ba phần tư trong số 100 tổ chức tài chính hàng đầu thế giới hoạt động tại Hồng Kông. Hai phần ba đầu tư của Trung Quốc đều thông qua Hồng Kông. Hồng Kông có hơn 2.000 công ty quản lý tài sản (quản lý quỹ) với tổng tài sản quản lý (AUM) khoảng 4,5 nghìn tỷ USD. Thành công của Hồng Kông có thể được tóm tắt ở vai trò cửa ngõ vào Trung Quốc cùng hệ thống quy định hiệu quả và minh bạch.

Một số đề xuất cho Việt Nam

Với Việt Nam, Dubai là một ví dụ gần hơn trong tương quan quy mô thị trường cũng như lịch sử phát triển. Dubai thành lập trung tâm tài chính như một đặc khu kinh tế, rộng 110 ha vào năm 2004. Trung tâm tài chính quốc tế Dubai (DIFC) có 20 năm hoạt động cho các thị trường ở Trung Đông, châu Phi và Nam Á, bao gồm 72 quốc gia với tổng GDP 8 nghìn tỷ USD.

Chiến lược của Dubai rất đơn giản. Thúc đẩy tương lai của ngành tài chính thông qua công nghệ tiên tiến, đổi mới và hợp tác. Tầm nhìn của DIFC là "Thúc đẩy tương lai của tài chính". Rất trực tiếp và bao quát.

Sứ mệnh của DIFC được thể hiện rõ ràng: "Phát triển trung tâm tài chính tiên tiến nhất thế giới, củng cố danh tiếng hiện có của Dubai như một điểm đến kinh doanh hàng đầu, định hình ngành tài chính trong khu vực MEASA và tạo giá trị cho các công ty bằng cách cung cấp môi trường tốt nhất để tăng trưởng nhanh chóng".

Bảng 1-3

Bảng 1-3

Thị trường tài chính Dubai thành lập năm 2000 như dấu mốc tại Việt Nam, hiện có gần 200 công ty niêm yết với tổng vốn hóa thị trường là 187 tỷ USD. So sánh với sàn giao dịch chính của Việt Nam có khoảng 402 công ty niêm yết và vốn hóa thị trường đạt khoảng 215 tỷ USD.

Với Việt Nam, quyết tâm xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM là một bước đi chiến lược khi nước ta hội nhập với thế giới và khẳng định mình như một điểm đến chính thống về đầu tư và đổi mới trong tài chính, cùng nhiều lĩnh vực khác ở Đông Nam Á, nơi có tổng GDP của thị trường đạt 3,6 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, Singapore và Hồng Kông định vị là người chơi toàn cầu, riêng GDP tổng thể của châu Á đạt 42 nghìn tỷ USD. Việt Nam tập trung cho thị trường ở Đông Nam Á như một người chơi khu vực đã là một bước tiến đáng kể, vươn tới thị trường lớn hơn 8 lần GDP của quốc gia (đạt 430 tỷ USD vào năm 2023).

Chúng ta bắt đầu muộn hơn nhưng vì thế có thể học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường đi trước, như Tokyo, Bangkok, Hồng Kông, Singapore và Dubai. Theo tôi, Dubai vẫn đang trên con đường khẳng định thành công và chưa hoàn toàn được chứng minh. Nhưng Singapore là câu chuyện thành công mà từ đó chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học. Nếu tôi được góp ý cho chiến lược phát triển tài chính của Việt Nam, tôi sẽ đề xuất các điểm sau:

1. Mở rộng giáo dục tiếng Anh bắt buộc từ cấp tiểu học (ngôn ngữ cũ, nhưng vẫn quan trọng);

2. Mở rộng giáo dục công nghệ thông tin (IT) bắt buộc (ngôn ngữ của tương lai);

3. Xem xét xây dựng “Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Mekong Futures Market” (bao gồm các nước Mekong như Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam);

4. Tăng trưởng mạnh mẽ thị trường chứng khoán nội địa (tập trung vào khả năng tiếp cận dễ dàng như Dubai, mã giao dịch trong ngày cho nhà đầu tư nước ngoài, tất cả KYC trực tuyến);

5. Xem xét xây dựng “Sàn giao dịch chứng khoán cao cấp Mekong” với Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia (cho những công ty vốn hóa lớn thị trường ước đạt khoảng 220 tỷ USD và tăng trưởng nhanh chóng);

6. Tạo ra “Sàn giao dịch kỹ thuật số” (tài sản kỹ thuật số và blockchain). Thị trường tương lai và hàng hóa như SIMEX của Singapore thuộc về quá khứ. Tương lai nằm ở số hóa tài sản và mã hóa;

7. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật số tốt nhất Đông Nam Á (như trung tâm dữ liệu hỗ trợ sự thay đổi lớn trong xu hướng toàn cầu);

8. Xem xét miễn thuế thu nhập từ vốn và có thể áp dụng môi trường thuế thân thiện hơn. Ví dụ, thuế doanh nghiệp ở mức 15%, đưa Việt Nam thành nhà lãnh đạo về thuế trong ASEAN. Vốn sẽ tìm đến nơi có lợi nhuận tốt nhất.

9. Thay đổi múi giờ của Việt Nam.

Tôi tin, tương lai chính là đây. Trung tâm dữ liệu sẽ là bất động sản mới. Khi chúng ta phát triển và lượng dữ liệu tăng lên ngày càng nhiều, hạ tầng kỹ thuật số sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh. Như đã đề cập trong bảng 1-3, Việt Nam có thể vươn lên trước Thái Lan và Indonesia như là một đối thủ hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp trung tâm dữ liệu dành cho khu vực Đông Nam Á. Chúng ta có những điều kiện thuận lợi để tận dụng xu hướng toàn cầu này.

Tôi vẫn muốn nêu lên đề xuất gây tranh cãi nhất của mình một lần nữa, đó là thay đổi múi giờ của Việt Nam sang GMT+8, đặt chúng ta cùng múi giờ với Thượng Hải, Đài Bắc, Thẩm Quyến, Manila, Kuala Lumpur, Hồng Kông và Singapore. Tất cả các thị trường chính trong khu vực này đều ở GMT+8.

Chỉ có Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam là đang ở múi giờ GMT+7. Philippines đã chuyển sang GMT+8, cũng như Singapore và toàn bộ Trung Quốc. Hãy nhìn vào bản đồ múi giờ, hầu hết mọi người không biết rằng, các quốc gia có thể thiết lập và yêu cầu thay đổi múi giờ của mình. Chính thay đổi nhỏ này sẽ đặt Việt Nam vào trung tâm các thị trường quốc tế. Tôi tin rằng, điều này sẽ làm thay đổi quá trình tham gia thị trường tài chính quốc tế của Việt Nam một cách toàn diện. Mặc dù các thị trường hiện nay đã được số hóa và dù AI tạo sinh sẽ dẫn chúng ta đến đâu, con người vẫn có nhu cầu kết nối xã hội và cộng đồng. Việc các thị trường mở cửa cùng một múi giờ sẽ vô cùng quan trọng, theo quan điểm khiêm nhường của tôi.

Bảng 1-4

Bảng 1-4

Thành công của Singapore là khả năng giao tiếp trong các thị trường quốc tế. Hơn nữa, đừng quên chế độ thuế. Khi mở cửa với thị trường quốc tế, chúng ta đang cạnh tranh với Qatar với thuế doanh nghiệp 10%, UAE với 9% hoặc Bahrain với 0% thuế doanh nghiệp (xem bảng). Việt Nam đang ở mức thuế 20% và nếu chúng ta chuyển sang mức 15% ngang mức đề xuất của chính quyền Trump 2.0 cho nước Mỹ, tôi tin rằng sự thịnh vượng của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng cao. Thêm vào đó, hầu hết các trung tâm ngân hàng ngoài khơi (offshore banking) hàng đầu đều có mức thuế bằng 0 cho thu nhập ngoài lãnh thổ.

Thuế rất quan trọng. Hạ tầng dữ liệu rất quan trọng. Ngôn ngữ (tiếng Anh hoặc ngôn ngữ công nghệ) rất quan trọng. Lực lượng lao động cũng rất quan trọng, ngay cả khi đã có AI và robot. Quy tắc và quy định rất quan trọng. Tính rõ ràng và minh bạch của luật lệ là chìa khóa dẫn đến thành công của Hồng Kông, Singapore và nay là Dubai/UAE trong việc thu hút hàng nghìn tỷ USD đầu tư gián tiếp.

Kết lại, tôi có niềm tin mạnh mẽ vào quyết sách của Việt Nam khi bắt tay xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Nhìn vào Dubai/UAE và Singapore như những ví dụ, rõ ràng về lợi ích kinh tế to lớn trong việc xây dựng thị trường để tăng khả năng thu hút nguồn lực đầu tư toàn cầu.

Quản lý quỹ, các nhà quản lý tài sản, dịch vụ tài chính và hạ tầng kỹ thuật số chính là chìa khoá. Tôi tin Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trong 10-20 năm tới. Và tôi chờ đợi nhà làm chính sách sẽ có những sáng kiến để tạo môi trường thuận lợi cho tài chính quốc tế chọn Việt Nam.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề