Mở rộng kênh gọi vốn hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về “0”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 là đường đi chiến lược đưa đất nước phát triển bền vững. Hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần một nguồn lực khổng lồ, trong đó có nguồn lực tài chính. Theo đó, mở rộng không gian gọi vốn là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt cho doanh nghiệp muốn đầu tư cho phát triển xanh hiện nay.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Internet
Lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường, việc hiện thực hóa cam kết tại COP 26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Việc triển khai kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.

Ông Tấn cho rằng, việc hiện thực hóa cam kết này có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu, trong đó có thách thức về nguồn lực tài chính. Bởi, theo tính toán, riêng chuyển đổi công nghệ, Việt Nam cần đầu tư thêm ít nhất 400 tỷ USD từ nay tới năm 2050 (theo giá năm 2020); nếu quy hoạch điện 8 được phê duyệt thì 10 năm tới cần nhiều tỷ USD để thực hiện quy hoạch, góp phần hiện thực hóa cam kết.

Từ phía doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings– đơn vị Việt Nam được Tổ chức trái phiếu khí hậu quốc tế ủy quyền xác nhận trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế cũng khẳng định, Việt Nam cần nguồn lực tài chính lớn để thực hiện mục tiêu này.

Song nhìn vào “sức khỏe” của DN trong nước, ông Thuân nhận xét, sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 cùng với những diễn biến bất lợi của tình hình giá cả leo thang, nhiều DN khó khăn về nguồn vốn. Dự báo về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, triển vọng tăng trưởng rất tích cực kéo nhu cầu vốn cho phát triển của nhiều ngành kinh tế rất lớn. Tuy vậy, thực tế nguồn vốn từ phía ngân hàng lãi suất cho vay rất cao. Điều này đặt tiến trình chuyển đổi xanh của DN Việt Nam nhằm hiện thực hóa cam kết cũng gặp thách thức rất lớn.

Gợi mở về kênh tiếp cận vốn cho DN phát triển xanh, ông Thuân cho hay, ngoài kênh vốn truyền thống là ngân hàng thì DN có thể tiếp cận được các nguồn vốn khác nhau thông qua trái phiếu xanh.

Theo đại diện FiinRatings, trên thế giới, xu hướng dòng vốn trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới và hiện đang tăng trưởng mạnh. Hiện tại, một số DN Việt Nam đã tham gia chương trình trái phiếu xanh quốc tế.

“Hy vọng rằng, thời gian tới, nhiều DN trong nước sẽ chớp được cơ hội này để gọi vốn đầu tư thúc đẩy tăng trưởng xanh”, ông Thuân bày tỏ.

Đề cập về cơ hội tiếp cận trái phiếu xanh quốc tế, ông Thuân chia sẻ, hiện có nhiều chương trình với tiêu chí và chuẩn mực riêng. DN cần tìm kiếm chương trình phù hợp và xác nhận trái phiếu xanh với chi phí không lớn.

Thông tin về điều kiện để DN tiếp cận thị trường vốn này, chuyên gia khuyến nghị DN xem xét kỹ ngành nghề hoạt động có thuộc phân ngành đáp ứng tiêu chí xanh theo chuẩn quốc tế hay chưa.

Còn tại Việt Nam, hiện Chính phủ Việt Nam, đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình xây dựng nhằm ban hành tiêu chí xanh cho Việt Nam với các tiêu chí và chính sách hỗ trợ cụ thể. DN cần theo dõi và đón chờ các chính sách mới được triển khai và tối đa hóa lợi ích từ chương trình này.

Để tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng nhằm phát triển xanh, tại Hội thảo Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng “0”: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp ngày 11/10/2022, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng chuyên ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng cũng thực hiện nhiều giải pháp để hướng tới phát triển xanh. Tuy nhiên, việc cấp tín dụng xanh còn gặp một số khó khăn cho chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh giai đoạn tới. Về quản lý rủi ro, cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, khó khăn cho cán bộ trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của ngân hàng…

Định hướng chính sách tín dụng cho phát triển xanh thời gian tới, bà Tùng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng xanh với việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh. Đồng thời, có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh…

Chuyên đề