TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng. Ảnh: Đinh Tuấn |
Tuy nhiên, dù triển khai theo hình thức nào, minh bạch, cạnh tranh và tạo sân chơi cho càng nhiều nhà đầu tư nhập cuộc mới là yếu tố tạo nên thành công thực sự cho TP.HCM.
Quyết liệt sắp xếp lại đất công
Khi báo cáo trước HĐND TP.HCM, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng nhận định, Thành phố sẽ thiếu khoảng 200.000 tỷ đồng để thực hiện 7 chương trình đột phá trong 5 năm tới. Theo Sở Tài chính TP.HCM, trong thời gian tới sẽ sắp xếp lại quỹ đất dôi dư để làm nguồn cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao). Chỉ có triển khai các dự án hạ tầng theo hình thức PPP mới có thể giải được bài toán vốn cho 7 chương trình đột phá. Đây được coi là hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”, vì nhà đầu tư sẽ bỏ vốn ra xây dựng công trình cho Thành phố, đổi lại họ sẽ được giao đất để thực hiện các dự án.
Theo Ban Chỉ đạo 09 - Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM, Sở Tài chính đã đề xuất rà soát, sắp xếp các địa chỉ nhà đất để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ bán chỉ định và bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản theo các phương án đã được phê duyệt với 1.033 mặt bằng nhà đất trên địa bàn (khối Thành phố 245 mặt bằng, khối quận huyện 788 mặt bằng).
Mặt khác, trên địa bàn Thành phố hiện có 12 địa chỉ nhà đất chưa thu hồi, chiếm tổng diện tích hơn 49.000 m² như Văn phòng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Cao su Bến Thành, Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn, một phần diện tích Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Công trình giao thông 60 của Bộ GTVT. Đây đều là những khu đất vàng, giá trị thị trường rất lớn... Bên cạnh đó, tại các huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn, qua rà soát đã cho thấy có tới 263 địa chỉ nhà đất cần rà soát lại. Sở Tài chính TP.HCM cho biết, đơn vị này cùng với Ban chỉ đạo 09 đã chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND các quận, huyện và các sở, ngành có liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát các mặt bằng nhà đất dôi dư do đơn vị bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả qua quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Không chỉ vậy, Ban Chỉ đạo 09 của TP.HCM còn phối hợp với Ban Chỉ đạo 09 của Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra đối với nhà đất thuộc khối Trung ương trên địa bàn Thành phố; đề xuất xử lý trình Bộ Tài chính, UBND TP.HCM các vấn đề vướng mắc và các trường hợp phát sinh trong quá trình thực hiện xử lý.
Minh bạch là yếu tố hàng đầu
Tuy nhiên, các chuyên gia đều lưu ý, vấn đề then chốt khi ký hợp đồng BT giữa chính quyền với nhà đầu tư là năng lực tài chính của chủ đầu tư đến đâu, đồng thời giá trị đất được định giá như thế nào, và cơ chế giao dự án là cơ chế xin - cho hay đấu thầu? Qua số liệu thống kê cho thấy, các dự án BT thời gian qua tại TP.HCM đều được xin cơ chế đặc thù - chỉ định thầu.
Cục Quản lý đấu thầu cho biết, hồ sơ xin cơ chế chỉ định thầu của các dự án PPP hiện nay quá nhiều. “Dự án nào cũng xin cơ chế đặc thù, không thông qua đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư. Nếu không thông qua đấu thầu, những con số, hiệu quả đầu tư, hiệu quả xã hội của dự án sẽ không có tương quan so sánh, không có sự cạnh tranh”, đại diện Cục Quản lý đấu thầu quan ngại. Quan ngại của các chuyên gia hoàn toàn có cơ sở khi mỗi dự án với hình thức hợp đồng BT chỉ giao cho một chủ đầu tư nên giá trị đất đó không biết là định giá như thế nào, đồng thời chủ đầu tư ít bị ràng buộc với tính khả thi của dự án.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia nhân định, những lô đất vàng nếu được tổ chức đấu giá công khai, minh bạch, giá trị đem lại là rất lớn. “Kể cả các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng, hay đấu giá quyền sử dụng đất, nếu tiến hành công khai, minh bạch, thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm thì giá trị khai thác cho TP.HCM là rất lớn”, TS. Trần Du Lịch nhận định.