Matsunaga rất thích và dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu văn hóa Việt
Đã một tuần Hà Nội lạnh, trời hôm đó càng lạnh, nhưng những gánh hoa tươi vẫn rực rỡ, tất bật trong làn gió buốt trên phố, Matsunaga rất ấn tượng về cách bài trí những lọ hoa ở nơi trang trọng trong mỗi căn nhà của người Hà Nội vào ba ngày Tết…
Ấm cúng ngõ nhỏ…
Chúng tôi nhâm nhi chút bia với từng miếng chả nóng rẫy, được “quạt” rất khéo bởi một bà cụ, người có đến gần chục năm kinh nghiệm trong việc ướp gia vị, nướng những miếng thịt lợn sao cho vàng đều, đủ chín mềm, nhưng không khô… thành món khoái khẩu của không chỉ người Hà Nội, mà còn chiếm được cảm tình của rất nhiều người nước ngoài khi đến với Việt Nam.
Tôi muốn nghe từ Matsunaga về văn hóa ẩm thực Nhật Bản, Matsunaga miêu tả về Tonkotsu Ramen, thứ mì nổi tiếng đã trở thành thương hiệu của thành phố Fukuoka-shi, tỉnh Fukuoka, quê hương anh. Cùng với nhiều quán mì nhỏ lưu động trên những chiếc xe gỗ, Ramen trong quán Hakata Issou ở phía Đông của ga Hakata rất ngon. Điểm nổi bật của Ramen là được chan trong nước hầm từ xương lợn, thứ nước trong không béo, ngọt và gần giống như nước phở ở Việt Nam. Mì Ramen được chế biến từ loại bột đặc trưng và theo bí quyết riêng của từng quán, nhưng có điểm chung là sợi nhỏ dẹt, dai. Đặc biệt, trong bát mì luôn có thịt lợn thái lát, có thể ăn Ramen thêm với cá khô, salad khoai tây… và nếu rảnh rỗi có thể nhấm nháp chút rượu Shoyu nồng, thanh.
Bên cạnh đó, Matsunaga còn kể về món cơm trắng ăn kèm thịt lợn nướng gừng, cải bắp hay dưa muối với tên gọi Buta no Shouyaki. Đây là món đơn giản nhưng rất được ưa chuộng trong những bữa cơm thường ngày, hay ở các công sở tại Fukuoka và nhiều thành phố khác của Nhật. Shouga trong tiếng Nhật có nghĩa là gừng và yaki là món nướng hoặc rán. Tôi nghĩ, nó tương tự như món cơm tấm thịt heo nướng ở Sài Gòn. Để chế biến Shouyaki, bao giờ cũng có gừng, nước tương, rượu mirin… và thịt thăn heo.
Matsunaga nhắc đến những món ăn trên một cách say mê nhưng hơi trầm lắng, có lẽ vì anh nhớ đến hơi ấm trong gian bếp của mẹ. Mẹ vẫn coi anh như đứa trẻ học Trường Trung học Kasuga ngày nào, vội vào bếp tìm lục đồ ăn. Mẹ Matsunaga nấu ăn rất ngon, vì bà là đầu bếp của một trường tiểu học tại Fukuoka.
Matsunaga thi đỗ vào Bộ Ngoại giao Nhật Bản năm 2013, sau đó anh được điều đến làm việc tại Việt Nam. Trong hai năm, anh ở cùng với một gia đình người Việt trên phố Tạ Quang Bửu, cần mẫn học tiếng Việt tại Trường Đại học Bách Khoa. Thời gian đó, gia đình anh ở cùng thường về Hòa Bình chơi và mang lên Hà Nội rất nhiều thịt lợn. Họ chế biến thành các món luộc, rán với hành… mời anh ăn cùng trong bữa cơm.
Tôi hỏi và Matsunaga không biết về lợn cắp nách, dù đã đi công tác ở một số tỉnh vùng cao phía Bắc. Tôi tả chi tiết để Matsunaga hình dung về những chú lợn nhỏ, thường được cắp vào nách hay nhét vào chiếc rọ tre buộc lủng lẳng trên yên xe của những cô gái, chàng trai người Mèo trên đường đến phiên chợ… Matsunaga ngạc nhiên và khẳng định sẽ tìm hiểu kỹ về nó, vào dịp công tác gần nhất lên đó.
Matsunaga hào hứng thông tin với tôi món Ramen đã có mặt ở Hà Nội từ mấy năm nay, một số quán nổi tiếng của Fukuoka đã nhanh nhạy tìm ra thị trường kinh doanh tiềm năng mới. Sẽ rất thú vị nếu thưởng thức món Ramen đó, khi chịu khó tìm nó ở một địa chỉ trên phố Hàng Cháo, bởi nó được chế biến từ chính đầu bếp từng là người nấu ăn cho Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.
Bên cạnh đó Takami tiết lộ, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay, ngài Umeda Kunio rất mê bún chả. Ông thường dùng nó làm món chính để đãi các quan khách tại Nhật khi sang Việt Nam, trong những bữa cơm thân mật được tổ chức tại nhà riêng của Đại sứ. Matsunaga khen bún chả, nem Việt Nam ngon và rất rẻ, chỉ khoảng 25 nghìn đồng một suất… và anh cùng đồng nghiệp hay thưởng thức nó ở một số quán trên đường Vạn Bảo.
Đến những con đường lớn
Sau bữa trưa, Matsunaga và tôi cùng nhau nhâm nhi cacao nóng và lơ đãng theo tiếng nhạc êm đềm trong một quán cà phê phía làng hoa Ngọc Hà. Matsunaga đã 5 năm ở Việt Nam và sẽ kết thúc nhiệm kỳ công tác của mình vào năm 2020.
Trong 3 lần “ăn” tết tại Việt Nam, nhớ lại giao thừa năm 2014 khi đang ở cùng gia đình người Việt, Matsunaga đã đi Công viên Thống Nhất xem bắn pháo hoa; đi chợ hoa Nghi Tàm vào một sáng tinh sương, sau ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời. Matsunaga thích sự nhẹ nhàng của những cánh hoa layơn, màu trắng của bông loa kèn và những cây quất đơm quả sum suê…
Đặc biệt, anh cũng cảm nhận rõ sự đối lập giữa cái vắng lặng của đường phố Hà Nội sáng mùng một Tết với không khí nhộp nhịp trong khói hương ở chùa Vạn Niên trên khu hồ Tây. Ở Nhật, người dân chỉ đi chùa đông nhất vào dịp Tết dương lịch. Họ đến chùa như nhiều người Việt, để cầu mong sự bình yên đến với bản thân và người nhà trong năm mới.
Matsunaga khoe, cũng từng thưởng thức Tết ấm áp ở miền Nam, anh đi Cần Thơ và ngắm cái rộn rã của những đứa trẻ, khi chúng líu ríu quanh người lớn xem gói thứ bánh tròn, dài… khác hẳn với bánh chưng vuông miền Bắc. Anh thú vị khi nghe tiếng xèo xèo và thích ăn bánh chưng khi được rán trên chảo mỡ, chấm với xì dầu kèm vị chua giòn của su hào muối. Anh cũng ấn tượng với bát canh măng hầm chân giò lợn, đĩa xôi trắng…
Matsunaga, chàng trai nhỏ nhắn sinh năm 1986 thường gặp tôi và tâm sự những chuyện rất giản dị, ít liên quan đến những điều “quan trọng”, dù Nhật Bản đang là một trong hai nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với gần 4.000 dự án. Ở vị trí Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, phụ trách công tác chính trị, ngoài công việc, Matsunaga dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu văn hóa Việt. Anh từng chia sẻ, mình rất thích văn hóa cũng như con người Việt Nam.
Khi tôi trêu Matsunaga: “Có người yêu chưa, anh sẽ giới thiệu một cô gái người Việt Nam”, anh mỉm cười và cho biết bạn gái mình cũng là người Nhật, đang làm việc tại một doanh nghiệp Nhật Bản ở Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp. Có lẽ Matsunaga chưa đủ duyên với một cô gái Việt Nam, nhưng tôi tin hai bạn trẻ người Nhật sẽ luôn yêu Việt Nam. Hy vọng họ sẽ có thêm nhiều cái Tết ở đất nước Việt Nam tươi đẹp, hiếu khách.
Khi về nước, chắc hẳn Matsunaga sẽ có nhiều câu chuyện về những điều giản dị ở Việt Nam để tâm sự với bạn bè. Có lẽ, để có thể cùng với nhiều tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản tạo ra “Con đường lớn trong quan hệ tốt đẹp với Việt Nam”, Matsunaga đã bắt đầu với những điều rất mộc mạc, với một gia đình nhỏ ở Việt Nam… như vậy.