Ảnh minh họa |
Ứng dụng mạng xã hội là xu thế tất yếu
Theo thống kê đến tháng 4 năm nay, Việt Nam có khoảng 38 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó 94% thường xuyên truy cập thông qua các thiết bị di động. Thông tin từ Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến VOMF 2017 hồi tháng 8 năm nay cũng cho thấy có đến 46% DN có dùng mạng xã hội để quảng cáo và đạt hiệu quả cao.
Khảo sát từ mạng xã hội hàng đầu thế giới là Facebook cũng cho thấy, có 53 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook tích cực hằng tháng. Trong khi đó cách đây 3 năm, con số này mới là 23 triệu. Tỉ lệ người Việt Nam từng mua bán qua Facebook hay liên kết với trang bán hàng của một DN nào đó cũng đạt mức rất cao ở châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong khi đó, theo những nghiên cứu mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khó khăn lớn nhất của khu vực kinh tế tư nhân trong nước nằm ở đầu ra, tức khâu tìm kiếm khách hàng. Khách hàng chính của các DN tư nhân trong nước hiện nay chủ yếu là cá nhân hay các DN tư nhân khác. Và mới chỉ có khoảng 10% DN tiếp cận được khách hàng ngoại.
Theo VCCI, cũng chỉ có 21% DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này khiến các DN vừa và nhỏ (SMEs) ít có khả năng hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI thông qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất lao động.
Các thống kê và nghiên cứu độc lập trên đây dường như mở ra một gợi ý cho thấy mạng xã hội có thể trở thành một trong những lối ra khả thi để SMEs có thể “lội ngược dòng”, gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu như marketing, phân phối và dịch vụ sau bán hàng.
Lớn lên cùng mạng xã hội
Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, câu chuyện cạnh tranh khốc liệt giữa mô hình kinh doanh taxi truyền thống và taxi ứng dụng công nghệ dựa trên nền tảng của kinh tế chia sẻ là bằng chứng cho thấy đã đến lúc không thể đảo ngược bánh xe lịch sử của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Và mạng xã hội cũng là một thành tố tất yếu của cuộc cách mạng ấy.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế TPHCM) thì nhận xét những người khởi nghiệp trẻ Việt Nam hiện vẫn còn khá lúng túng về cách thức khởi sự mô hình kinh doanh trên mạng xã hội. Tuy nhiên, “nếu DN muốn làm ăn lâu dài và bắt kịp xu hướng thời đại thì sử dụng công cụ mạng xã hội là không thể tránh khỏi”.
Nếu như trước đây, để có được bản báo cáo thị trường về một dòng sản phẩm hoặc một xu hướng tiêu dùng nào đó, DN thường phải thuê các nhà phân tích độc lập thực hiện với chi phí có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngày nay, với nhiều công cụ phân tích, khảo sát chi phí thấp trên các trang mạng xã hội, các DN có thể dễ dàng nắm bắt thông tin về sản phẩm, đối tượng khách hàng, thị hiếu tiêu dùng…
Tất nhiên, việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá và xúc tiến kinh doanh cũng cần được chăm chút hơn vì tốc độ lan truyền thông tin qua kênh này nhanh gấp nhiều lần so với các phương tiện truyền thông khác. Vì vậy, những bất cập hoặc phản ứng tiêu cực cũng có thể được nhân rộng trong tích tắc. Bởi thế, thực tế là nhiều DN có trang riêng trên các mạng xã hội khá bối rối khi gặp phản hồi thiếu tích cực từ cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Nữ Hoàng Khanh của Công ty TNHH Viviane - nhà sản xuất quần áo “phất lên” một phần nhờ định hướng kinh doanh online: “Đây chỉ là những thông tin tham khảo, không nên được xem là thước đo hiệu quả kinh doanh. Bởi chỉ có doanh thu và tỉ suất lợi nhuận mang lại từ đây mới là điều DN cần quan tâm nhất”.
Đương nhiên, mỗi DN đều cần tự xác định cho mình phương thức kinh doanh thuận lợi và phù hợp với mạng xã hội. Ví dụ, nếu muốn tham gia chuỗi giá trị ở thị trường Bắc Mỹ bắt đầu từ khâu tiếp thị trở đi thì trang Twitter có thể là lựa chọn lợi hại nhất chứ không phải là Facebook. Ngoài ra, với các DN khởi động mô hình kinh doanh trên mạng xã hội thì bảo vệ sở hữu trí tuệ nên là mối quan tâm hàng đầu.