Chỉ vài tuần trước, xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) bất ngờ trở thành thị trường “sốt nóng” khi tình trạng dân tình đổ xô đến xem đất. Thông tin môi giới kiếm tiền tỷ chỉ sau vài thương vụ chuyển nhượng được lan truyền trong giới đầu tư. Mặt bằng giá cả cũng gia tăng nhanh chóng.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi chính quyền chính thức vào cuộc, các chiêu trò môi giới được cảnh báo, thị trường bất động sản đã quay trở lại trạng thái “án binh bất động”.
Hàng trăm nhà đầu tư đổ về săn đất Đồng Trúc thời gian vừa qua
Thực tế, người giàu lên một ngày, kẻ bỗng rơi vào tình trạng trắng vốn là điều dễ thường thấy trong nhiều cơn sốt đất.
Đổi đời nhờ "sốt" đất
Đến bây giờ, ông Lê Duẩn (45 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) vẫn tự nhận mình là người may mắn. Hiện tại, ông đang sở hữu 3 ngôi nhà cho thuê ở Hà Nội, 4 mảnh đất cắm dùi rải rác ở các quận, huyện và một mảnh đất tại Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bà Rịa – Vũng Tàu. Giới môi giới vẫn thường gọi ông là “thánh lướt sóng”. Những tài sản mà ông kiếm được đều đến từ khoản lời qua các đợt lướt sóng lớn.
Thực tế có nhiều người giàu trở thành đại gia nhờ BĐS nhưng cũng không ít nhà đầu tư "tán gia, bại sản" cũng vì đất.
Với khoản tiền lời, “thánh lướt sóng” cũng bỏ vốn vào một số thương vụ lớn khi ở Hà Nội, Vân Đồn (Quảng Ninh) và Bà Rịa – Vũng Tàu ngay khi có tin tốt. “Thị trường ở thời điểm xuất hiện tin tốt, đó là lúc nhà đầu tư cần phải nhanh tay tìm kiếm mảnh đất đẹp và xuống tiền không chần chừ.
Cơn sốt đất chỉ kéo dài theo tháng và ngày. Trước năm 2019, thời gian sốt đất còn tính theo tháng, trung bình từ 1 tháng – 3 tháng và có thể lên tới 1 năm. Nhưng từ năm 2019 trở lại đây, do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, thị trường đi xuống nên các cơn sốt đất chỉ tính theo ngày”.
Ông Duẩn cũng cho biết thêm: “Ở đâu có sốt đất, ở đó có nhà đầu tư. Chúng tôi xác định khi thị trường bắt đầu ấm thì phải xuống tiền. Khi thị trường lên ở ngưỡng tốt, giá gấp 30-50% là đã phải đẩy hàng, đảm bảo an toàn nguồn vốn”.
Ông Minh Quang (Gia Lâm, Hà Nội), một nhà đầu tư có 10 năm kinh nghiệm cũng đã đổi đời nhờ “lướt sóng” bất động sản. Từ một sinh viên kinh tế mới ra trường, hiện tại, ông Quang đã trở thành giám đốc của của một doanh nghiệp bất động sản với hàng trăm nhân viên cùng nhiều quỹ đất tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên, Khánh Hòa.
“Đầu tư vào bất động sản có thể kiếm được lời. Làm nhiều thương vụ, nhà đầu tư mới sẽ có kinh nghiệm biết khi nào thị trường lên, khi nào thị trường đi xuống, khi nào gom hàng, khi nào đẩy hàng”, - ông Quang nhấn mạnh.
BĐS không phải là ngành nghề dễ kiếm tiền như nhiều người vẫn nghĩ
Trắng tay, bỏ nghề cũng vì... "lướt sóng" đất!
Tuy nhiên, thị trường luôn là cuộc chiến đầy khốc liệt và chẳng dễ dàng. Có những người giàu lên từ bất động sản nhưng cũng không ít người, cả sự nghiệp tiêu tan chỉ bởi khoản tiền đổ vào không đúng lúc.
Bản thân ông Quang cũng thừa nhận, không phải thương vụ nào ông cũng đều kiếm lời. Trong suốt 10 năm tham gia vào thị trường bất động sản, không ít lần ông bị chôn vốn bởi vào thị trường chậm.
“Hiện tại, quỹ đất của tôi tại Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa thanh khoản được. Vốn bị đọng lại tại đó. Có giai đoạn hơi khó khăn vì hàng bị tồn. May mắn có nhiều thương vụ kiếm được lời nên bù lại khoản tiền vốn đổ vào Bà Rịa – Vũng Tàu.” – ông Quang nói.
Lao theo cơn sốt đất nhiều người trắng tay, phải còng lưng trả lãi ngân hàng. Ảnh minh họa
“Năm 2008-2009, nhóm chúng tôi có 5 người, kiếm rất nhiều tiền từ bất động sản. Thời đó, sốt đất xảy ra, người người, nhà nhà mua đất mà không cần quan tâm đến giờ tờ. Tiền kiếm rất dễ dàng. Những người bạn của tôi đều có xe ô tô để đi, có biệt thự để ở. Nhưng sau giai đoạn 2011-2013, 80% những người trong nhóm đều phá sản. Đến thời điểm hiện tại, mọi người đều phải chuyển nghề vì đầu tư vào bất động sản quá rủi ro”.
Đến thời điểm hiện tại, ông Tuấn cho biết, bản thân ông cũng từng mất hết vì đầu tư bất động sản. “Nếu bạn vay ngân hàng để lướt sóng thì chắc chắn sẽ có một ngày bạn không thể tưởng tượng được mình phải bán tháo vội vàng đất, bán cả nhà đang ở để trả nợ. Ví như không ai có thể lường trước khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra như hiện tại, sẽ rất nhiều người điêu đứng”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết: “Người kiệt quệ vì lướt sóng bất thành trong cơn sốt đất là rất nhiều. Vì đa phần mọi người đều vay ngân hàng. Chỉ cần thị trường đóng băng, nhà đầu tư khó thoát ra. Số lượng người trắng tay nhiều hơn người kiếm được lời”.
Không thể phủ nhận được, thị trường bất động sản luôn hấp dẫn với những ai muốn đổi đời bởi khoản chênh đầy hấp dẫn từ các thương vụ bạc tỷ. Nhưng thực tế, người kiếm tiền tỷ sẽ được kể lại nhiều lần còn người rớt xuống vực vì bất động sản lại không được nhắc tới.
“Đầu tư theo đám đông chắc chắn không thể mang lại hiệu quả lâu dài. Và tình trạng này chỉ phổ biến ở những thị trường bất động sản non trẻ hoặc mới nổi. Đầu tư theo sự cảm tính, chạy theo đám đông, trắng tay là điều dễ xảy ra.” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn trước các cơn sốt đất, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khuyến cáo, nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường cần phải tỉnh táo, tránh “sập bẫy” trở thành nạn nhân của những cò mồi môi giới.
Nhà đầu tư cần phải nắm rõ thông tin và tìm hiểu người giao dịch đất là ai, có tên tuổi trên thị trường hay không. Nếu là nhân viên tư vấn tự do thì không nên lao theo một cách mù quáng.
“Để nhận biết được có phải sốt đất ảo hay không, nhà đầu tư phải so sánh giá đất với thời điểm chưa sốt. Nếu giá tăng giảm một vài phần trăm, nhà đầu tư có thể tham gia vào thị trường. Còn nếu giá tăng theo ngày, hoặc giá trị đất tăng theo chiều thẳng đứng thì nên tránh”, ông Đính khẳng định