Lường trước rủi ro tỷ giá khi Nhân dân tệ suy yếu

VND đang chịu sức ép từ việc USD tăng sức mạnh, trong khi Nhân dân tệ (CNY) suy yếu. Dù VND được dự báo khó giảm sâu, nhưng nếu bất ổn kéo dài sẽ tạo ra rủi ro khó lường cho thị trường tiền tệ và môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Trong bối cảnh USD mạnh lên, CNY suy yếu, VND được dự báo sẽ không giảm giá quá 3%.
Trong bối cảnh USD mạnh lên, CNY suy yếu, VND được dự báo sẽ không giảm giá quá 3%.

Ngân hàng trung ương các nước đẩy nhanh quá trình nới lỏng tiền tệ

Ngày 14/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã thiết lập tỷ giá tham chiếu 7,0312 CNY đổi 1 USD. Mặc dù đây là lần đầu tiên PBOC nâng giá CNY kể từ ngày 5/8, nhưng vẫn là phiên thứ 5 liên tiếp tỷ giá CNY/USD tham chiếu vượt mốc tâm lý quan trọng 7 CNY/USD. Giá CNY trên thị trường quốc tế hiện là 7,0277 CNY/USD, giảm nhẹ so với giá đóng cửa ngày 13/8.

Sau động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, cùng với đó là tỷ giá CNY/USD lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 CNY/USD kể từ năm 2009, ngân hàng trung ương của một số quốc gia đã cắt giảm lãi suất.

Ðánh giá động thái này, ông Ngô Ðăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia trong nhóm thị trường đang phát triển (Emerging Market - EM) đồng loạt bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc cắt giảm lãi suất chính sách, nhanh hơn cả về tốc độ và định lượng so với hoạt động nới lỏng của nhóm các thị trường phát triển (Developed Market - DM).

Cụ thể, ông Khoa cho biết, với việc Fed cắt giảm chỉ 25 điểm phần trăm (25bp) trong tháng 7, thì tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, nếu loại trừ mức giảm lãi suất đột biến 4,25% của Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia khác trong nhóm EM đã có chu kỳ cắt giảm lãi suất chính sách đáng kể như Ấn Ðộ (-110bp), Philippines (-75bp), Nga (-50bp), Braxin (-50bp), Chi-lê (-50bp), Indonesia (-25bp), Nam Phi (-25bp), Malaysia (-25bp), Hàn Quốc (-25bp) và Thái Lan (-25bp). Trong khi đó, Trung Quốc cũng nới lỏng thanh khoản thị trường tiền tệ, bao gồm việc hạ 200 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. 

Theo ông Khoa, thương mại - vốn là động cơ chính thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu - đang bị ảnh hưởng khá tiêu cực từ chu kỳ sụt giảm nhu cầu toàn cầu, cộng thêm ảnh hưởng về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Có thể thấy rõ, nếu 2 quốc gia không đạt được thỏa thuận hoặc không đưa ra được lộ trình rõ ràng về đàm phán thương mại, những áp lực đè nặng lên xuất khẩu sẽ hiện rõ, đặc biệt trong ngắn hạn, bất kể việc có thể có các quốc gia, trong đó có Việt Nam, được hưởng một số lợi thế cạnh tranh từ tình hình căng thẳng này.

“Một loạt tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và khu vực châu Á cho năm 2019, trong bối cảnh lạm phát cũng liên tục nằm ở mức thấp. Ðiều này thúc đẩy các ngân hàng trung ương đẩy nhanh quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ, hoặc ít nhất đảo ngược chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ thiết lập năm 2018. Tuy nhiên, hiện tại, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn đang cho thấy sự lạc quan với đà tăng trưởng trong đầu tư và xuất nhập khẩu, lạm phát bình quân vẫn ở mức thấp dưới mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra”, ông Khoa nhấn mạnh.

VND chịu sức ép, nhưng khó giảm sâu

Về tỷ giá, ông Khoa dự đoán, các đồng tiền trong khu vực mất giá khá nhanh kể từ đầu tháng 8 sau một loạt sự kiện kinh tế - chính trị, mà điển hình là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố áp 10% thuế lên phần còn lại của 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, kéo theo đó là cặp tỷ giá USD/CNY vượt ngưỡng 7.0 lần đầu tiên từ 2008 và ngay lập tức Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ. Mặc dù vậy, tỷ giá USD/VND diễn biến theo chiều hướng tương đối ổn định.

Việt Nam được các chuyên gia kinh tế nhận định đã không bị cuốn vào cuộc chiến phá giá tiền như nhiều nước, đồng thời vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho xuất khẩu.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) phân tích, CNY đã mất giá mạnh trong những ngày qua, nhưng VND tiếp tục tăng giá thêm 0,22%, giao dịch ở mức 23.210 VND/USD. Việc CNY trượt giá thường ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà giao dịch ngoại hối Việt Nam, nhưng nhờ nguồn USD dồi dào, cung cầu của thị trường ngoại hối được cân bằng, đồng thời hỗ trợ giá trị của VND.

Ðược biết, mức tỷ giá trên tương đương với thời điểm cuối năm 2018 và VND trở thành một trong những đồng tiền có mức biến động thấp nhất so với USD kể từ đầu năm đến nay. Tỷ giá trung tâm cũng đã tăng thêm 12 VND/USD ở mức 23.102 VND/USD, tăng 1,21% so với cuối năm 2018 và tiến sát tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước.

“Tính riêng từ đầu năm, VND là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực châu Á khi mất giá không đáng kể, tương đương chỉ khoảng 0,1%. Kết quả này đến từ các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, cán cân thương mại tương đối cân bằng, dòng vốn đầu tư và kiều hối tích cực, cùng với niềm tin nhà đầu tư không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, bất chấp các yếu tố bất ổn trên thị trường quốc tế. Tỷ giá ổn định là yếu tố cần thiết giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể hoạch định kế hoạch kinh doanh và duy trì tâm lý tích cực”, ông Khoa nhấn mạnh.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phân tích, tỷ giá đồng loạt tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, đặc biệt khi tỷ giá CNY/USD xuyên thủng ngưỡng cản tâm lý tại 7.0 khiến thị trường ngoại hối biến động mạnh. Trong ngắn hạn, VND có thể sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ diễn biến giảm giá của CNY, nhưng tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7/2019 gần như đi ngang so với cuối 2018, nên Ngân hàng Nhà nước vẫn còn khá nhiều dư địa để điều hành trước diễn biến mới của CNY .

“Dù có thể chịu sức ép giảm giá theo CNY, nhưng VND sẽ không giảm giá quá sâu trên 3% do Việt Nam đang lo ngại rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ”, BVSC nêu quan điểm.

Dẫu vậy, ông Khoa cho rằng, sự sụt giảm về kinh tế thế giới đến từ chu kỳ giảm sút nhu cầu toàn cầu, cùng với sự leo thang về chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại và những bất ổn địa chính trị kéo dài tiếp tục tạo ra những bất ổn khó lường cho thị trường tiền tệ và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

“Biến động lãi suất vẫn chứa đựng nhiều ẩn số. Do đó, đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và/hoặc doanh nghiệp có hoạt động phụ thuộc nhiều vào biến động lãi suất - tỷ giá, cần chủ động trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ rủi ro thông qua các sản phẩm phái sinh trong khuôn khổ Ngân hàng Nhà nước cho phép”, ông Khoa nói.

Chuyên đề