Các bị cáo tại tòa |
Tại tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn cho rằng vụ án có nhiều vi phạm tố tụng, vụ án còn nhiều vấn đề chưa rõ và đề nghị HĐXXhoãn phiên toà, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Nhiều vi phạm tố tụng
Cụ thể, luật sư Trương Vĩnh Thủy cho rằng bà Hứa Thị Phấn mắc nhiều bệnh, kết luận giám định pháp y về sức khỏe cho thấy tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh là 93%. Trước khi bị khởi tố, ngày 6-3-2017, bà Phấn đã phải nhập viện điều trị cho đến nay.
Vì vậy, cơ quan CSĐT không thể tiến hành lập biên bản hỏi cung bà Phấn. Trong suốt quá trình điều trị, sức khỏe của bà Phấn ngày càng xấu đi. Việc cáo trạng đánh giá thái độ của bà Phấn không hợp tác, chống đối là không chính xác.
Khi xét xử bà Phấn không có mặt, HĐXX không áp giải bà Phấn đến tòa mà quyết định xét xử vắng mặt bị cáo này. Luật sư cho rằng bà Phấn không thuộc trường hợp được xét xử vắng mặt nên việc xét xử vắng mặt bà Phấn là vi phạm tố tụng.
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng có 3/5 người trong HĐXX xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1 đã ra quyết định khởi tố vụ án, xác định hành vi của một số bị cáo được đưa ra xét xử tại phiên tòa này, nay lại tham gia HĐXX là không vô tư, khách quan, cần thay đổi.
Tương tự, luật sư Trương Thị Minh Thơ cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn điều tra các luật sư đã làm nhiều đơn khiếu nại nhưng không được đưa vào hồ sơ vụ án, trong vụ án có nhiều lời khai, tường trình "sinh đôi" giữa ông Nguyễn Hữu Luận, Phạm Đăng Quan và nhiều người liên quan khác; nhiều lời khai được lấy cùng ngày, cùng giờ, cùng điều tra viên, kiểm sát viên; điều tra viên không lấy cung bằng biên bản viết tay; bản cung sai ngày, tháng, năm; có dấu hiệu ép cung, không khách quan.
Bỏ qua nhiều tài liệu do luật sư cung cấp?
Về nội dung vụ án, theo các luật sư bào chữa, vụ án còn nhiều điểm chưa rõ.
Cụ thể, về việc mua bán lòng vòng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, cáo trạng xác định sau khi mua căn nhà này với giá 1.260 tỉ đồng, Ngân hàng Đại Tín đã bị lỗ lũy kế 6.061 tỉ, âm vốn chủ sở hữu 2.854 tỉ.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng nguyên nhân thua lỗ dẫn đến tổng tài sản, vốn chủ sở hữu sụt giảm so với sổ sách như cáo trạng là do tại thời điểm tháng 2-2012, Ngân hàng Đại Tín trích dự phòng rủi ro bổ sung, xuất toán lãi.
Như vậy tại thời điểm mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch vốn chủ sở hữu chưa âm mà còn 3.132 tỉ đồng nên chưa đủ căn cứ để cho rằng số tiền mua nhà được lấy từ nguồn tiền gửi của khách hàng như quy kết.
Cũng theo luật sư, việc định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bằng phương pháp so sánh với nhà đất ở đường Nguyễn Đình Chiểu - Lý Chính Thắng là bất hợp lý.
Ngoài ra, luật sư cho rằng tài sản này là của bà Phấn, theo nguyên tắc "thuận mua vừa bán" bà Phấn không chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Từ đó, các luật sư cho rằng hành vi của bà Phấn không đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm.
Về việc hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ khống 5.256 tỉ đồng cho công ty Phương Trang, luật sư Trương Thị Minh Thơ cho rằng trước đó luật sư Thơ đã giao nộp 1 USB chứa đoạn ghi âm dài hơn 2 tiếng được cho là cuộc trao đổi giữa bà Phấn và ông Nguyễn Hữu Luận, chủ tịch HĐQT công ty Phương Trang và nhiều người khác, xác định nợ ngân hàng Đại Tín hơn 9.000 tỉ.
Tuy nhiên, tài liệu này đã bị VKS bác bỏ, không công nhận là chứng cứ. Luật sư Thơ cho rằng nội dung trong băng ghi âm phù hợp với các tài liệu khác nên cần phải giám định USB này để đánh giá toàn diện vụ án.
Bên cạnh đó theo luật sư nhật ký thu chi của phía Phương Trang ghi rõ nhận tiền từ Ngân hàng Đại Tín nhưng không được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét.
Phiên tòa tiếp tục vào ngày 24-5.