Lựa chọn nào cho báo chí trước AI?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc sử dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với hoạt động sản xuất tin tức, nội dung đã trở thành lựa chọn tất yếu đối với các hãng thông tấn toàn cầu. Theo đó, các toà soạn cần có bộ quy tắc của riêng mình để giải quyết những vấn đề gây tranh cãi trong việc sử dụng AI, nhưng cũng cần củng cố niềm tin vào sức mạnh nguyên bản của người viết.
Việc sử dụng công cụ công nghệ trong lĩnh vực báo chí cần có sự giám sát, theo dõi từ chính các nhà báo
Việc sử dụng công cụ công nghệ trong lĩnh vực báo chí cần có sự giám sát, theo dõi từ chính các nhà báo

Báo chí và sự bùng nổ của AI

Kể từ khi Công ty OpenAI (Mỹ) trình làng ChatGPT vào tháng 11/2022, thế giới truyền thông nói chung và báo chí nói riêng đã không ngừng bàn luận về những tác động của AI đối với lĩnh vực này. Bao nhiêu phóng viên sẽ bị thay thế bởi sự bùng nổ của AI? Cần bao nhiêu thời gian để AI chiếm lĩnh thị trường? Lĩnh vực truyền thông nào dễ tổn thương nhất trước sức mạnh của công nghệ? Liệu AI là thử thách hay cơ hội để giải quyết những khó khăn mà ngành truyền thông đang phải đối mặt?

Bloomberg là một trong những hãng truyền thông đầu tiên sử dụng Cyborg - một chương trình có khả năng phân tích báo cáo tài chính và viết các tin tức liên quan tới số liệu tại các báo cáo. Washington Post sử dụng Heliograf - công nghệ AI tự phát triển để bảo đảm cung cấp thông tin nhanh nhất, đầy đủ nhất liên quan tới các sự kiện lớn như Olympic, bầu cử… Hãng tin AP (Associated Press) cũng nâng tổng lượng tin, bài về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ con số 300 lên 3.700 tin, bài mỗi quý nhờ dùng AI. Hiện tại, công nghệ AI có khả năng tạo ra hàng vạn tin bài mỗi năm.

Lisa Gibbs, Giám đốc Đối tác tin tức và người đứng đầu bộ phận Tin tức AI tại AP chia sẻ: “Những con số trên chỉ là lát cắt trong bức tranh tổng quát của thị trường báo chí toàn cầu, nơi các hãng tin tức tận dụng sức mạnh của AI và công nghệ để nhân gấp bội sức mạnh sản xuất tin tức. AI giúp giải phóng các nhà báo khỏi một số công việc nhàm chán thường ngày để họ sử dụng trí óc thực hiện các công việc cấp cao hơn, cho phép họ tạo ra các nội dung phục vụ nhiều đối tượng độc giả một cách hiệu quả hơn”.

Không chỉ các hãng tin tức lớn mà các toà soạn ở mọi quy mô trên toàn cầu đều nhập cuộc đua sử dụng AI ở các mức độ khác nhau. Chính mức độ ứng dụng rộng rãi của AI đối với báo chí khiến các tổ chức truyền thông cần tìm ra quy chuẩn cho hoạt động hiện tại, cũng như định hướng cho tương lai.

Tuần đầu tiên của tháng 6/2023, Digital Content Next - hiệp hội có sự tham gia của hơn 50 hãng thông tấn lớn nhất nước Mỹ, bao gồm những tên tuổi như The Washington Post, News Corp (Công ty mẹ của The Wall Street Journal)… đã có cuộc gặp gỡ với các hãng thông tấn khác như New York Times, NBC News với nội dung xoay quanh việc phát triển quy tắc để sử dụng AI trong sáng tạo nội dung.

Theo đó, một bộ quy tắc “Phát triển và quản trị liên quan tới AI” đã được công bố, tập trung vào vấn đề sử dụng một cách an toàn, minh bạch, trách nhiệm và giải trình, cũng như việc xử lý các vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ.

Rõ ràng, các hãng tin tức lo sợ việc sử dụng các ứng dụng AI có thể gây ra nhiều hệ lụy, bao gồm phát hành tin tức thiếu kiểm chứng, vi phạm bản quyền, bùng nổ tin giả, tin rác, phá huỷ niềm tin vào báo chí đích thực. Các hãng thông tấn thống nhất, bộ quy tắc trên chỉ là bước mở đầu và cần tiếp tục đào sâu, thảo luận.

“Việc xây dựng một hệ thống quy định và tiêu chuẩn đối với AI trong lĩnh vực báo chí là cấp thiết hơn bao giờ hết. Chúng tôi đã có 15 cuộc họp từ tháng 2/2023 tới nay”, Jason Kint, CEO Digital Content Next chia sẻ.

AI có thể thay thế con người?

Việc sử dụng AI để hỗ trợ và sản xuất tin tức không phải điều quá mới đối với giới báo chí, truyền thông. Francesco Marconi, người đồng sáng lập hãng tin tức AppliedXL (đưa tin theo thời gian thực), cựu Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại The Wall Street Journal, lãnh đạo AP và tác giả của cuốn sách về AI và ngành báo chí xuất bản năm 2020 cho biết, trong thập kỷ qua, có 3 làn sóng ứng dụng AI trong lĩnh vực báo chí.

Làn sóng thứ nhất tập trung vào việc tự động hoá dựa trên dữ liệu để sản xuất tin tức như thông tin về kết quả kinh doanh, kết quả các trận đấu thể thao, chỉ báo kinh tế… Rất nhiều hãng tin như Reuters, AFP, AP... đã sử dụng phương thức này từ lâu.

Làn sóng thứ hai là ứng dụng công nghệ sâu hơn vào hoạt động sản xuất tin tức, bao gồm sử dụng công nghệ học máy (machine learning) và các công cụ ngôn ngữ để phân tích dữ liệu quy mô lớn, khám phá các xu hướng mới, chưa có độ khuếch tán.

Làn sóng thứ ba đang diễn ra chính là Generative AI - công nghệ liên quan đến việc dạy cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo ra nội dung mới dựa trên dữ liệu. Không dừng lại ở việc trích xuất câu trả lời từ kho dữ liệu đầu vào, Generative AI có khả năng tạo ra các nội dung mới như hình ảnh, văn bản, đồ họa 3D, video… Điều đặc biệt là những nội dung này rất thông minh, sử dụng ngôn ngữ tự nhiên có sự tổng hợp và “tư duy” như con người.

ChatGPT là một ví dụ điển hình của Generative AI, có khả năng sáng tạo nội dung ở đa dạng các thể loại như bằng văn bản, viết blog, làm thơ, viết lời bài hát… mà không giới hạn ngôn ngữ hay bất kỳ chủ đề nào.

Với sức mạnh từ mô hình ngôn ngữ lớn (large language model - LLM), các phóng viên hiện có thể yêu cầu chatbot viết các nội dung dài hơn, dễ hiểu, thân thiện với mọi đối tượng độc giả trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, thực tế là AI có “mắc lỗi”. Ông Francesco Marconi cho biết, các công cụ như ChatGPT và mô hình tương tự thường gặp khó khăn trong việc tập hợp các thông tin chính xác và có thực để đưa ra nội dung tức thời.

Đây là lý do giáo sư Charlie Beckett, người đứng đầu Dự án JournalismAI, Đại học Kinh tế London khuyến nghị, việc sử dụng công cụ công nghệ cần có sự giám sát, theo dõi từ các nhà báo.

“Việc tác nghiệp của phóng viên tiềm ẩn rủi ro, sai sót, chúng ta khắc phục điều này bằng công tác biên tập, rà soát. Việc này cũng đúng với sử dụng AI. Hãy bảo đảm rằng chúng ta hiểu rõ công cụ hoạt động như thế nào và rủi ro hiện hữu”, giáo sư Charlie Beckett phân tích.

Một ví dụ gần đây cho thấy rõ rủi ro của sử dụng AI là việc một luật sư tiêu tan 30 năm sự nghiệp vì sử dụng công cụ thiếu sự kiểm tra. Cụ thể, một khách hàng kiện Hãng hàng không Avianca do bị xe đẩy hàng tại sân bay quốc tế Kennedy, New York tông phải. Luật sư Steven A. Schwartz của Công ty luật Levidow & Oberman đã đệ trình một bản tóm tắt dài 10 trang trích dẫn các vụ kiện tương tự trong quá khứ. Tuy nhiên, sau đó không thể tìm được nguồn trích dẫn cho những thông tin này. Hóa ra, mọi tài liệu tóm tắt đều được ChatGPT tạo ra. Steven A. Schwartz thừa nhận đã sai khi sử dụng chương trình trí tuệ nhân tạo tìm kiếm tài liệu và viết báo cáo để dẫn chứng cho vụ kiện. Ông cho biết chưa bao giờ sử dụng ChatGPT và không biết rằng nó có thể sai.

Những vấn đề dễ nhận thấy nhất đối với sử dụng AI hiện tại chính là khó xác định tính có thực của thông tin, cũng như quy trình từ chọn lọc, phân tích thông tin cho tới ra văn bản cuối cùng diễn ra như thế nào.

Madhumita Murgia, người đứng đầu bộ phận biên tập AI tại Financial Times - một vị trí hoàn toàn mới tại toà soạn lâu đời này cho rằng, không thể nói AI ngày càng trở nên quyền lực cùng với những tiến bộ công nghệ. Thực tế, trong bối cảnh này, tiếng nói của con người mới là thứ không gì thay thế được. “Tôi tin rằng, các mô hình ngôn ngữ lớn hiện nay không thể sáng tạo hoặc tạo nên bất kỳ giá trị mới nào theo bất kỳ cách nào. Sẽ không có breaking news (tin nóng, tin đặc biệt, mang tính mới nhất) do AI tạo ra”, Madhumita Murgia chia sẻ.

Lĩnh vực báo chí trong những năm qua đã chịu nhiều sức ép từ mạng xã hội, các hãng nghiên cứu và tiếp theo là công cụ AI. Tuy nhiên, bài học từ quá khứ cho thấy, những giai đoạn biến động luôn khiến lĩnh vực báo chí phải thay đổi và thích ứng để cung cấp thông tin hiệu quả, trung thực, chính xác, kịp thời tới độc giả, nhưng tiếng nói nguyên bản từ người viết sẽ không thể bị thay thế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư